Hơn 100 hộ thấp thỏm nỗi lo sạt lở núi Cấm

(PLO)- 117 hộ gia đình sống dưới chân núi Cấm ở thôn Chánh Thắng, xã Cát Thành, huyện Phù Cát, Bình Định luôn thấp thỏm nỗi lo sạt lở khi mùa mưa lũ đang đến.

Những ngày này, khi mùa bão lũ đang đến, nỗi lo sợ sạt lở núi của 117 hộ gia đình có nhà dưới chân núi Cấm ở thôn Chánh Thắng, xã Cát Thành, huyện Phù Cát, Bình Định càng tăng cao. Đây là nơi đã xảy ra những trận sạt lở núi kinh hoàng, làm đất đá tràn ra, chôn vùi hàng chục ngôi nhà hồi mùa mưa lũ năm 2021.

Sống trong nỗi lo sạt lở

Theo nhiều người dân có nhà dưới chân núi Cấm, từ đầu tháng 10 đến nay, khu vực này thường xuyên có mưa lớn khiến nguy cơ sạt lở núi càng tăng lên.

Gia đình thuộc diện phải sơ tán khẩn cấp khi có mưa lớn, anh Võ Văn Phương chia sẻ: “Các gia đình đều phải chuẩn bị sẵn để khi mưa gió liên tục là gói ghém đồ đạc đi liền. Người đi dễ nhưng còn tài sản, vật nuôi nữa. Chúng tôi mong chờ khu tái định cư sớm hoàn thiện để bà con yên tâm dọn đến nơi ở mới”.

Những vệt đá nằm trơ trọi ở sườn núi, ngay phía trên các căn nhà. Ảnh: THU DỊU

Theo phản ánh của nhiều người có nhà dưới chân núi Cấm, một số vị trí ở khu vực sạt lở trước đây đã bắt đầu xói mòn trở lại, trơ ra những phiến đá dựng đứng. Dù đã xây xong kênh dẫn nước dưới chân núi để điều chỉnh dòng chảy, ngăn đất đá tràn qua phía nhà dân nhưng nếu xảy ra sạt lở như hồi năm 2021 thì khó mà ngăn được.

Tháng 11-2021, khu vực núi Cấm ở thôn Chánh Thắng, xã Cát Thành, huyện Phù Cát, Bình Định bị sạt lở kinh hoàng, vùi lấp hơn 40 căn nhà, chôn vùi toàn bộ đường giao thông, các công trình thủy lợi dưới chân núi.

Ông Nguyễn Ngọc Thanh, có nhà gần khu vực sạt lở trước đây, lo lắng: “Với cường độ mưa lớn như những chiều qua, sạt lở sẽ rất khó lường”.

Bà Đào Thị Huệ, có nhà ở chân núi Cấm, cũng nói: “Sợ nhất là âm thanh rung chuyển phía sau núi. Thấy mưa lớn là chúng tôi phải căng tai lên nghe biến động sau núi để kịp chạy. Nhà tôi trong diện bố trí đến khu tái định cư nhưng đến nay chưa thể dọn đi. Chúng tôi xác định mùa mưa này phải chạy thôi!”.

Chuẩn bị các phương án sơ tán người khẩn cấp

Sau trận sạt lở núi Cấm hồi năm 2021, UBND tỉnh Bình Định ban bố tình trạng khắc phục khẩn cấp, xây dựng khu tái định cư để đưa toàn bộ các gia đình có nhà dưới chân núi Cấm đến nơi ở mới. UBND tỉnh Bình Định giao UBND huyện Phù Cát làm chủ đầu tư, thực hiện dự án trong hai năm 2022-2023. Tuy nhiên, đến nay khu tái định cư chỉ mới san ủi nền.

Theo ông Mai Văn Bé, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Thành, do chưa thể đưa các hộ dân ở chân núi Cấm đến khu tái định cư nên chính quyền chuẩn bị các phương án sơ tán khẩn cấp khi có mưa bão.

Trong 117 hộ gia đình ở chân núi Cấm, xã Cát Thành khoanh vùng các hộ nguy cơ theo từng cấp độ để có phương án sơ tán. Tùy theo cấp độ diễn biến thiên tai, UBND xã Cát Thành sẽ có phương án sơ tán người tương ứng.

Khu tái định cư cho người dân dưới chân núi Cấm mới san ủi nền, còn ngổn ngang bùn đất.
Ảnh: THU DỊU

Chẳng hạn, khi có mưa lớn liên tục 100-150 mm, xã sẽ đưa 50 hộ sát chân núi tới điểm Trường Tiểu học Cát Thành, nhà văn hóa thôn. Lực lượng thanh niên xung kích của xã hỗ trợ người dân sơ tán; chính quyền địa phương đảm bảo lương thực, nhu yếu phẩm cho người dân khi đi sơ tán.

Cũng theo ông Bé, ngoài chuẩn bị các phương án sơ tán người, chính quyền địa phương đang tìm giải pháp đảm bảo an toàn tài sản, vật nuôi của người dân vì đây cũng là nỗi lo lớn.

Ông Phạm Dũng Luận, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát, cho biết mùa mưa bão đang cận kề, trong khi người dân chưa được bố trí nơi ở mới nên chính quyền chuẩn bị các phương án ứng phó để đảm bảo an toàn cho người dân.

“Thôn Chánh Thắng thường bị chia cắt, cô lập khi có mưa lớn. Do vậy, ngay từ bây giờ, huyện giao xã vận chuyển vật tư, máy móc, thiết bị, lương thực, nhu yếu phẩm vào các điểm bố trí cho người dân tránh trú” - ông Luận thông tin.

Nguy cơ tiếp tục sạt lở

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, khu vực núi Cấm có nhiều đá mồ côi, kết cấu đá rời rạc, khi mưa lũ lớn sẽ tăng nguy cơ sạt lở.

Ngay sau đợt sạt lở nghiêm trọng hồi tháng 11-2021, UBND huyện Phù Cát cấm các hoạt động khai thác làm ảnh hưởng tới hiện trạng của núi, chuyển từ rừng sản xuất sang chức năng phòng hộ. Tuy nhiên, ở khu vực này, cây xanh vẫn chưa đan tầng phủ kín toàn diện.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới