Tại buổi họp báo, nhiều phóng viên đã đặt câu hỏi với tòa và VKS. Chúng tôi xin lược ghi một số câu hỏi và câu trả lời.
. Pháp Luật TP.HCM: Thưa ông phó chánh án, tại phiên tòa, đại diện VKS nhận định bị cáo Lê Đức Hoàn thiếu kiểm tra sâu sát, để xảy ra việc dùng nhục hình gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng là làm chết người. Hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nhưng tòa lại cho bị cáo hưởng án treo? Liệu có quá nhẹ so với hành vi phạm tội và hậu quả hay không?
+ Ông Nguyễn Phi Đô: Tòa đã nhận định rất rõ trong bản án rồi. Theo luật, khi có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 BLHS thì có thể áp dụng Điều 47 BLHS xử ở khung nhẹ hơn liền kề. Còn vấn đề án treo, theo quy định của pháp luật, không thể nói là nhẹ hay nặng mà là xét thấy về nhân thân tốt, không có khả năng gây ra tội phạm mới, không cần thiết phải cách ly ra khỏi xã hội thì cho hưởng án treo. Nó không phải là nặng hay nhẹ.
. Pháp Luật TP.HCM: Tại phiên xử, bị cáo Hoàn khẳng định không chỉ đạo bắt anh Kiều. Những người tham gia bắt anh Kiều đều thừa nhận việc bắt, dẫn giải không có lệnh là vi phạm pháp luật. Luật sư và gia đình nạn nhân đề nghị khởi tố tội bắt giữ người trái pháp luật. Vậy tại sao tòa không trả hồ sơ để làm rõ?
+ Ông Nguyễn Phi Đô: Đối với bắt giữ người trái pháp luật thì trong bản án đã nhận định rất kỹ rồi nên không giải thích thêm.
. Pháp Luật TP.HCM: Tại phiên tòa, các luật sư đề nghị khởi tố tội làm sai lệch hồ sơ vụ án vì nhiều bút lục bị sửa như chính đại diện VKS cũng thừa nhận… VKSND tỉnh Phú Yên có báo cáo VKSND Tối cao về việc này chưa hay tự đưa ra ý kiến giải quyết tại phiên tòa?
+ Ông Phạm Duy Tân: CQĐT VKSND Tối cao điều tra lại đã xác định không có việc làm sai lệch hồ sơ. VKSND tỉnh Phú Yên đủ thẩm quyền xác định không có việc làm sai lệch hồ sơ. Còn việc sửa chữa, đính chính hồ sơ thì tại phiên tòa chúng tôi đã giải thích. Việc sửa chữa được thông qua người khai và người ghi lời khai theo đúng quy định pháp luật.
Chủ tọa phiên tòa Nguyễn Phi Đô (giữa) và đại diện VKS Phạm Duy Tân (trái) tại buổi họp báo. Ảnh: T.LỘC
. Pháp Luật TP.HCM: Nhưng thưa ông, tại phiên tòa, luật sư có viện dẫn một bút lục cho thấy sau khi anh Kiều chết, tối 13-5-2012, lãnh đạo công an tỉnh, VKS tỉnh, các phòng PC45, PC44, Công an TP Tuy Hòa đã họp thống nhất cho Công an TP Tuy Hòa hoàn tất các thủ tục còn thiếu trong việc bắt giữ anh Kiều. Sau đó, bị cáo Hoàn chỉ đạo cán bộ cấp dưới hợp thức hóa về mặt thủ tục việc bắt giữ này. Vì sao trong phần tranh luận, VKS lại không đề cập hay lý giải việc này?
+ Ông Phạm Duy Tân: Có thể trong quá trình đối đáp, nhiều vấn đề quá, có thể sơ suất quên. Nguyên tắc là vấn đề nào chưa đối đáp thì chủ tọa phiên tòa có thể nhắc. Bút lục đó là luận cứ của luật sư đưa ra, không có căn cứ thì tôi không tranh luận, cũng có thể là bỏ sót vì luật sư nêu ra rất nhiều vấn đề mà chủ tọa không nhắc đến.
+ Ông Nguyễn Phi Đô: Những cái hợp thức thủ tục đó đã được CQĐT VKSND Tối cao không chấp nhận và các bị cáo này có tội nên không đề cập. Nó đơn giản như vậy. Tức là đã được không chấp nhận thì không đưa vào hồ sơ, không xem đó là những thủ tục đúng, loại hết rồi. Cho nên những anh này mới có tội.
. Tuổi Trẻ: Nhưng theo luật sư thì lãnh đạo công an tỉnh, VKS tỉnh họp để thống nhất cho hợp thức hóa thủ tục còn thiếu. Việc chỉ đạo đó đã có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ?
+ Ông Phạm Duy Tân: Hoàn toàn không có việc chỉ đạo này. Còn việc một số cá nhân đi làm thủ tục là việc của cá nhân chứ không có chỉ đạo. Tôi có dự cuộc họp tối hôm đó, chỉ bàn về việc thông báo việc nạn nhân Kiều tử vong, phân công người, bàn cách thông báo cho gia đình, chuẩn bị cho việc khám nghiệm tử thi. Không có việc chỉ đạo nào hết.
. Tuổi Trẻ: Nhưng luật sư đã nêu là theo bút lục 275. Vậy bút lục này có thật hay không?
+ Ông Phạm Duy Tân: Vấn đề này tôi đã trả lời báo chí rồi là không có việc chỉ đạo hợp thức hóa hồ sơ việc này. Thứ hai, luật sư nêu ra là theo lời khai của một cá nhân nào đó chứ không có việc chỉ đạo, cái này không có căn cứ.
. Tuổi Trẻ: VKS đã kiểm tra hồ sơ chưa, có bút lục 275 như luật sư nêu không?
+ Ông Phạm Duy Tân: Đấy là lời khai của người ta. Người ta khai thôi, căn cứ của luật sư thôi.
. Người Lao Động: Theo luật sư nêu thì đây là bút lục 275. Vậy trong hồ sơ vụ án có bút lục này hay không, thưa ông?
+ Ông Phạm Duy Tân: Đã nói bút lục thì có trong hồ sơ vụ án.
. Người Lao Động: Ông chủ tọa phiên tòa có ý kiến gì về dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ vụ án?
+ Ông Nguyễn Phi Đô: Tôi đã nhận định rất rõ trong bản án. Luật sư đề nghị khởi tố hàng loạt tội danh. VKS đã lập luận bác bỏ. HĐXX thấy không có căn cứ nên không xem xét.
Nguyên phó Công an TP Tuy Hòa được hưởng án treo (PL)- Tòa nhận định bị cáo này có nhiều năm công tác, có nhiều thành tích nên giảm nhẹ hình phạt. Chiều 15-4, sau sáu ngày xét xử, TAND tỉnh Phú Yên đã tuyên phạt Lê Đức Hoàn (nguyên thượng tá, phó Công an TP Tuy Hòa) chín tháng tù treo về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Cạnh đó, tòa phạt Nguyễn Thân Thảo Thành (nguyên thiếu úy, trinh sát Công an TP Tuy Hòa) tám năm tù về tội dùng nhục hình. Cùng tội này, Nguyễn Minh Quyền (nguyên thiếu tá, đội phó Đội trinh sát Phòng CSĐT tội phạm về TTXH - PC45 Công an tỉnh Phú Yên) lãnh hai năm sáu tháng tù, Phạm Ngọc Mẫn (nguyên thượng úy, cán bộ Công an TP Tuy Hòa) lãnh hai năm ba tháng tù, Nguyễn Tấn Quang (nguyên thiếu tá, cán bộ Công an TP Tuy Hòa) lãnh hai năm tù, Đỗ Như Huy (nguyên trung úy, cán bộ Công an TP Tuy Hòa) lãnh một năm tù treo. HĐXX nhận định: Bị cáo Hoàn nguyên là trưởng ban chuyên án 312T, có trách nhiệm chỉ đạo toàn bộ chuyên án nhưng không thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo quy định pháp luật, thiếu kiểm tra, sâu sát trong quá trình các điều tra viên, cán