Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, TS Võ Đại Lược (ảnh), nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế thế giới, từng là thành viên nhóm tư vấn của nhiều lãnh đạo Đảng, (người vừa được tặng huy hiệu 50 năm tuổi Đảng năm 2017), nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập Đảng 3-2, nói: “Sự nghiệp của Đảng là hết sức vĩ đại”.
Từ chống ngoại xâm đến chống tham nhũng
. Phóng viên: Vì sao ông lại nhận định như thế?
+ TS Võ Đại Lược: Trong công cuộc giải phóng dân tộc, Đảng đã lãnh đạo thành công khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám 1945, rồi lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ đã đạt kết quả trọn vẹn.
Hồi Cách mạng Tháng Tám 1945, cái tài ba của Chủ tịch Hồ Chí Minh là đánh rất ít mà thắng, tận dụng được thời cơ Pháp đầu hàng Nhật và giành được độc lập trong tình thế lực lượng không phải là nhiều và mạnh. Những nhà lãnh đạo Đảng lúc đó đã tận dụng được thời cơ “có một không hai”. Chiến thắng Điện Biên Phủ chắc chắn không phải dân tộc nào cũng làm được, nó khác với cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945 là “không đánh mà thắng”.
Điều này làm cho dân tộc trở nên vẻ vang. Tôi đi ra nước ngoài, nhiều nước thán phục chiến thắng trong kháng chiến của dân tộc ta.
. Người dân rất kỳ vọng những trang sử vàng của Đảng sẽ tiếp tục được viết tiếp trong công cuộc chống tham nhũng hiện nay. Rõ nhất là từ Hội nghị Trung ương 4, khóa XII chống tham nhũng được tiến hành rất quyết liệt. Ông cảm nhận về điều này thế nào?
+ Công cuộc chống tham nhũng Đảng đẩy mạnh trong mấy năm qua được nhân dân đánh giá rất cao. Trước hết Đảng làm như vậy để truyền đi thông điệp rằng: Đảng Cộng sản Việt Nam đang chống tham nhũng bằng hành động. Cuộc chiến ấy đang lấy lại được niềm tin trong công chúng.
Nhưng vấn đề là việc bắt bỏ tù, xử án hàng loạt với quan tham… đó mới chỉ là xử lý cái ngọn, hệ quả của vấn đề. Nguồn gốc sâu xa phải là cơ chế xin-cho đã tồn tại rất lâu ở đất nước này.
. Cụ thể là thế nào, thưa ông?
+ Cái gì cũng xin và muốn xin được thì phải… chạy chọt, lo lót, tức là phải có tham nhũng. Trong cơ chế xin-cho thì tham nhũng biến thành cái động lực đầy ma quái. Cho nên đánh tham nhũng là cần phải làm nhưng đồng thời phải đổi mới, xóa bỏ cơ chế xin-cho, thực hiện phân bố nguồn lực theo cơ chế thị trường. Nếu không, chống tham nhũng sẽ khó đạt được hiệu quả như mong muốn.
Nếu không xử lý được cái gốc vấn đề thì sẽ có hai hệ quả: Không chống được tham nhũng và làm tê liệt bộ máy.
Theo TS Võ Đại Lược, sự nghiệp của Đảng là hết sức vĩ đại. Ảnh: HTD
Làm trong sạch bộ máy, trọng dụng người tài
. Gần đây Ban Tổ chức Trung ương đã xây dựng chuyên đề “Kiểm soát quyền lực và phòng, chống “chạy chức, chạy quyền” trong công tác tổ chức cán bộ”. Đây là một vấn đề rất nhức nhối hiện nay. Theo ông đâu là mấu chốt vấn đề?
+ Tôi vẫn muốn nhắc lại điều tôi đã nói với Pháp Luật TP.HCM cách đây hai năm trước khi ĐH Đảng lần thứ XII diễn ra: Đảng cần phải có một chiến lược và chính sách trọng dụng nhân tài. Các nước khác đều là như vậy. Còn Singapore thậm chí có cả chính sách thu hút nhân tài từ các nước khác.
Ở ta hiện nay, tình trạng chạy chức, chạy quyền nếu tiếp diễn thì nó triệt tiêu nhân tài trong bộ máy công quyền. Vậy thì làm sao không có tham nhũng, làm sao không gây ra hệ quả tiêu cực cho sự phát triển của đất nước. Cơ chế trọng dụng nhân tài vì vậy đang là điều cần thiết nhất. Những thủ khoa được tuyên dương hằng năm, những học trò của tôi ở Harvard rất xuất sắc phải làm sao để họ trụ được trong bộ máy công quyền.
Mà khi không có nhân tài trong bộ máy công quyền thì chúng ta khó hy vọng có được những thể chế tiên tiến, hiện đại, phục vụ phát triển. Thay vào đó, những thể chế kém chất lượng, phục vụ lợi ích nhóm sẽ được thiết kế mà thực tế trong mấy năm nay công luận đã nói đến.
. Thưa ông, mục tiêu cuối cùng của Đảng trong cuộc chiến chống tham nhũng, làm trong sạch bộ máy cũng chính là để xây dựng đất nước phát triển, giàu mạnh. Với những gì đang diễn ra, ông dự liệu mục tiêu này sẽ được thực hiện thế nào trong thời gian tới?
+ Nếu công bằng thì phải nhận định với tốc độ phát triển kinh tế của Việt Nam trên 6% cũng đã là một trong số ít các nước đạt được như vậy.
Nhưng chúng ta không thể thỏa mãn với tốc độ ấy. Những nguồn lực của Việt Nam tôi không nói về tài nguyên thiên nhiên mà là con người Việt Nam, là nhân tố quyết định đến sự phát triển của Việt Nam. Bởi trí tuệ, tâm huyết của dân tộc này không hề kém cỏi. Giành độc lập, đánh thực dân, đuổi đế quốc, thống nhất giang sơn, phải là một dân tộc có trí tuệ, bền bỉ, kiên gan thì mới có thể làm được.
Vấn đề đặt ra hiện nay là phải huy động được trí tuệ của cả dân tộc nhằm phát triển đất nước, bởi động lực gốc, quan trọng nhất vẫn là thể chế và chính sách trọng dụng nhân tài.
. Xin cám ơn ông.
Người có thực tài luôn có tâm, có trách nhiệm với dân tộc Phải có nhân tài thì mới sản sinh ra thể chế tốt. 99% những người có tài sẽ có đức. Họ sẽ thấu hiểu được những nguyên tắc, chuẩn mực về đời sống xã hội, đạo đức. Tôi đố anh bỏ tiền ra mua chuộc được những người có tài làm những việc phi pháp, không có lợi cho dân, cho đảng. Lý do đơn giản là gì? Vì những người có tài luôn có tâm, có trách nhiệm với dân tộc, với Đảng. TS Võ Đại Lược |