Buổi tọa đàm là dịp hồi tưởng, củng cố lại đóng góp của những thế hệ thanh niên xung phong, cán bộ đoàn viên thanh niên và nhân dân đã sống, chiến đấu anh dũng trên tuyến đường 1C huyết mạch trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Phát biểu mở đầu, TS Lê Hồng Liêm, Trưởng ban Liên lạc Cựu cán bộ Đoàn Thanh niên Việt Nam phía Nam, chủ tọa buổi tọa đàm nhấn mạnh đến tầm quan trọng của tuyến giao thông tiếp vận 1C có vai trò cung cấp sự hỗ trợ cần thiết kịp thời cho dân và quân Tây Nam Bộ trong thời kỳ chiến tranh.
"Hoạt động hiệu quả tiếp vận trên đường 1C là yếu tố quyết định quan trọng để đảm bảo chiến thắng trong cuộc trường kỳ kháng chiến của dân tộc. Con đường đã vận chuyển hơn 13.000 tấn vũ khí, đưa rước hơn 30.000 lượt người ngược xuôi trên chiến trường miền Tây.
Hôm nay, chúng ta cùng ngồi tại đây để tri ân, nhắc nhở về những chiến sĩ, liệt sĩ, những anh chị em đã cống hiến sức lực và cũng là dịp để tưởng nhớ chiến sĩ, anh hùng đã ngã xuống để con đường luôn được kết nối với hậu phương miền Bắc" - TS Lê Hồng Liêm phát biểu.
Bà Võ Tuyết Lệ, cựu thanh niên xung phong từng hoạt động tiếp vận trên tuyến đường 1C (đoạn thuộc huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang), bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm vận chuyển hàng, bộ đội và thương binh trên đường 1C.
"Dù tình hình chống phá của quân đội Mỹ và chính quyền Sài Gòn ác liệt, nhưng tôi và đồng đội vẫn giữ vững niềm tin và lòng dũng cảm cùng đồng đội, đem cả tuổi thanh xuân công hiến cho Đảng, tổ quốc và nhân dân" - bà Lệ kể.
Bà kể, năm 1968 được chỉ huy giao nhiệm vụ hỗ trợ đưa hàng hóa từ Campuchia về Việt Nam (khu vực Kiên Giang). Trong một lần tiếp tế hàng hóa ở rừng Hà Tiên, đơn vị của bà bị địch phục kích 3 lần. Số lượng chiến sĩ thương vong ở mức cao, bà Lệ được giao chữa trị cho 3 du kích bị thương nặng.
"Địch lúc đó mai phục nhiều đêm ở Kinh Vĩnh Tế, trực thăng của chúng quần thảo, thả bom để cắt đường di chuyển của ta. Lúc đó tôi có 1 phần thuốc, 1 khẩu AK, 4 băng đạn, cố thủ cùng 3 chiến sĩ trong công sự chữ L. Mặc dù bản thân tôi bị thương nhưng nhất quyết chống trả chúng, giữ vững an toàn cho quân ta" - bà Võ Tuyết Lệ kể.
Tham dự tọa đàm, anh Trần Quang Vũ Hiển (24 tuổi, ngụ quận 7) chia sẻ: "Đây là cơ hội để tôi cũng như các bạn trẻ được gặp gỡ những nhân chứng lịch sử, được lắng nghe câu chuyện nói về tinh thần thép của các cô bác thanh niên tại Tây Nam Bộ đã đóng góp sức mình, sống vì lý tưởng cao đẹp trong những năm gian khổ bạo lực chiến tranh".
"Qua các ký ức của người đi trước, tôi ý thức hơn về bản thân, về trách nhiệm của một người trẻ sống trong thời đại hòa bình. Thừa kế khối tài sản tinh thần của các bác, tôi phải cống hiến nhiều hơn để xây dựng đất nước Việt Nam giàu đẹp" - anh Hiển tâm niệm.
Tại tọa đàm, các nhân chứng cùng ôn lại những kỷ niệm vui buồn, cách phối hợp chiến thuật để bảo đảm vận chuyển nhân lực, quân trang, vũ khí và thực phẩm trên đường 1C.
Năm 1966, quân đội Mỹ và chính quyền Sài Gòn phá hoại, phong tỏa đường Hồ Chí Minh trên biển, quân và dân gặp nhiều khó khăn trong việc vận chuyển vũ khí, sức người từ miền Bắc. Đường 1C (bắt đầu từ Lộc Ninh đến mũi Cà Mau) ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu nối lại mạch giao thông vận tải khí cụ, đưa hàng chục ngàn quân từ hậu phương vào chi viện cho chiến trường Tây Nam Bộ.