Thời gian qua, cầu Ba Son (nối quận 1 và TP. Thủ Đức) trở thành địa điểm tham quan, chụp ảnh được nhiều bạn trẻ yêu thích. Nhiều người bất chấp nguy hiểm dừng, đỗ xe ngay trên cầu để tiện “sống ảo”.
Họ thường tụ tập tại vỉa hè dành cho người đi bộ làm cản trở lối đi. Việc đỗ xe trên cầu còn tiềm tàng nguy cơ tai nạn giao thông khiến người dân vô cùng bức xúc.
Đỗ xe trên cầu để tiện trông coi
Tối 16-10, theo ghi nhận của PV, nhiều người vô tư đỗ xe máy để ngắm cảnh, hóng mát, chụp ảnh…trên vỉa hè cầu Ba Son.
Trong đó, đa phần là các bạn trẻ rủ nhau tụ tập tại khu vực dành cho người đi bộ để chụp ảnh, trò chuyện. Có người mang cả trẻ nhỏ lên cầu để vui chơi, chạy nhảy dù bên cạnh xe cộ lưu thông đông đúc. Càng về đêm, lượng xe máy dừng, đỗ sai quy định càng đông.
Nhiều người cho rằng đỗ xe sát vỉa hè của cầu để… tiện cho họ trông coi. Chị TNA (ngụ quận 7) chia sẻ: “Tôi ngại gửi xe rồi đi bộ lên cầu nên dừng xe trên này để thuận tiện quan sát và di chuyển”.
Hành vi dừng xe trên cầu không chỉ tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn cho các phương tiện đang lưu thông mà còn gây mất mỹ quan đô thị. Nếu người dân lơ là, mất cảnh giác thì rất dễ bị trộm cắp, móc túi…
Chị Vân Anh (ngụ quận Bình Thạnh) thường đi qua cầu Ba Son để về nhà nên dễ dàng bắt gặp hình ảnh trên. “Tối nào tôi cũng thấy họ đỗ xe thành hàng dài trên cầu rồi đứng ngắm cảnh, hàn huyên. Tôi khá lo lắng vì việc này có thể gây nguy hiểm cho cả tôi và những người đang di chuyển trên cầu ” - chị Vân Anh nói.
Trước đây, báo Pháp Luật TP.HCM từng đưa tin ngay khi khánh thành cầu Ba Son, nhiều người đổ xô lên cầu, dừng xe thành hàng, hàng rong kéo nhau lên vỉa hè buôn bán ảnh hưởng đến an ninh và mỹ quan đô thị. Lực lượng chức năng đã ra quân xử lý, thường xuyên nhắc nhở người dân không đỗ xe trên cầu. Tuy nhiên, qua một thời gian ngắn, tình trạng trên lại tiếp diễn.
Nghiêm cấm dừng, đỗ xe trên cầu
Luật sư Đỗ Trúc Lâm, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết tại điểm c khoản 4 Điều 18 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định rõ: “Người điều khiển phương tiện không được dừng xe, đỗ xe trên cầu, gầm cầu vượt”.
Trong trường hợp vi phạm, người điều khiển phương tiện giao thông sẽ bị xử phạt như sau:
Căn cứ điểm d khoản 3 Điều 6 Nghị định số 100/2019 (sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 123/2021), đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy có hành vi vi phạm dừng xe, đỗ xe trên cầu sẽ bị xử phạt từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng.
Tại điểm d khoản 4 và điểm b khoản 11 Điều 5 Nghị định 100/2019 (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021), đối với người điều khiển ô tô và các loại xe tương tự ô tô vi phạm dừng, đỗ xe trên cầu sẽ bị xử phạt từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng; hình thức xử phạt bổ sung là bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng.