Hướng dẫn “lạ” bị nhiều người phản đối

Mới đây, trong khóa tập huấn triển khai các nghị quyết, thông tư mới cho ngành tòa án trong việc xét xử hình sự đã xuất hiện nhiều thắc mắc về khoản 2 Điều 5 Thông tư liên tịch 09/2013 của Bộ Công an - Bộ Quốc phòng - Bộ Tư pháp - VKSND Tối cao - TAND Tối cao (hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIX BLHS về các tội xâm phạm trật tự, an toàn giao thông).

Một phiên xử lưu động trong vụ án vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Ảnh minh họa: HTD 

Được miễn trách nhiệm nếu đã từ chối?

Cụ thể, trong thực tiễn xét xử từ trước tới nay, người không có giấy phép, bằng lái xe hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định điều khiển các phương tiện giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 202 BLHS (tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ).

“Không đủ các điều kiện khác” nói ở trên là người không am hiểu các quy định về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; người không đủ sức khỏe, độ tuổi để điều khiển phương tiện; người do tình trạng sức khỏe không thể tự chủ điều khiển được tốc độ; người đang trong tình trạng say do sử dụng ma túy, rượu bia hoặc các chất mà sau khi sử dụng có biểu hiện say như người sử dụng ma túy, rượu bia.

Song song đó, ai biết rõ họ không đủ điều kiện mà vẫn điều động hay giao phương tiện cho họ thì phải chịu trách nhiệm theo Điều 205 BLHS (tội điều động hoặc giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường bộ).

Tuy nhiên, khoản 2 Điều 5 Thông tư 09/2013 lại có hướng dẫn rất lạ như sau: “Trường hợp người được điều động đã đề đạt, từ chối thực hiện nhiệm vụ được giao nhưng vẫn phải chấp hành sự điều động đó thì họ không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm theo quy định tại Điều 202 BLHS”.

Hướng dẫn không phù hợp

Thẩm phán Vũ Phi Long (Phó Chánh Tòa Hình sự TAND TP.HCM) nhận xét hướng dẫn nói trên không phù hợp với thực tiễn xét xử cũng như thực tế đời sống.

Thẩm phán Long phân tích: Ngoài trách nhiệm liên quan với người điều động và giao phương tiện để sử dụng, tài xế còn có nghĩa vụ công dân là phải tuân thủ pháp luật giao thông đường bộ. Hơn ai hết, chính bản thân họ hiểu rõ nhất là mình có đủ các điều kiện để lái xe tham gia giao thông hay không. Khi không đủ điều kiện, họ hoàn toàn có quyền từ chối, có quyền lựa chọn không lái xe vì nếu lái là vi phạm pháp luật và có thể gây ra hậu quả nguy hiểm. Một khi họ đã lựa chọn việc chấp hành, lái xe tham gia giao thông bất chấp mình chưa đủ điều kiện thì khi xảy ra hậu quả, họ phải chịu trách nhiệm hình sự là điều đương nhiên.

Từ đó, Thẩm phán Long đã đề xuất các cơ quan có thẩm quyền nên bỏ phần hướng dẫn này. Đồng tình, một thẩm phán Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM cũng cho rằng thực tế sẽ khó có thể chứng minh việc tài xế đã đề đạt, từ chối để xác định chính xác là có nên miễn trách nhiệm hình sự cho họ hay không.

TS Phan Anh Tuấn (Trưởng bộ môn Luật hình sự Trường ĐH Luật TP.HCM) thì nói hướng dẫn trên chỉ phù hợp áp dụng đối với các trường hợp trong lực lượng vũ trang vì đây là lĩnh vực đề cao sự tuân thủ triệt để mệnh lệnh của cấp trên. Còn ở các trường hợp dân sự bình thường khác là không thuyết phục. Bởi lẽ người không đủ điều kiện luật định khi được giao điều khiển phương tiện hoàn toàn có khả năng nhận thức được sự nguy hiểm có thể xảy ra và có quyền từ chối. Do đó, lấy lý do họ “phải chấp hành sự điều động” để loại trừ phần lỗi của họ là khiên cưỡng.


Tiêu điểm

Chưa rõ

Hướng dẫn này chưa định nghĩa rõ thế nào là “điều động”. Ngoài ra, hướng dẫn nói được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự khi “người được điều động đã đề đạt, từ chối thực hiện nhiệm vụ được giao nhưng vẫn phải chấp hành sự điều động đó”. Hành vi “đã đề đạt, từ chối” cụ thể như thế nào? Trên cơ sở chứng cứ là lời nói hay văn bản, có cần người làm chứng không?

Đây là tình huống mang tính phổ biến nhưng hướng dẫn chưa rõ, chưa cụ thể sẽ gây rất nhiều khó khăn cho chính các cơ quan tố tụng trong việc xác định hành vi có đủ yếu tố cấu thành tội phạm hay không.

Luật sư TRẦN HẢI ĐỨC, Đoàn Luật sư TP.HCM

HOÀNG YẾN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm