Theo quy định tại Điều 231 BLHS, tội phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia chỉ bao gồm hai khung hình phạt chính: Khung thứ nhất là khung cơ bản với hình phạt từ ba năm tù đến 12 năm tù. Khung thứ hai là khung tăng nặng với hình phạt từ 10 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.
Khung hình phạt quá rộng
Theo một thẩm phán TAND TP.HCM, cần phải có thêm khung hình phạt trong tội danh này. Bởi lẽ với khung hình phạt quá rộng như hiện nay sẽ dẫn đến trường hợp cùng phạm tội giống nhau nhưng các bị cáo có thể lãnh mức án chênh lệch tùy vào từng hội đồng xét xử. Điều này không đảm bảo sự công bằng.
Chẳng hạn, trong một vụ cắt trộm dây điện tại huyện Thăng Bình (Quảng Nam) để đem bán phế liệu lấy tiền xài, hai bị cáo Lê Hữu Danh và Hồ Thanh Tâm đã lần lượt bị TAND tỉnh Quảng Nam phạt từ tám năm tù đến chín năm tù. Trong khi đó, cũng là hành vi cắt trộm dây điện đem bán phế liệu, ba bị cáo Huỳnh Tấn Cường, Lợi Thánh Thiện, Võ Thành Việt chỉ bị TAND TP.HCM phạt lần lượt từ một năm tù đến ba năm tù về tội này.
Các bị cáo được dẫn giải ra tòa trong một vụ án cắt trộm dây điện tại TP.HCM. Ảnh: PHAN CÔNG
Theo vị thẩm phán này, để chặt chẽ thì cần phải sửa đổi lại điều luật theo hướng như sau: Khoản 1 bao gồm các hành vi gây hậu quả nghiêm trọng, có khung hình phạt từ ba năm tù đến 10 năm tù. Khoản 2 quy định về hành vi gây hậu quả rất nghiêm trọng, có khung hình phạt từ bảy năm tù đến 15 năm tù. Khoản 3 mới là hành vi gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, có khung hình phạt từ 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.
Đồng tình, kiểm sát viên Nguyễn Mạnh Long (VKSND TP Đà Nẵng) phân tích thêm: Trong điều luật, nhà làm luật chỉ quy định một tình tiết tăng nặng định khung về hậu quả là gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng là chưa ổn, giống như một sự “đi tắt”. Đáng lẽ các nhà làm luật phải quy định mức độ hậu quả tăng dần từ thấp đến cao là gây hậu quả nghiêm trọng, gây hậu quả rất nghiêm trọng, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Có như vậy mới thể hiện rõ tính chất, mức độ nguy hiểm của từng hành vi phạm tội cụ thể.
Chưa có hướng dẫn
Cho đến nay, thế nào là gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng trong tội phá hủy công trình, phương tiện quan trọng an ninh quốc gia vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể. Vậy trong thực tiễn xử lý, làm sao có thể áp dụng tình tiết tăng nặng định khung này đối với bị can, bị cáo?
Một kiểm sát viên VKSND TP Đà Nẵng cho biết họ dựa vào hướng dẫn trong Nghị quyết số 02 ngày 17-4-2003 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao. Tuy nhiên, nghị quyết này lại hướng dẫn về tình tiết gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ (Điều 202 BLHS) nên ít nhiều vẫn có sự khập khiễng.
Một số thẩm phán thì cho biết họ tham khảo Thông tư liên tịch số 02/2001 của TAND Tối cao - VKSND Tối cao - Bộ Công an - Bộ Tư pháp để xác định hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên, thông tư liên tịch này lại hướng dẫn cho việc áp dụng cho các tội xâm phạm sở hữu.
Theo Thẩm phán Phạm Công Hùng (Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM), khách thể của tội phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia hoàn toàn khác với tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ cũng như các tội xâm phạm sở hữu. Hậu quả của nó cũng được hiểu khác nhau nên sự “vận dụng tương tự” này là chưa hợp lý.
Cũng từ góc nhìn này, kiểm sát viên cao cấp Võ Văn Thêm (Viện Phúc thẩm III VKSND Tối cao) đề xuất: Đây là một tội có mức hình phạt cao nhất lên đến tử hình. Do đó, các nhà làm luật cần phải có hướng dẫn cụ thể về tình tiết gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nhằm tránh mỗi nơi hiểu và áp dụng một kiểu, thiếu thống nhất, dễ phạm phải sai lầm.
Tội phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia 1. Người nào phá hủy công trình hoặc phương tiện giao thông vận tải, thông tin - liên lạc, công trình điện, dẫn chất đốt, công trình thủy lợi hoặc công trình quan trọng khác về an ninh, quốc phòng, kinh tế, khoa học - kỹ thuật, văn hóa và xã hội, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 85 của bộ luật này thì bị phạt tù từ ba năm đến 12 năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 15 đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình: a) Có tổ chức; b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng; c) Tái phạm nguy hiểm.3. Người phạm tội còn có thể bị phạt quản chế từ một năm đến năm năm. (Theo Điều 231 BLHS) |
DƯƠNG HẰNG