Ngày 15-3, TS-BS Phạm Trịnh Quốc Khanh, Trưởng khoa Bỏng - Tạo hình thẩm mỹ BV Trưng Vương TP.HCM, cho biết bệnh viện vừa tiếp nhận hai bệnh nhân bị nhiễm trùng, hoại tử vùng mặt nguy hiểm do bơm chất làm đầy không rõ nguồn gốc.
Bệnh nhân nữ thứ nhất (49 tuổi) dù khi tiêm chất làm đầy mũi đã cẩn thận tìm đến cơ sở thẩm mỹ được cấp phép nhưng sau khi tiêm chất làm đầy vẫn gặp sự cố. Ban đầu bà chỉ cảm thấy nhức vùng mũi, mắt, liên tục chóng mặt, nhưng khi vào BV Trưng Vương khám, trên mặt bà đã xuất hiện những vết hoại tử lốm đốm khiến bà vô cùng hoảng sợ.
Theo BS Võ Kế Đạt, người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân này, trong ba ngày đầu nhập viện các vết hoại tử lan nhanh khắp vùng mặt. Đến ngày thứ tư, khi kháng sinh và kháng viêm phát huy tác dụng thì vết hoại tử lan chậm lại.
Vùng mặt bệnh nhân hoại tử nặng do tiêm chất làm đầy.
Trường hợp thứ hai cũng là một bệnh nhân nữ (29 tuổi), cô bị biến chứng hoại tử vùng mặt sau khi tiêm chất làm đầy vào hai gò má. Theo bệnh nhân kể, khoảng tháng 11-2015, cô đến một cơ sở Spa được quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội để tiêm chất làm đầy hai má. Khoảng ba tháng đầu, mặt cô khá đẹp, ổn định. Nhưng thời gian gần đây trên mặt bỗng xuất hiện biến chứng nhiễm trùng, viêm vón cục hai bên gò má.
“Khi bệnh nhân quay lại nơi đã làm đẹp tìm hiểu mới phát hiện cơ sở không có bác sĩ đứng tên, bệnh nhân cũng không biết chất tiêm vào má là chất gì khiến việc điều trị rất khó khăn. Hiện chúng tôi nghi ngờ đó là silicon vì không cách nào mổ để lấy hết chất này trong mặt bệnh nhân” - BS Khanh cho biết.
Qua các trường hợp trên, BS Khanh khuyến cáo, nếu có nhu cầu làm đẹp thì trước hết cần trở thành một khách hàng thông minh. Trước khi muốn tiêm gì vào cơ thể cần xem cơ sở mình đặt niềm tin được cấp phép hay chưa, bác sĩ tại đó có chứng chỉ hành nghề hay không. Đặc biệt, cần tìm hiểu rõ để biết chất được tiêm vào cơ thể mình là gì, nguồn gốc ở đâu, hiệu quả ra sao cũng như tác dụng phụ thế nào.