Họa Mi trở lại để chuẩn bị cho liveshow đầu tiên trong cuộc đời và cũng là trở lại sân khấu ở tuổi 60.
Mơ bác sĩ lại làm ca sĩ
Họa Mi mê hát từ nhỏ nhưng suốt 60 năm cuộc đời thì gần 30 năm qua Họa Mi không thể hát bởi cô chọn cho mình công việc của một phụ nữ bình thường, lo cho con, cho chồng. Khi nghe người viết nói: “Dường như cuộc đời chị gắn với bệnh viện”, ca sĩ Họa Mi đã đồng ý ngay với lời nói tưởng như đùa đó…
11 tuổi, cô bé Trương Thị Mỹ (tên thật của ca sĩ Họa Mi) đã thấy cảnh cha mất. Sau ngày cha mất thì mẹ ngã bệnh, hai anh trai rồi cũng lớn yên bề gia thất, chỉ còn cô em gái nhỏ bên cạnh ra vào bệnh viện cùng mẹ. “Tôi thích hát nhưng có những lúc trong cuộc đời, nhất là những ngày mười mấy tuổi, tôi chỉ mong mình được làm bác sĩ. Bởi ngày đó nhà tôi không khá giả cho lắm nhưng tôi từng chứng kiến một bác sĩ chăm lo cho mẹ, cho các bệnh nhân khác rất chu đáo. Thấy hình ảnh bác sĩ đó cộng với mẹ bệnh, tôi chẳng mong chi ngoài ước mơ bé dại là làm bác sĩ” - ca sĩ Họa Mi tâm sự.
Ca sĩ Họa Mi từng xin nhạc sĩ Lam Phương viết lại lời ca khúc Em đi rồi cho đúng với tâm trạng của cô. Ảnh: Jet Studio
Nhưng ước mơ bác sĩ chưa thành thì mẹ ca sĩ Họa Mi đã vĩnh viễn ra đi khi cô 17 tuổi. Cô nữ sinh Trường Gia Long lơ ngơ mất cả cha và mẹ… Rồi như cơ duyên, cô được gặp con trai của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn là Đoàn Chính. Chính người này đã gợi ý Họa Mi thi vào Trường Quốc gia âm nhạc và kịch nghệ (nay là Nhạc viện TP.HCM). “Bất ngờ này đến bất ngờ khác khi tôi là một trong tám người của khóa thanh nhạc đầu tiên ở trường này” - ca sĩ Họa Mi kể. Cùng học ở trường và cùng tham gia vào ca đoàn Gió Khơi của nhạc sĩ Đoàn Chính, thỉnh thoảng cô được lên truyền hình cùng ca đoàn. Chính từ ca đoàn này cô bé Mỹ đã lọt vào mắt xanh của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ.
Ở tuổi 18, cô bé Mỹ đã khoác lên mình nghệ danh mới Họa Mi. Nghệ danh này được nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ ưu ái đặt cho cô khi mời cô về hát ở nhà hàng Maxim’s của ông. Nghệ danh thể hiện một giọng ca như chim họa mi, cùng với ca khúc Đưa em xuống thuyền (Hoàng Thi Thơ) đã một bước đưa cô gái hát trong ca đoàn thành ca sĩ chuyên nghiệp.
Một đời cho chồng con
Sau năm 1975, giọng ca Họa Mi vẫy vùng ở đoàn kịch nói Kim Cương. Cô trở thành tiếng hát đặc biệt của những năm 1970-1980 và đặc biệt hơn nữa là chuyện tình đẹp như mơ của cặp đôi nghệ sĩ saxophone Lê Tấn Quốc - Họa Mi. Cặp đôi này đã trở thành biểu tượng của tình yêu khi sống với nhau hơn 10 năm với ba đứa con. Cuộc tình đẹp đến độ vào năm 1991 đã từng có vở kịch Tình nghệ sĩ dàn dựng từ tình yêu của cặp đôi này.
