Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga, cho biết năm nay, các trường có nhiều nhóm ngành xét tuyển mới với nhiều tổ hợp môn mới, tuy nhiên sẽ khó có ngưỡng chất lượng tối thiểu từng tổ hợp môn theo các trường và không thể theo từng môn thi.
Ông Ga cho biết ngưỡng đảm bảo chất lượng tối thiểu sẽ được xét trên tổng điểm 3 môn của năm tổ hợp truyền thống là khối A, A1, B, C, D.
Với các tổ hợp mới, các trường có thể đề xuất hoặc hội đồng sẽ đưa ra nguyên tắc chung để các trường có cơ sở chọn điểm xét tuyển.
“Bộ sẽ bàn về nguyên tắc chung để xác định ngưỡng điểm đầu vào phù hợp và đơn giản nhất để các trường có thể áp dụng cho tất cả các tổ hợp xét tuyển đa dạng của trường mình” – ông Ga nói.
Theo các chuyên gia giáo dục, năm nay đề thi hai mục đích, với 60% câu hỏi ở mức độ dễ, nên thí sinh được điểm cao hơn. Vì vậy năm nay ngưỡng tối thiểu sẽ cao hơn năm 2014 từ 1-2 điểm.
* Sau khi Bộ GD&ĐT công bố ngưỡng điểm xét tuyển, các trường ĐH-CĐ sẽ đưa ra mức điểm xét tuyển. Ngày 1-8 đến ngày 20-8, thí sinh sẽ nộp hồ sơ nguyện vọng 1 vào các trường.
Theo thông tin từ một số trường tốp trên như ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Kinh tế quốc dân (Hà Nội) thì trường tuyên bố sẽ nhận hồ sơ xét tuyển cao hơn ngưỡng tối thiểu của bộ ít nhất hai điểm.
Một số trường tốp giữa như ĐH Thủy lợi, ĐH Công đoàn… thì nhận hồ sơ xét tuyển bằng ngưỡng tối thiểu do Bộ GD&ĐT đưa ra.
Năm 2014, Bộ GD&ĐT công bố 3 mức ngưỡng tối thiểu cho 5 tổ hợp môn thi. Cụ thể, khối A, A1, C, D có 3 mức 17 điểm, 14 điểm và 13 điểm. Riêng khối B ngưỡng điểm cao hơn với 18, 15, 14 điểm tương ứng. Việc đưa ra nhiều mức điểm xét tuyển cơ bản nhằm mục đích đáp ứng tính đa dạng về yêu cầu chất lượng đầu vào của các cơ sở giáo dục ĐH và từng bước góp phần thực hiện phân tầng, xếp hạng các cơ sở giáo dục ĐH.
Lưu ý với thí sinh: - Sau khi có kết quả thi, mỗi thí sinh có đăng ký thi với mục đích xét tuyển sinh ĐH, CĐ được cấp 4 Giấy chứng nhận kết quả thi có đóng dấu đỏ của trường ĐH chủ trì cụm thi. Thí sinh chỉ được sử dụng Giấy chứng nhận kết quả thi dùng để xét tuyển nguyện vọng I để đăng kí vào 1 trường ĐH hoặc CĐ. Mỗi trường thí sinh được đăng ký tối đa 4 nguyện vọng vào các ngành xếp theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 4. Trong thời hạn 20 ngày xét tuyển nguyện vọng I, nếu cần thí sinh có thể điều chỉnh nguyện vọng đã đăng kí ở trường đó hoặc rút hồ sơ để đăng kí sang trường khác. - Thí sinh đã trúng tuyển nguyện vọng I không được đăng kí ở các đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung. - Nếu không trúng tuyển vào ĐH, CĐ ở lần xét tuyển nguyện vọng I, thí sinh có thể dùng đồng thời 3 Giấy chứng nhận kết quả thi dùng cho xét tuyển nguyện vọng bổ sung để đăng ký tối đa vào 3 trường; trong mỗi trường, thí sinh được đăng ký tối đa 4 nguyện vọng vào các ngành xếp theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 4. Trong thời gian của từng đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung, thí sinh không được rút hồ sơ. Sau mỗi đợt xét tuyển, nếu không trúng tuyển, thí sinh mới được rút hồ sơ để đăng ký xét tuyển đợt tiếp theo. Như vậy, sau khi nhận được Giấy chứng nhận kết quả thi, căn cứ vào kết quả đạt được, thí sinh đăng ký xét tuyển nguyện vọng I vào trường mà mình có nguyện vọng học trong thời gian từ 1-8 đến hết ngày 20-8. Theo quy định, cứ 3 ngày/1 lần các trường phải công bố công khai trên trang thông tin điện tử của trường số lượng thí sinh đã đăng ký xét tuyển. Căn cứ số lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển so với số chỉ tiêu cần tuyển, thí sinh có quyết định kịp thời, phù hợp. hững lần xét tuyển bổ sung các nguyện vọng tiếp theo, thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển theo đúng thời gian đã thông báo, vào những trường phù hợp với tổ hợp các môn thi, còn có chỉ tiêu. |