Năm 1990, tổng thống Pháp đã trao tặng Huy chương Hiệp sĩ Đài Ghi Công cho một giáo sư người gốc Việt. Gần hai thập niên sau, vị giáo sư này tiếp tục được Tổng thống Pháp trao tặng Huy chương Hiệp sĩ Bắc Đẩu Bội tinh. Thật khó để đong đếm hết những thành quả mà vị giáo sư Việt kiều này gặt hái được trong suốt sự nghiệp mấy mươi năm ông xông pha trên nhiều mặt trận ở bên kia đại dương xa xôi.
Được gỡ rối ở khóa Cấy nền
Đó là Giáo sư Phan Văn Trường, cựu cố vấn thương mại chính phủ Pháp, chuyên gia cao cấp về đàm phán thương mại và là tác giả của bộ sách “rất hot” hiện nay: Một đời thương thuyết; Một đời quản trị; và Một đời như kẻ tìm đường. Vị giáo sư đã ngoài 70 tuổi với phong thái đĩnh đạc, ánh mắt sáng và tràn ngập năng lượng đã kể chúng tôi nghe đầy tâm huyết về dự án Cấy nền mà ông và cộng sự thực hiện từ giữa năm 2019.
Chia sẻ về ý tưởng Cấy nền, Giáo sư Phan Văn Trường cho biết ông từng quyết định ngưng việc tổ chức hội thảo và giảng dạy vì tuổi cao. Tuy nhiên, nhiều bạn trẻ muốn tiếp tục nghe ông giảng nên ông đã tổ chức những khóa Cấy nền.
“Thật đơn giản, Cấy nền là dịp các bạn muốn đăng ký sống bên cạnh tôi 60 tiếng liên tục (khoảng ba ngày hai đêm) và được quyền đặt mọi câu hỏi, được gỡ rối mọi thắc mắc liên quan đến nghề nghiệp, kinh doanh và đời sống. Tôi không nhận những câu hỏi mang tính tôn giáo hay chính trị. Chúng tôi ăn sáng với nhau, đi bộ trong rừng hay trên bãi biển, đi bơi, ăn trưa, ăn tối, ca hát lành mạnh. Mục đích quan trọng là để khơi gợi đặt câu hỏi về công việc, cuộc sống” - Giáo sư Trường kể lại những khóa Cấy nền đầu tiên.
Được biết các khóa Cấy nền đều giới hạn nguời tham gia (40 đến 60 học viên) để giữ tính ấm áp và hiệu quả. Ước tính có khoảng 500 thành viên thân thuộc của dự án đã từng tham gia một đến nhiều khóa Cấy nền ở nhiều tỉnh, thành trong nước và nước ngoài.
Chỉ hơn nửa năm qua, Cấy nền đã kịp đến nhiều tỉnh, thành ở Việt Nam như Vũng Tàu, Ninh Bình, Nha Trang, Bến Tre, Huế, Ba Vì (Hà Nội), Đà Nẵng và TP.HCM. Ngoài ra, Cấy nền cũng đã đến Paris và Lyon (Pháp). Sau Tết, Cấy nền sẽ lan tỏa đi Đà Lạt, Bình Dương, Phú Yên, Quảng Bình, Đồng Tháp và cả Tokyo (Nhật Bản).
GS Phan Văn Trường (giữa) là gương mặt quen thuộc với nhiều bạn trẻ. Ảnh: L’ESPACE HN
Tìm ra cách sống hạnh phúc
Từng tiếp xúc nhiều lần với Giáo sư Trường, chúng tôi cảm nhận rất rõ ông cư xử với người học như đối đãi với người thân. Ông áp dụng những phương pháp khoa học pha lẫn những kinh nghiệm có được từ khoảng thời gian làm việc với hàng chục tập đoàn đình đám nhất thế giới. Thực tế, ba ngày cùng sống với tập thể cho phép Giáo sư Trường chia sẻ kinh nghiệm, phong cách, đạo đức và làm gương trong cách hành xử.
Chia sẻ với chúng tôi, nhiều học viên cho biết họ khám phá ra rằng Cấy nền tạo cho họ sự sảng khoái, tìm ra một cách sống đơn giản, hạnh phúc, nhẹ nhàng, giảm lọc lừa và cập rập. Họ nhận ra bản thân lâu nay lãng phí quá nhiều thời gian vào những hoạt động vô bổ hay vào những tranh cãi không cần thiết. Thay vào đó, họ học được cách dành nhiều thời gian hơn cho bản thân để đọc sách, thư giãn, chơi thể thao. Đặc biệt, các thành viên tạo ra một hệ sinh thái nhiều năng lượng tích cực, như tìm thấy điểm chung trong công việc, gia đình, sở thích hay trong cuộc sống. Từ đó họ càng gắn bó nhau hơn.
“Tôi đã học được rằng dân tộc của chúng ta rất thông minh, năng động, thích nghi nhanh chóng, học hỏi rất sâu và rất mau. Tôi gặp những bạn trẻ lành mạnh, lễ độ, đạo đức, tích cực. Và tôi đã chứng kiến nhiều thành viên trẻ, thoạt đầu trông ngoài thì chậm chạp, lờ đờ, vậy mà đến khi vào Cấy nền lại tạo ra động lực và tinh thần đóng góp rất quan trọng. Tôi đã khám phá lại dân tộc của mình mà bấy lâu nay tôi chưa gặp lại. Một dân tộc có khả năng tạo một đất nước thật hùng mạnh” - Giáo sư Trường nói về những bài học mà ông cảm nhận từ chính các học trò của mình.
Thẳng thắng, bình đẳng mới vào Cấy nền Cấy nền là nơi mọi người phải sống bình đẳng, chân thật, đạo đức. Bình đẳng dưới con mắt của tôi là mỗi người đều trả mọi chi phí của mình, kể cả tôi (cho dù tôi dạy miễn phí). Ai cũng làm học trò (kể cả tôi) và ai cũng phải làm thầy. Ở Cấy nền, không có ai trên ai dưới, ai nhiều ai ít, ai cao ai thấp. Mỗi người đều tự trọng và kính trọng người xung quanh. Kính trọng có nghĩa là nếu không đồng tình trên một điểm nào đó thì có bổn phận phải phản biện một cách chân thật và ân cần. Không được im lặng, nhịn nhục, cho thời gian qua một cách miễn cưỡng. Từ sự chân thật, các vấn đề phải giải quyết trở thành quá đơn giản và nhanh chóng. Sự thẳng thắn với nhau lại tạo nên một hệ sinh thái giữa mọi người, từ đó tạo ra hướng đi cho tập thể lẫn từng cá nhân. Tôi rất vui vì thực sự tôi không ngờ rằng mình đã tạo nên một phong cách sống giản dị giữa những người được xem là tương lai của đất nước. Làm được việc này, tôi thấy cuộc đời của riêng tôi mang một chút ý nghĩa khá đặc biệt. Giáo sư PHAN VĂN TRƯỜNG, cố vấn thương mại chính phủ Pháp |