Nhưng như lời ca sĩ Họa Mi: “Không ai nói trước được định mệnh...”. Nghệ sĩ Lê Tấn Quốc bị bệnh mắt bẩm sinh, thị lực ngày càng kém đi. Năm 1988 là dấu mốc cuộc đời của ca sĩ Họa Mi khi cô quyết định ở lại Pháp sau chuyến lưu diễn. Dư luận ngày ấy cho rằng Họa Mi đã bỏ chồng con để ra đi vì cuộc sống ca sĩ những năm 1980 quá cơ cực. Nhưng không, sau hai năm ở Pháp, Họa Mi đã trở về đón chồng và ba con sang Pháp. “Tôi ở lại để tìm cơ hội chữa bệnh cho chồng tôi. Tôi đi hát không nhiều mà chủ yếu làm thêm nhiều việc khác để kiếm tiền” - ca sĩ Họa Mi nhớ lại.
Bác sĩ tại Pháp đã lắc đầu với căn bệnh của chồng Họa Mi. “Ngày đó, chồng tôi quyết định nếu chữa được mắt anh mới ở lại, nếu không anh sẽ quay về bởi không thể là gánh nặng cho vợ” - ca sĩ Họa Mi kể. Và sau cái lắc đầu của bác sĩ, nghệ sĩ Lê Tấn Quốc đã trở về Việt Nam. Họa Mi không thể theo chồng trở về mà phải ở lại. Bởi bác sĩ nói rằng bệnh của nghệ sĩ Lê Tấn Quốc có khả năng di truyền từ cha sang con nên ba người con của họ phải được theo dõi cho đến hết năm 18 tuổi.
33 tuổi, Họa Mi một nách ba con chơi vơi ở xứ người. Họa Mi đi hát ở một trung tâm ca nhạc ở Pháp nhưng sau đó trung tâm này chuyển sang Mỹ, cô coi như hết đất bởi không thể bỏ con thơ ở lại để đi diễn mãi được. Giữa con cái và ca hát, Họa Mi đã chọn con cái. Cô nhận bán bánh kem, bánh mì… để mỗi kỳ lại đưa con đi khám mắt cho đến khi ba con đều tròn 18 tuổi.
40 tuổi, Họa Mi kết hôn lần thứ hai trong đời với một người Pháp gốc Việt. Ông là chủ chuỗi cửa hàng bánh kem, bánh mì cô làm những năm đầu ở Pháp. Cô cùng người chồng sau có thêm một đứa con. Cô lại tiếp tục dành thời gian cho bốn đứa con và người chồng để rồi nghiệp hát chơi vơi trong suốt hơn 27 năm qua.
Năm 2009, cô từng trở lại TP.HCM ghi âm hai album nhạc với mong muốn quay lại sân khấu ca nhạc nhưng rồi cũng lại việc chồng, việc con, việc gia đình, cô phải về Pháp để đến nay mới trở lại. “Lần này Họa Mi nhất quyết ở lại hát, nhất quyết đứng lại trên sân khấu, dù muộn nhưng đó là mê say của mình từ ngày nhỏ” - ca sĩ Họa Mi quả quyết.
Và giọng hát trong veo ở những nốt cao nhưng vẫn đẹp cả nốt trầm của Họa Mi sẽ trở lại với khán giả trong nước. Họa Mi sẽ không còn một mình khe khẽ trong căn bếp nhỏ của nhà mà hát “Em đi rồi từ đây tiếng hát đơn côi, biết chia cùng ai nỗi buồn trên xứ người…” (lời ca khúc Em đi rồi của nhạc sĩ Lam Phương viết từ chuyện tình của Họa Mi và nghệ sĩ Lê Tấn Quốc).
Một hình mẫu đẹp của nghề ca sĩ Ca sĩ Họa Mi là một hình mẫu đẹp của nghề ca sĩ. Khi chọn một nghệ sĩ để thực hiện liveshow Sol Vàng và để trao biểu tượng của chương trình là nốt Sol vàng thì ngoài giọng hát đẹp, được khán giả yêu thích, cuộc đời của ca sĩ đó cũng phải đẹp, có thể là hình mẫu để những nghệ sĩ trẻ hướng theo. Với trường hợp ca sĩ Họa Mi, cô đáp ứng được những tiêu chí đó và tên tuổi cô được biết đến từ trước 1975 lẫn sau này. Ông NGUYỄN THANH PHÚ, Giám đốc Jet Studio, |