Thông tin trên vừa được PGS.TS.BS Huỳnh Nguyễn Khánh Trang, Trưởng khoa sản Bệnh viện Hùng Vương cho biết vào chiều ngày 10 – 11.
Nữ hộ sinh Ngô Thị Thanh Kiều, cho biết vào lúc 21 giờ 45 phút ngày 8 – 11, chị đến đo nhịp tim thai cho thai phụ Võ Thị Trang Đài 22 tuổi, ở phường 10, quận 6, TP.HCM. Thường nhịp tim trung bình của một thai nhi là vào khoảng 120 – 160 lần/ phút, thế nhưng đối với trường hợp này, chị chỉ đo được nhịp tim chỉ có 65 lần/phút. “Khi đó, tôi cảm thấy rất bất thường, sợ kết quả không chính xác nên tôi quyết định dùng tay mình để bắt mạch cho người mẹ vì sợ máy móc đo lầm nhịp tim của người mẹ. Thế nhưng, kết quả nhịp tim của mẹ là bình thường. Nên tôi biết rằng tình hình đã vô cùng khẩn cấp nên liền nhanh chóng báo cho bác sĩ trực Huỳnh Thiên Thảo”, chị Kiều nói.
Bác sĩ Thảo tiếp lời: “Khi nghe chị Kiều báo cáo tình hình, tôi thấy đây là tình hình rất nghiêm trọng, nếu không xử trí kịp thời sẽ khiến đứa bé tử vong. Nên tôi đã nhanh chóng thông báo tình hình đến bác sĩ trưởng tua trực khi đó là TS.BS Hồ Viết Thắng, Phó Trưởng khoa cấp cứu hồi sức tích cực chống độc”.
“Khi nhận được điện thoại của bác sĩ Thảo, tôi nghe nói có một ca tim thai rất chậm, đặt máy siêu âm chỉ nghe đập lờ mờ, tôi nghĩ đây là một ca rất khẩn cất và nói với bác sĩ Thảo đặt quy trình chuyển mổ tối khẩn”, bác sĩ Thắng nhớ lại.
Dù bị dây rốn quấn cổ 4 vòng nhưng bé đã được cứu sống nhờ sự nhanh trí của chị nữ hộ sinh. Ảnh: Nguyễn Quyên
Cũng theo bác sĩ Thắng, khi đó tôi quyết định nhấn nút báo động toàn bệnh viện, một ca mổ được gấp rút tiến hành. Lúc này tất cả thủ tục hành chính được bỏ qua, bên cạnh đó để đẩy nhanh thai phụ 38 tuần tuổi vào phòng mổ, bệnh viện đã cử ngay một ê kíp dọn đường, giữ cửa thang máy. Nếu bình thường để qua 4 lớp cửa vào phòng mổ mất khoảng 30 phút thì hôm đó chỉ mất 10 phút, thai phụ được phẫu thuật mổ bắt con ngay lập tức.
Bác sĩ Thắng cho biết thêm, từ khí phát hiện sự việc cho đến khi phẫu thuật bắt lấy con chỉ diễn ra trong vòng 10 phút. Nhờ sự nhanh trí của nữ hộ sinh đồng thời với sự xử trí nhanh chóng của đội ngũ bác sĩ đã cứu sống thai nhi bị dây rốn cuốn cổ 4 vòng.
Bác sĩ Thắng cũng bổ sung thêm, lúc chúng tôi mổ bắt lấy con là một bé trai cận năng 3kg, bị dây rốn cuốn cổ 4 vòng. 4 vòng dây rốn quấn cổ là nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhịp tim của em bé suy giảm bất thường do bị thiếu máu cung cấp. Khi vòng dây rốn bị kéo căng vì quấn quanh cổ, lượng oxy cung cấp cho em bé bị suy giảm nhất là vào thời kỳ lúc mẹ chuyển dạ. Cho nên, trong trường hợp này, chỉ có thể cứu sống cháu bé bằng việc mổ bắt con càng nhanh càng tốt, chậm trễ 5-10 phút có thể khiến bé tử vong.
Hiện tại sức khỏe của bé dần ổn đinh. Ảnh: Nguyễn Quyên
Dây rốn của cháu bé dài khoảng 80 cm, trong khi đó trung bình dây rốn của một thai nhi vào khoảng 60 cm. Ngay sau khi chào đời, bé nhanh chóng được một ê kíp hồi sức chăm sóc đặc biệt. Cho nên đến ngày hôm nay, bé đã không còn phải thở máu, tình trạng sức khỏe đã ổn định, trong ngày mai đã có thể về với mẹ.
Theo bác sĩ Trang, dây rốn quấn cổ là một trong những tai nạn của thai nhi. Dây rốn có thể quấn cổ, quấn chân. Nhưng nguy hiểm nhất là tình trạng dây rốn quấn chân, vì chân của bé cử động có khả năng siết chặt dây rốn lại gây tử vong cho em bé ngoài dự kiến.
Việc dây rốn quấn cổ thường xuất hiện vào khoảng thời điểm từ tuần 20 đến tuần 24. Và qua siêu âm, thai phụ có thể biết được tình trạng này.
Bác sĩ Trang cũng chia sẻ, thai phụ khi biết thai nhi bị dây rốn quấn cổ không nên quá lo lắng. Trong những trường hợp trên, bác sĩ sẽ thăm khám sẽ đánh giá tình trạng lượng máu từ mẹ đến con có bình thường, ổn định không. Thứ hai, sẽ có phương tiện đo nhịp tim cho bé, để khi thai cử động có thể biết được bé khỏe mạnh hay không. Từ những kết quả trên sẽ có những chỉ định phù hợp. Thực tế đã chứng minh không phải thai nhi bị dây rốn quấn cổ đều phải sinh mổ. Tùy vào từng trường hợp thai phụ có thể sinh thường ngả âm đạo.
Trong quá trình làm việc, đa phần thai nhi thường bị dây rốn quấn cổ 1 vòng, còn trường hợp như trên khá hiếm.