Kế hoạch ‘khổng lồ’ để TP.HCM ngăn xâm nhập mặn, đảm bảo nước ngọt

(PLO)- Trong bối cảnh miền Tây chật vật vì hạn mặn, TP.HCM vừa ban hành kế hoạch phát triển hệ thống thủy lợi đảm bảo an ninh nguồn nước tưới tiêu, chống xâm nhập mặn, ngăn triều cường.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

UBND TP.HCM vừa ban hành quyết định phê duyệt “Phương án phát triển thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".

Theo đó, ngành thủy lợi TP.HCM đã và đang xây dựng được khoảng 45 hệ thống công trình thủy lợi với khoảng 2.000 km đê bao, bờ bao lớn nhỏ ven các sông kênh rạch, kèm theo trên 900 các loại công trình phụ trợ như cống, đập, trạm bơm... Ngoài ra còn có khoảng 600 hạng mục công trình bờ bao phòng chống triều cường kết hợp giao thông nông thôn được đầu tư các năm qua.

Cần kế hoạch thủy lợi ngăn mặn, chống triều, đảm bảo tưới tiêu

Các công trình, hệ thống công trình thủy lợi đã và đang xây dựng tại TP.HCM đáp ứng nhu cầu phục vụ tưới tiêu, xổ phèn, ngăn mặn cho khoảng 55.000 ha đất sản xuất nông nghiệp; ngăn lũ, ngăn triều, chống ngập úng cho khoảng 70.000 ha; đầu tư tập trung chủ yếu tại các huyện ngoại thành và quận vùng ven như huyện Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn, Cần Giờ, TP Thủ Đức, quận 12, Bình Tân.

Đơn cử như hệ thống thủy lợi Hóc Môn - Bắc Bình Chánh (13 cống đập chính, 7 trục kênh chính tổng chiều dài 70 km) được xây dựng từ năm 1993 từ nguồn vốn vay Ngân hàng thế giới (WB). Hệ thống này có nhiệm vụ ngăn xâm nhập mặn, giữ ngọt, tiêu úng, xổ phèn, cải tạo đất, tưới, tiêu theo triều phục vụ sản xuất nông nghiệp kết hợp giao thông nông thôn.

Hệ thống thủy lợi Nam Bình Chánh thuộc huyện Bình Chánh tổng chiều dài là 130 km và 32 tuyến đê bao, bờ bao với tổng chiều dài khoảng 119 km. Ngoài ra, còn có thể kể đến hàng loạt công trình ngăn triều, đảm bảo tưới tiêu khác như hệ thống thủy lợi Nam – Bắc Rạch Tra, đê bao bờ hữu sông Sài Gòn, hệ thống thủy lợi kênh Đông Củ Chi, Kênh N31A (Bến Mương - Láng The)…

Theo UBND TP, hiện nay TP đã đối mặt với các loại hình thiên tai và nguy cơ như bão, áp thấp nhiệt đới, nước biển dâng, nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn, ngập lụt do mưa lớn, xả lũ, triều cường…

“Công tác vận hành điều tiết hệ thống công trình thủy lợi cũng gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt trong mùa khô, ngoài việc điều tiết phục vụ tưới tiêu, ngăn mặn công trình còn phải vận hành điều tiết ngăn nguồn thải ô nhiễm” - báo cáo tóm tắt về kế hoạch nêu.

Vì vậy, TP.HCM cho rằng cần rà soát, nghiên cứu, điều chỉnh nhiệm vụ công trình và đầu tư nâng cấp khép kín, hoàn chỉnh các hệ thống công trình thủy lợi, công trình bảo vệ, kiểm soát nguồn nước, cấp, trữ nước, chuyển nước trên địa bàn TP. Điều này nhằm đáp ứng nhiệm vụ đa mục tiêu của công trình thủy lợi.

Kế hoạch gần 27.000 tỉ đồng

Theo đó, phương án phát triển thủy lợi đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cho TP.HCM có 3 tiểu vùng. Tiểu vùng 1 huyện Củ Chi sẽ có 3 nhiệm vụ về hệ thống kênh Đông, hệ thống thủy lợi ven sông Sài Gòn và tiêu thoát nước. Tiểu vùng này dự kiến sẽ có 185 công trình được hoàn thiện xây dựng với kinh phí gần 14.000 tỉ đồng.

Hệ thống kênh Đông sẽ cần nâng cấp hoàn chỉnh hệ thống, đảm bảo cấp nước cho sinh hoạt của TP.HCM từ nguồn nước hồ Dầu Tiếng thông qua hệ thống công trình thủy lợi kênh Đông Củ Chi đến năm 2045 là 1 triệu m3/ngày đêm.

Hệ thống thủy lợi ven sông Sài Gòn sẽ được nâng cấp đảm bảo khả năng cấp nước và tiêu thoát nước, phòng chống lũ và kiểm soát triều cường.

Tiểu vùng 2 là khu vực quận 12, huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè. Đây là khu vực nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, chủ yếu được cung cấp từ các hệ thống kênh, rạch nội vùng xuất phát từ sông Vàm Cỏ, sông Sài Gòn, rạch Tra.

Tiểu vùng này cần nâng cấp hệ thống thủy lợi Hóc Môn - Bắc Bình Chánh bằng việc nạo vét thông thoáng dòng chảy, nâng cấp bờ hai bên kết hợp giao thông nông thôn và bổ sung hoàn chỉnh hệ thống cống, đê bao bảo vệ các khu sản xuất, khu dân cư.

Tiểu vùng 2 cần 266 công trình thủy lợi với hơn 9.560 tỉ đồng.

xâm nhập mặn.jpg
Vì hạn mặn, người dân xã Long Đại, huyện Bình Đại, Bến Tre phải đi lấy từng can nước sạch về sinh hoạt. Ảnh: Đông Hà

Tiểu vùng 3 là huyện Cần Giờ cần nâng cấp các tuyến kè chống sạt lở, đê bao chống ngập do triều cường, nạo vét các kênh, rạch để tăng khả năng tiêu thoát nước. Đối với khu vực sản xuất muối cần xây dựng hệ thống đê bao bảo vệ vùng sản xuất khi có triều cường và nước dâng do bão.

Tiểu vùng 3 cần 101 công trình với gần 2.990 tỉ đồng. Ngoài 3 tiểu vùng này, TP.HCM cũng cần đầu tư 105 công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng với gần 450 tỉ đồng trong tương lai.

TP.HCM cần 2 tỉ USD để đảm bảo an ninh nước ngọt

Theo phương án phát triển thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 thì một trong những nhiệm vụ quan trọng của TP là đảm bảo nước sạch cho nhu cầu sinh hoạt và sản xuất - kinh doanh.

Vì vậy, quy hoạch cấp nước TP đến năm 2040 và tầm nhìn đến năm 2060 sẽ cần xây dựng hệ thống hồ điều tiết, hồ dự trữ nước thô và các bể chứa nước sạch tại các nhà máy nước. Đồng thời xây dựng phương án xử lý tình huống ảnh hưởng tác động của biến đổi khí hậu, đảm bảo an ninh nguồn nước.

Báo cáo cuối kỳ Điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn 2060, liên danh tư vấn nêu TP cần xây 5 cụm hồ trữ nước thô, nước sạch với diện tích 500 ha.

Ngoài ra, TP cũng cần dời dần điểm khai thác nước thô hiện hữu tại Hòa Phú (hệ thống cấp nước Tân Hiệp) và Hóa An (hệ thống cấp nước Thủ Đức) lên phía thượng lưu sông Sài Gòn và sông Đồng Nai để tránh nhiễm mặn.

Tổng kinh phí cho kế hoạch làm hồ trữ nước và di dời điểm lấy nước thô này cần đến 2 tỉ USD để TP.HCM đảm bảo an ninh nguồn nước trong trường hợp khẩn nguy.

Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP.HCM vừa công bố kết quả khảo sát thủy văn xâm nhập mặn đo vào ngày 8-4 và 9-4 tại 7 trạm trên sông rạch chính thuộc khu vực TP.HCM (đợt 1 tháng 4).

Theo đó, nồng độ mặn khảo sát tại các trạm trên các sông, kênh, rạch chính khu vực TP.HCM giảm so với độ mặn đợt 3 tháng 3-2024 (kỳ trước đó), cao hơn so với độ mặn đợt 1 tháng 4-2023 (cùng kỳ năm ngoái) nhưng vẫn thấp hơn so với độ mặn đợt 1 tháng 4 trung bình nhiều năm.

Độ mặn đợt 1 tháng 4-2024 tại các trạm có nồng độ mặn giảm dao động trong biên độ từ 0,4 - 2,1 g/L. Nguyên nhân nồng độ mặn tại các trạm này giảm có thể là do ngày 8-4, các hồ chứa trên thượng lưu có xả nước, điển hình như hồ Dầu Tiếng có lưu lượng xả 96,5 m3/s và hồ Trị An có lưu lượng xả là 136 m3/s. Do các hồ chứa trên thượng lưu xả nước đã góp phần pha loãng và đẩy mặn nên nồng độ mặn ở các trạm kể trên giảm đáng kể so với kỳ đó đợt 3 tháng 3-2024.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm