Khai giảng được sắp đặt đâu vào đó, học sinh liệu có còn háo hức?

(PLO)- Nếu có tập dượt lễ khai giảng thì có thể tập đội văn nghệ, đội nghi thức là được rồi, không nhất thiết phải tập hợp cả trường. 
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Những ngày qua, học sinh các trường từ bậc mầm non đến THPT nao nức tựu trường sau thời gian nghỉ hè. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng chỉ đạo các trường tổ chức lễ khai giảng theo hướng gọn nhẹ, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho học sinh đầu năm học mới.

Để chuẩn bị cho lễ khai giảng diễn ra chu đáo, nhiều trường đã tổ chức các buổi tập dượt để không xảy ra sơ sót, lộn xộn khi buổi lễ chính thức diễn ra.

Thế nhưng, vẫn có những ý kiến băn khoăn việc tập dượt trước khai giảng gây mệt mỏi cho các em, làm mất đi cảm nhận trọn vẹn, háo hức của học sinh trước khi bước vào năm mới. PLOxin giới thiệu ý kiến của tác giả Hồ Nguyễn Hạnh Nhơn về việc tập dượt trước khai giảng.

Gần khu nhà nơi tôi đang ở trọ có một trường học. Những ngày này, rộn ràng tiếng cười nói của học sinh. Sáng nay, không khí có ồn ào, nhôn nhạo hơn, thỉnh thoảng lại nghe cả tiếng thầy giáo quát trong micro ra hiệu cho các học sinh đứng đúng hàng lối, giơ tay chào, hay tiếng hát Quốc ca. Nghe ra mới biết, thầy trò trường này đang tập dượt để chuẩn bị cho lễ khai giảng năm học mới.

Lễ khai giảng là sự kiện quan trọng đánh dấu sự khởi đầu của một năm học mới. Vì thế, việc chuẩn bị cho lễ khai giảng không thể qua loa để các em học sinh cảm nhận được ý nghĩa của sự kiện đặc biệt này. Qua đó cũng thể hiện sự quan tâm của toàn xã hội đối với ngành giáo dục.

Học sinh ở TP.HCM trong ngày lễ khai giảng năm học 2020-2021. Ảnh: NGUYỆT NHI

Học sinh ở TP.HCM trong ngày lễ khai giảng năm học 2020-2021. Ảnh: NGUYỆT NHI

Nhưng, có phải vì thế mà đâu đó có những trường đã chuẩn bị cho sự kiện này một cách rất kỹ càng bằng việc cho học sinh tập dượt lễ khai giảng. Mục đích của việc tập dượt nhằm đảm bảo buổi lễ diễn ra đúng chương trình, theo yêu cầu là ngắn gọn, tưng bừng để tạo khí thế cho học sinh. Chưa biết sau buổi lễ học sinh sẽ có thêm động lực để học tập hay không, còn nếu là tôi thì không hề có một chút hứng thú với một ngày khai giảng đã được sắp đặt đâu vào đấy và phải diễn đi diễn lại trước khi bước vào ngày lễ chính thức.

Sự tập dượt trước này nhằm đảm bảo cho các trường không bị động trước những tình huống ngoài kịch bản và có được một buổi lễ khai giảng hoàn hảo trước mắt các quan khách. Nhưng thiết nghĩ trong buổi lễ ấy, học sinh mới là nhân vật chính. Các em cần được cảm nhận một cách trọn vẹn ý nghĩa của buổi lễ, qua đó hình thành được sợi dây tình cảm gắn bó với ngôi trường mình sẽ học tập trong cả năm, với thầy cô, bạn bè xung quanh.

Cho nên, có cần tổ chức tập dượt cho lễ khai giảng trước khi buổi lễ chính thức bắt đầu hay không, chính các em học sinh mới là người cho ý kiến. Nếu chỉ vì hình ảnh tốt đẹp của một buổi lễ mà mất đi ý nghĩa thật sự của nó, không đáng.

Nếu có tập dượt thì có thể tập đội văn nghệ, đội nghi thức là được rồi, không nhất thiết phải tập hợp cả trường. hãy cứ để một lễ khai giảng diễn ra tự nhiên, có thiếu sót nữa cũng là sự ngây ngô, hồn nhiên của lứa tuổi học sinh. Đáng yêu mà!

Hãy chia sẻ cùng PLO qua email: doisongxahoi@phapluattp.vn hoặc phần ý kiến bạn đọc dưới bài viết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm