Phiên khai mạc này sẽ được truyền hình, phát thanh trực tiếp để nhân dân, cử tri cả nước theo dõi.
Tại phiên khai mạc, QH sẽ nghe Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2018. QH sẽ nghe Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân.
Đặc biệt ngay trong tuần làm việc đầu tiên, QH sẽ xem xét việc miễn nhiệm chức vụ bộ trưởng Bộ GTVT đối với ông Trương Quang Nghĩa (được Bộ Chính trị phân công làm bí thư Thành ủy Đà Nẵng) và chức vụ tổng Thanh tra Chính phủ đối với ông Phan Văn Sáu (có đơn xin thôi làm nhiệm vụ tổng Thanh tra Chính phủ). Dự kiến vào chiều thứ Năm, tức ngày 26-10, QH sẽ phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự bộ trưởng Bộ GTVT và tổng Thanh tra Chính phủ mới bằng hình thức bỏ phiếu kín.
Trong 26 ngày làm việc, QH dành 11 ngày để xem xét thông qua sáu dự án luật và 12 nghị quyết, cho ý kiến về chín dự án luật. Trong đó có nhiều dự án luật được nhân dân và cử tri quan tâm như Luật Quy hoạch, Luật Quản lý nợ công sửa đổi, Luật Quốc phòng, Luật An ninh mạng, Luật Cạnh tranh, Luật Đơn vị kinh tế hành chính đặc biệt, Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), Luật Tố cáo (sửa đổi)...
QH sẽ dành 15 ngày để xem xét, quyết định các vấn đề lớn của đất nước và thực hiện chức năng giám sát tối cao. Cụ thể, thảo luận và quyết định các vấn đề kinh tế-xã hội và ngân sách; xem xét quyết định về một số dự án quan trọng (dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành; xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông).
Cùng đó QH sẽ xem xét các báo cáo của Chính phủ, chánh án TAND Tối cao, viện trưởng VKSND Tối cao; thực hiện giám sát tối cao “việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016”; thực hiện chất vấn, trả lời chất vấn…