Đối thoại Công - tư về Phụ nữ và Kinh tế trong APEC là một trong ba sự kiện chính của Diễn đàn thường niên về Phụ nữ và Kinh tế APEC, vừa thể hiện sự công nhận của các nhà Lãnh đạo APEC đối với vị trí và những đóng góp to lớn của phụ nữ; vừa là sự coi trọng vai trò, sức ảnh hưởng của phụ nữ trong phát triển kinh tế tư nhân.
Ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội phát biểu khai mạc.
Chương trình nhằm tăng cường sự hội nhập về kinh tế, tài chính và xã hội của phụ nữ trong thị trường toàn cầu đang thay đổi; thúc đẩy sự phát triển của doanh nhân nữ trong kỷ nguyên số. Đồng thời, xây dựng tầm nhìn về nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ trong lĩnh vực kinh tế trong khu vực APEC và trên thế giới.
Phát biểu khai mạc, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương Binh và Xã Hội, Chủ tịch Đối thoại chính sách cao cấp về phụ nữ và Kinh tế APEC năm 2017, cho biết: APEC hiện có khoảng 600 triệu phụ nữ tham gia lực lượng lao động, với hơn 60% ở khu vực chính thức, đây là nguồn lực và động lực dồi dào cho sự tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội.
Theo thống kê, doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ chiếm 97% trong tổng số doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; chiếm trong khoảng từ 50 đến 80% việc làm tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương; đóng góp từ 20% đến 50% GDP trong các nền kinh tế APEC.
"Tuy vậy, các doanh nghiệp này chỉ chiếm khoảng dưới 35% xuất khẩu trực tiếp. Thực tế này đòi hỏi APEC cần chú trọng hơn để phát triển về quy mô và nâng cao năng lực hội nhập khu vực cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa do phụ nữ đích thân làm chủ", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu chào mừng Đối thoại công - tư về Phụ nữ và Kinh tế. Ảnh: NGUYỄN DO
Phát biểu chào mừng buổi Đối thoại, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cho biết: Đối với Việt Nam, trong bối cảnh thế giới đang thay đổi nhanh chóng hiện nay, phụ nữ Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, thách thức trong lĩnh vực kinh tế đặc biệt là tìm kiếm cơ hội việc làm, tăng thu nhập cũng như phát triển sản xuất kinh doanh, quảng bá sản phẩm của mình.
Theo Phó Chủ tịch nước, ở Việt Nam, phụ nữ chiếm 48% lực lượng lao động, đóng vai trò vô cùng quan trọng trong nền kinh tế. Báo cáo của Diễn đàn kinh tế thế giới năm 201 thì Việt Nam đứng thứ 65 trên 144 quốc gia về chỉ số khoảng cách giới và đứng thứ 33 về chỉ số phụ nữ tham gia hoạt động kinh tế. Đặc biệt, tỷ lệ phụ nữ giữ vị trí giám đốc, chủ doanh nghiệp đạt khoảng 25%.
"Vì vậy, chúng ta cần tạo cơ hội và khuyến khích kết nối các nữ doanh nhân, chia sẻ giữa khu vực công và khu vực tư nhân, không chỉ trong từng nền kinh tế mà cả ở quy mô khu vực như trong APEC để giúp các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ có cơ hội được chia sẻ và được lắng nghe cũng như phát huy mạnh mẽ hơn vai trò và đóng góp vào nền kinh tế. Từ đó, cần xây dựng tầm nhìn chiến lược cho những năm tiếp theo để tiếp tục thúc đẩy sự trao quyền kinh tế của phụ nữ ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương nói riêng và toàn thế giới nói chung", Phó Chủ tịch nước khẳng định.
Phó Chủ tịch nước thăm các gian hàng do phụ nữ làm chủ. Ảnh: NGUYỄN DO