Chính phủ Thái Lan đã lên kế hoạch mua thêm hai tàu ngầm từ TQ nhưng buộc phải tạm dừng kế hoạch vào năm 2020 sau khi vấp phải sự chỉ trích từ công chúng, những người cho rằng việc tái thiết nền kinh tế bị tác động nặng nề của đại dịch COVID-19 nên được ưu tiên, tờ Nikkei Asia đưa tin ngày 12-4.
Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: NIKKEI ASIA |
“Chúng ta có cần mua một chiếc tàu ngầm không có động cơ không?” – Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Prayuth Chan-ocha nói với báo chí trong nước hồi tuần trước, ý chỉ chính phủ của ông sẽ xem xét việc ngừng mua nếu hợp đồng không được thực hiện.
Hợp đồng mua tàu ngầm lớp Yuan S26T được ký kết năm 2017 và có giá trị 14,5 tỉ baht (khoảng 403 triệu USD). Theo dự kiến, Thái Lan sẽ nhận được tàu ngầm từ phía TQ vào năm 2023.
China Shipbuilding & Offshore International Co. (CSOC), công ty đóng tàu TQ là đơn vị đảm nhận việc đóng tàu ngầm cho Thái Lan, đã lên kế hoạch sử dụng động cơ của MTU Friedrichshafen, một hãng sản xuất động cơ lớn của Đức. Tuy nhiên, truyền thông Thái Lan hồi tháng 2 đưa tin Đức đã từ chối chuyển động cơ cho TQ và công ty TQ đã ngừng đóng tàu ngầm.
Đáp lại thông tin trên, Đại sứ quán Đức tại Thái Lan hồi đầu tháng 2 đã đưa ra một tuyên bố giải thích rằng TQ đã không thông báo với Đức trước khi ký hợp đồng với Thái Lan rằng động cơ diese MTU396 của họ sẽ được sử dụng cho tàu ngầm. Liên minh châu Âu (EU) quy định các nước thành viên không được xuất khẩu vũ khí sang TQ.
Theo truyền thông Thái Lan, TQ đề xuất Thái Lan hoặc tiếp nhận động cơ tương đương MTU396 do TQ sản xuất hoặc nhận tàu ngầm đã qua sử dụng của nước này. Bắc Kinh đã “tặng không” cho Myanmar một chiếc tàu ngầm đã qua sử dụng vào tháng 12 năm ngoái.
“Trung Quốc đã không trực tiếp thông báo cho chúng tôi về một giải pháp thay thế. Chúng tôi yêu cầu giao một tàu ngầm trang bị động cơ của Đức như đã ký hợp đồng” – một phát ngôn viên của Hải quân Hoàng gia Thái Lan nói với Nikkei Asia. Phía Thái Lan dự kiến sẽ gọi đại diện của công ty đóng tàu TQ sang Thái Lan để thảo luận về vấn đề và đưa ra kết luận vào cuối tháng này.
Sau khi ông Prayuth chỉ huy cuộc đảo chính quân sự trên cương vị tổng tư lệnh quân đội vào năm 2014, Thái Lan vấp phải sự chỉ trích của phương Tây và xoay sang tiếp cận TQ. Trong khi các quốc gia láng giềng, bao gồm Indonesia và Malaysia, có tàu ngầm thì Thái Lan lại không. Bangkok quyết định mua tàu ngầm từ TQ, cho rằng điều này rất quan trọng đối với an ninh của Thái Lan, theo Nikkei Asia.
Ông Paul Chambers, một học giả về các vấn đề quân sự tại Đại học Naresuan (Thái Lan), nhận định hợp đồng mua tàu ngầm với TQ nhằm gửi đi thông điệp rằng Thái Lan không cần phụ thuộc vào các nước phương Tây.
Xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc sang Thái Lan đã tăng gấp 5 lần trong năm 2014-2018, sau cuộc đảo chính, so với 5 năm trước đó, theo số liệu thống kê của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (Thụy Điển). Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã cản trở tốc độ tăng trưởng nhập khẩu vũ khí của Thái Lan từ TQ.
Thái Lan đã tăng cường hợp tác kinh tế với TQ trong những năm gần đây, nhưng ông Chambers cho biết: “Thỏa thuận tàu ngầm đã trở thành cái gai trong mối quan hệ giữa Thái Lan và TQ. Nó có thể sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ mua sắm quân sự giữa Thái Lan và TQ”.
Theo chuyên san The Diplomat, đầu tháng này, khi được hỏi liệu chính phủ Thái Lan có khả năng chấm dứt hợp đồng hay không, Thủ tướng Prayut cho biết vấn đề sẽ được các nhà chức trách liên quan xem xét. Tuy nhiên, ông khẳng định rằng bất kỳ sự hủy bỏ nào đều sẽ không ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa Bangkok và Bắc Kinh, vốn đã ấm lên kể từ sau cuộc đảo chính năm 2014.