bộ cấp dưới làm việc với anh Ngô Thanh Kiều, để xảy ra việc dùng nhục hình ngay tại trụ sở Công an TP Tuy Hòa làm anh Kiều chết, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên,bị cáo có nhiều năm công tác, có nhiều thành tích trong công tác nên được giảm nhẹ hình phạt. Theo HĐXX, việc các luật sư đề nghị truy cứu bị cáo Hoàn về tội bắt giữ người trái pháp luật là không có căn cứ do các chứng cứ có tại hồ sơ được thẩm tra tại tòa xác định Hoàn chỉ “ra lệnh bằng lời nói” cho cán bộ cấp dưới “mời” anh Kiều về Công an TP Tuy Hòa làm việc. Theo HĐXX, tại phiên tòa các luật sư cho rằng có việc lọt người, lọt tội, đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự một số người liên quan về các tội bắt giữ người trái pháp luật, giết người, cố ý gây thương tích, làm sai lệch hồ sơ vụ án, khai báo gian dối, không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội. HĐXX xét thấy các ông Nguyễn Văn Lai (cán bộ Công an huyện Tây Hòa), Đỗ Công Phi (cán bộ Công an TP Tuy Hòa) cùng một số cán bộ, công an khác có hành vi còng tay anh Kiều tại nhà riêng và dẫn giải về trụ sở công an trong khi không có lệnh bắt giữ là có dấu hiệu của tội bắt giữ người trái pháp luật. Tuy nhiên, tại thời điểm này đã có căn cứ xác định anh Kiều là đồng phạm trong vụ trộm cắp tài sản cùng Trần Minh Cường, Ngô Thanh Sơn; anh Kiều là người có tiền án, tiền sự; có biểu hiện bỏ trốn sau khi vụ án được phát hiện, truy đuổi; việc còng tay nhằm chống xảy ra trường hợp đối tượng manh động, bỏ trốn. Từ đó, cơ quan điều tra VKSND Tối cao kết luận việc bắt giữ anh Kiều là có căn cứ và cần thiết, chỉ vi phạm về hình thức, thủ tục tố tụng và kiến nghị giám đốc Công an tỉnh Phú Yên xử lý kỷ luật là có căn cứ nên tòa không xét. Đối với các tội danh khác, đại diện VKS tại phiên tòa đã có tranh luận và không chấp nhận, tòa cũng cho rằng không có căn cứ nên không xét. Về phần dân sự, gia đình nạn nhân đòi bồi thường tổng cộng hơn 1,4 tỉ đồng. Tuy nhiên, HĐXX cho rằng anh Kiều không thuộc diện được bồi thường theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước nên chỉ áp dụng BLDS, buộc các bị cáo liên đới bồi thường tổn thất về tinh thần tối đa bằng 60 tháng lương tối thiểu là 69 triệu đồng cho gia đình nạn nhân. Cạnh đó, tòa chấp nhận mức mai táng phí 30 triệu đồng. Ngoài ra, tòa còn buộc các bị cáo liên đới chịu trách nhiệm cấp dưỡng nuôi hai con của anh Kiều mỗi tháng 575.000 đồng/cháu cho đến khi phát sinh một trong các trường hợp chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng. HĐXX không chấp nhận yêu cầu cấp dưỡng cha mẹ và người anh tàn tật của anh Kiều vì cho rằng khi còn sống, anh Kiều không sống chung, không cấp dưỡng cho cha mẹ; cha mẹ anh Kiều còn có ruộng đất, không thuộc trường hợp phải cấp dưỡng. Cho đến nay các bị cáo đã bồi thường tổng cộng 186 triệu đồng, trong đó Mẫn 74 triệu đồng, Quyền 27 triệu đồng, Quang 35 triệu đồng, Huy 30 triệu đồng, Hoàn 20 triệu đồng. |