Từ ngày 1-8-2019, các công ty kinh doanh du lịch để khách bỏ trốn tại nước ngoài hoặc ở lại Việt Nam trái phép sẽ bị phạt 80-90 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh, thu hồi thẻ hướng dẫn viên… Đây là một trong những nội dung quan trọng tại Nghị định 45/2019 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch.
Không thể cột chân khách
Tại tọa đàm liên quan đến Nghị định 45/2019 do Hiệp hội Lữ hành Việt Nam vừa tổ chức, nhiều công ty lữ hành cho rằng việc khách bỏ trốn có khi nằm ngoài ý muốn nhưng lại bị phạt nặng, thậm chí tước giấy phép là chưa thật sự thỏa đáng và hợp lý. Ông Trần Văn Long, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Truyền thông du lịch Việt, đánh giá Nghị định 45 ra đời với nhiều quy định chặt chẽ sẽ giúp môi trường kinh doanh du lịch lành mạnh hơn. “Với nghị định này, các doanh nghiệp lữ hành sẽ không còn làm ăn bậy được nữa” - ông Long nói.
Tuy nhiên, ông Long cho rằng các quy định về chế tài vẫn còn một số điểm chưa rõ ràng, nhất là khi xác định hành vi để khách bỏ trốn khi đi du lịch; chưa nói rõ đâu là nguyên nhân chủ quan, đâu là nguyên nhân khách quan dẫn đến tình trạng trên. “Ví dụ, sau chương trình tham quan một ngày, tối là thời gian khách du lịch tự do nghỉ ngơi, tham quan, mua sắm, giải trí... Trong khoảng thời gian này, các công ty du lịch không có quyền cột chân khách vào… chân hướng dẫn viên để giữ khách đừng bỏ trốn. Hơn nữa, trên thực tế khách thường chọn lúc nửa đêm để bỏ trốn, lúc đó hướng dẫn viên không thể thức trắng đêm để canh chừng trước cửa phòng du khách được” - ông Long nêu thực tế.
Đồng quan điểm, Giám đốc Công ty Du lịch TransViet Hoàng Đức Huy cho biết hiện nay người dân du lịch đến Mỹ được cấp visa khoảng một năm, trong đó không ít trường hợp đi du lịch kết hợp thăm thân nhân. Sau khi tham gia chương trình tour 10-15 ngày, họ ở lại thăm thân nhân tiếp và sau đó bỏ trốn ở lại Mỹ.
“Vậy trong trường hợp này, cơ quan quản lý phạt công ty du lịch có hợp lý? Làm sao xác định được họ bỏ trốn là do công ty du lịch tiếp tay? Cơ quan chức năng nên phạt công ty du lịch hay phạt du khách bỏ trốn?” - ông Huy đặt vấn đề.
Ông Từ Quý Thành, Giám đốc Công ty Du lịch Liên Bang, cũng cho rằng “không thể quy hết mọi trách nhiệm cho công ty du lịch khi khách bỏ trốn”. Theo đó, ông đề nghị trước khi trừng phạt các công ty du lịch thì cần phải xác minh rõ khách bỏ trốn trong khoảng thời gian nào, lỗi có phải do các công ty lữ hành gây ra hay không.
Ông Thành nói tiếp: “Cần phải xem xét công bằng, không vì một số công ty làm ăn bậy bạ rồi vơ đũa cả nắm, phạt tất cả mà không phân biệt mức độ vi phạm”.
Đại diện một số công ty du lịch khác cũng cho rằng rất khó phân biệt khách có chủ đích bỏ trốn theo con đường du lịch khi họ làm đủ thủ tục giấy tờ. Bởi nhiều khi các cá nhân, tổ chức làm hồ sơ giả rất chuyên nghiệp, qua mặt cả các cơ quan công an thì doanh nghiệp không thể phát hiện. Do vậy, nếu tước giấy phép hoạt động, công ty du lịch đó thiệt hại rất lớn, thậm chí phá sản và phải đóng cửa.
Để khách nước ngoài trốn tại Việt Nam hoặc khách Việt Nam bỏ trốn khi đi du lịch nước ngoài, công ty lữ hành bị phạt tiền kèm hình phạt bổ sung. Trong ảnh: Khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam ngày càng đông. Ảnh: TÚ UYÊN
Phạt phải “đúng người, đúng tội”
Để giải quyết bài toán khách lợi dụng đi du lịch rồi bỏ trốn, đại diện các công ty lữ hành đề nghị cơ quan chức năng ban hành thông tư quy định cụ thể và làm rõ thêm về các hành vi xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch, nhất là liên quan đến xử phạt khi khách bỏ trốn. Từ đó, tạo điều kiện để doanh nghiệp, đơn vị du lịch áp dụng vào trong thực tiễn.
Cụ thể, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Truyền thông du lịch Việt Trần Văn Long cho rằng việc phạt tiền và tước giấy phép kinh doanh là rất nặng với các công ty làm ăn chân chính nhưng bị oan. Riêng với những công ty làm ăn kiểu chụp giật, mức chế tài trên lại quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe.
“Thực tế cho thấy với những công ty làm ăn không đàng hoàng, nếu rút giấy phép công ty này họ mở công ty khác hoặc núp bóng dưới công ty khác và tiếp tục hoạt động. Do đó, cần phải xem xét tăng mức phạt hơn với những công ty làm ăn kiểu này như xử lý hình sự” - ông Long đề xuất.
Đại diện một số công ty lữ hành khác cũng nhấn mạnh Nghị định 45 chưa có quy định xử phạt đối với du khách có hành vi cố tình bỏ trốn khi đi du lịch ở nước ngoài. Do vậy, cần có quy định cấm xuất cảnh, phạt nặng đối với các trường hợp du khách này để tránh họ tái phạm.
ThS Nguyễn Đức Chí, giảng viên Trường ĐH Hutech, phân tích nhiều công ty du lịch e ngại việc xử phạt nặng hơn trước đây đối với hành vi để khách bỏ trốn dù họ vô tình bị khách qua mặt để bỏ trốn lại nước ngoài. Từ thực tế này, ông Chí đề nghị chỉ nên quy trách nhiệm cho công ty trong trường hợp có bằng chứng rõ ràng về việc tiếp tay cho khách bỏ trốn hay lợi dụng danh nghĩa làm visa du lịch để lấy tiền đưa khách đi trốn.
“Người Việt đi nước ngoài ngày càng tăng. Riêng năm 2018 ước có 9,8 triệu lượt người Việt ra nước ngoài tại các thị trường như Mỹ, Nhật, Hàn, Đài Loan tăng… Nếu các quy định xử phạt không rõ ràng, đúng người, đúng tội sẽ ảnh hưởng lớn đến hàng ngàn công ty du lịch cũng như các hướng dẫn viên. Bên cạnh đó, khách du lịch nước ngoài cũng gặp nhiều khó khăn khi làm thủ tục tại Việt Nam” - ông Chí nhấn mạnh.
Nài ép khách mua hàng, bị phạt 3 triệu đồng Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, cho biết Việt Nam hiện có hơn 2.300 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế, khoảng 8.000 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa. Nghị định 45/2019 hướng dẫn cụ thể những chế tài trong Luật Du lịch sửa đổi năm 2017. Nghị định quy định mức phạt tiền cụ thể đối với mỗi hành vi vi phạm. Ví dụ, tranh giành, nài ép khách du lịch mua hàng hóa sẽ bị phạt 1-3 triệu đồng. Ngoài ra, nghị định cũng quy định nếu tổ chức kinh doanh dịch vụ lữ hành không sử dụng hướng dẫn viên du lịch để hướng dẫn cho khách du lịch theo hợp đồng lữ hành sẽ bị phạt 30-40 triệu đồng. Phạt 50-60 triệu đồng nếu tổ chức kinh doanh dịch vụ lữ hành sử dụng người không có thẻ hướng dẫn viên du lịch để hướng dẫn cho khách du lịch; sử dụng người, sử dụng thẻ hướng dẫn viên du lịch giả để hướng dẫn cho khách du lịch... Hướng dẫn viên lo bị vạ lây ThS Nguyễn Đức Chí, giảng viên Trường ĐH Hutech, nêu thực tế các hướng dẫn viên lo lắng khi đi cùng khách mà để khách bỏ trốn lại nước ngoài cũng bị công ty du lịch phạt tiền, thậm chí mang tiếng tiếp tay cho khách bỏ trốn. Trong khi việc sàng lọc khách là của bộ phận kinh doanh, hướng dẫn viên chỉ tiếp xúc khách lúc khởi hành. “Ra nước ngoài, nếu hướng dẫn viên giữ hộ chiếu khách cũng vô ích vì khách đã muốn bỏ trốn ở lại thì không cần dùng đến hộ chiếu” - ông Chí nói. |