Khám phá giao thông Ấn Độ - Bài 2: Phương tiện vận chuyển nhân dân

Hệ thống giao thông New Delhi - Ấn Độ không hoành tráng với những đường vượt nhiều tầng hay những vòng xoay trôn ốc trên không cao hàng trăm thước như Thượng Hải - Bắc Kinh ở Trung Quốc. Nhưng những con đường nội đô Ấn Độ vẫn luôn rợp mát bóng cây. Mật độ xe cộ có chen chúc nhưng không đến nỗi tắc nghẽn và không gian mờ ảo vì sương chứ không phải vì khói bụi như Bắc Kinh. Chừng như đất nước này không có sự vội vã đi trước đón đầu mà vẫn hồn nhiên đi lên bền vững.

Ở Ấn không có chuyện cấm xích lô, ba gác hay hạn chế xe ô tô vào khu trung tâm TP. Từ thủ đô New Delhi cho đến các TP du lịch nổi tiếng như Arga, Jaiphur, Varanasir… các phương tiện vận chuyển nhân dân này vẫn nhộn nhịp chạy đua với xe buýt, xe điện ngầm, xe hơi đời mới bóng lộn. Hơn thế nữa, các loại xe súc vật như ngựa, lừa, lạc đà… vẫn ung dung dạo chơi trên các đường phố đô thị, hãnh diện thể hiện mình đã góp phần tạo ra giá trị GDP của quốc gia đứng hàng thứ sáu thế giới.

Auto Rickshaw - mọi lúc, mọi nơi

Xe buýt ở Ấn khá phát triển nhưng tình trạng xe ít, người đông nên cảnh nhồi nhét trên xe buýt làm nhiều người e ngại. Phương tiện đi lại được lựa chọn nhiều nhất ở nội ô là Auto Rickshaw - một loại xe nửa giống xe lam của Sài Gòn trước đây, nửa giống xe Tuk tuk của Thái Lan. Auto Rickshaw có mặt mọi lúc, mọi nơi, từ sân ga đến các hang cùng ngõ hẻm. Tuy nhiên, đây là loại xe không dành cho người yếu tim. Mỗi bác tài Auto Rickshaw đều là một nghệ sĩ, một tay lái lụa. Hầu như xe nào cũng đầu đĩa với loa công suất lớn, các bác tài vừa lái, vừa hát, vừa nhún nhảy theo điệu nhạc. Đường sá đông ken, chỉ cần khoảng trống hơn nửa mét là xe này có thể vượt, rẽ trái, quay đầu.

Xe bò vẫn ung dung lăn bánh cạnh ô tô trên đường phố New Delhi. Ảnh: AK

Xe có trang bị đồng hồ tính tiền nhưng không hiếm chuyện tài xế chạy đường lòng vòng để kiếm thêm tiền hoặc ép bán khách cho các khách sạn quen. Bởi vậy nên đa số du khách chọn giải pháp thương lượng giá trước khi bước lên xe. Giá xe khá mềm, tương đương với xe ôm ở Việt Nam nhưng khách phải biết giá và kiên nhẫn thương lượng. Giá ban đầu đưa ra thường cao hơn giá thật gấp ba lần.

Lần từ Agra về Jaiphur, xe lửa đến ga mới 2 giờ sáng, khách sạn đã đặt sẵn ở trung tâm TP, không thể nghỉ lại ga nhưng trước một đám đông các tài xế bủa vây chào mời nào xe, nào khách sạn giá rẻ, chúng tôi đâm bối rối. May mà chính phủ Ấn có chính sách quản lý khá hiệu quả. Ở tất cả đầu mối giao thông như bến xe, ga xe lửa, ga hàng không đều có phòng bán vé taxi hoặc Auto Rickshaw của chính phủ. Người mua trả tiền cước cho văn phòng và giữ vé, khi đến nơi mới đưa vé cho tài xế để anh ta mang vé về văn phòng lấy tiền. Vào giờ khuya khoắt ấy văn phòng này vẫn hoạt động, chúng tôi mua vé lên xe, cũng vẫn là một trong những tài xế ấy nhưng yên tâm biết mình sẽ đến nơi an toàn.

Ngoài ra, với những đoạn đường ngắn khách có thể lựa chọn Rickshaw, tương tự như xích lô đạp của Việt Nam. Giá rẻ hơn Auto Rickshaw nhưng đường đi dốc ngược dốc xuôi nhìn bác phu Ấn còng lưng đạp mà thấy rát ruột, cuối cùng phải thêm tiền tif (tiền boa) hóa ra lại đắt.

“Quyết không nhường đường, đừng có mà bóp còi inh ỏi nhé!”. Ảnh: AK

Metro - niềm tự hào của Delhi

Metro Delhi là một trong những mạng lưới tàu điện ngầm lớn nhất trên thế giới. Hiện hệ thống Metro này mới hoàn thành giai đoạn 2 bao gồm sáu tuyến với tổng chiều dài 189,63 km với 142 trạm, trong đó có 35 trạm dưới lòng đất. Hiện hệ thống này vẫn đang phát triển đến năm 2020 với nhiều tuyến mới và mở rộng thêm các tuyến cũ.

Trong năm 2007, Metro Delhi tuyên bố là một trong năm hệ thống tàu điện ngầm trên thế giới có lợi nhuận mà không cần chính phủ trợ cấp. Điều thú vị là ngoài việc bán vé, Metro tạo ra doanh thu bằng cách cho thuê xe lửa và các trạm để quay phim. Công nghệ điện ảnh Ấn Độ càng phát triển, mức ảnh hưởng của Metro với người dân càng lớn thì doanh thu thuê phim càng lớn. Chất lượng Metro Delhi khá tốt không thua kém các nước tiên tiến, mật độ các chuyến xe khá dày, vận chuyển 1,8 triệu khách/ngày.

Tuy nhiên, một số ga Metro chưa trang bị hệ thống bán thẻ tự động và việc kiểm soát an ninh quá chặt chẽ (phải kiểm tra hành lý và thân thể từng người) nên khách phải mất khá nhiều thời gian xếp hàng, chờ đợi. Khoảng cách giữa các trạm khá thưa nên thông thường rời Metro khách phải lội bộ hoặc đi Auto Rickshaw thêm vài cây số nữa. Dù sao, trong điều kiện thời tiết khi quá nóng, lúc quá lạnh, đi lại bằng Metro là những phút thư giãn rất tốt cho du khách và người dân.

 Tác giả trên Rickshaw. Ảnh: ANH THƯ

Đi thuyền trên dòng sông tâm linh

Với người Hindu (chiếm 90% dân số Ấn Độ), sông Hằng là dòng sông tâm linh thiêng liêng. Hạnh phúc nhất của họ là sống được tắm trên sông Hằng và chết được thiêu và rắc tro trên sông Hằng.

Hàng trăm năm qua, những vị vua vùng này đã xây hàng trăm ghat (những bậc thang từ sông lên trên bờ nối liền với những đền thờ) dọc bờ sông Hằng (đoạn TP Varanasir), biến nơi đây thành di tích văn hóa lịch sử tầm thế giới.

Du khách đến Ấn Độ không thể không đến sông Hằng. Nghề đưa thuyền cho khách đi trên sông trở thành thu nhập chính của một số người dân. Giá 1 giờ đi thuyền là 100 IDR (khoảng 50.000 đồng) thế nhưng nhiều khách phải đi với giá 200 thậm chí 300 IDR do không biết kỳ kèo. Những người phu chèo thuyền thật sự thường là lớp người cùng khổ ít biết tiếng Anh, hầu hết du khách đều phải qua cò giao dịch và họ chỉ được hưởng một phần nhỏ trong số tiền ít ỏi đó.

Ngồi trên dòng sông phẳng lì không một gợn sóng, nhìn những dãy ghat cổ kính nối nhau, những đám lửa thiêu xác người lộ thiên và bóng mặt trời chiều đỏ úa trong màn sương chiều quả thú vị. Nhưng nhìn thân người gầy gò rướn đẩy mái chèo tôi bỗng thấy xót xa...

Từ đường cái vào đến bờ sông Hằng phải đi qua khu ổ chuột đường sá nhỏ hẹp, ngoằn ngoèo dài hơn 2 km, qua nhiều dốc bậc thang đứng sững chỉ có hai phương tiện đi được là đôi chân và mô tô. Chỉ với 20 IDR khách có thể thuê phu vác hành lý đi qua con đường ấy. Không kỳ kèo, không ngán ngại cân phân quãng đường xa với số tiền ít ỏi, họ mừng rỡ khi được gọi và oằn lưng mang vác. Nhìn những dòng mồ hôi ròng rã trên lưng những người phu, tôi chợt nghĩ Ấn Độ có quá nhiều nghịch lý với sự phân tầng đẳng cấp quá xa.

LÊ ĐẠI ANH KIỆT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới