Phó Thủ tướng nhận định rằng: Bộ có tầm nhìn và tư duy đổi mới hơn, có nhiều hành động và đề xuất có vẻ như “lấy đá ghè chân mình”.
“Bộ đã từ bỏ đặc quyền của mình như đề xuất trong dự án sửa đổi Luật Đầu tư công khi mạnh dạn bỏ thủ tục thẩm định nguồn vốn của Bộ Tài chính và Bộ KH&ĐT. Chưa biết đề xuất này có được Quốc hội đồng tình hay không nhưng đây là thẩm quyền của hai bộ, mà các đồng chí dũng cảm bỏ cái này đi thì phải đánh giá cao các đồng chí” - Phó Thủ tướng nói.
Còn nhớ hồi tháng 11-2013, ông Bùi Quang Vinh khi đó là bộ trưởng Bộ KH&ĐT đã có câu nói nổi tiếng khi họp Quốc hội: “Có vụ trưởng nói: Thưa bộ trưởng, bộ trưởng đang lấy đá ghè chân mình. Minh bạch thế này thì còn ai đến Bộ KH&ĐT nữa. Tôi bảo: Không, đất nước này cần sự minh bạch, đất nước này cần không có tham nhũng”.
Lúc ấy, Luật Đầu tư công đang được thảo luận và nếu theo các quy định của luật đó, thì đầu tư công cho trung hạn, không phải quyết định làm công trình nào từng năm một, mà quyết cho cả giai đoạn. Chẳng hạn năm 2014 sẽ quyết định đầu tư cho cả giai đoạn năm năm 2016-2020. Ông Vinh nói đó là một “bước đột phá”, “sự dũng cảm của Bộ KH&ĐT”.
Tinh thần ấy, rất may mắn, được bộ trưởng tiếp theo của Bộ KH&ĐT là ông Nguyễn Chí Dũng duy trì. Đầu năm 2018, lúc Bộ KH&ĐT tổ chức hội nghị tổng kết, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đứng với một số phóng viên và chỉ ra cổng Bộ nói: “Các anh thấy không, ô tô các tỉnh không còn đỗ ở cổng Bộ”.
Bởi theo giải thích của bộ trưởng, các tỉnh không còn phải xếp hàng lên Bộ để xin phê duyệt đầu tư từng năm một như trước đây vì Bộ đã duyệt dài hạn. Trong khi đó, nếu duy trì cách thức cũ thì cứ giai đoạn đó, cổng Bộ KH&ĐT lúc nào cũng… nườm nượp.
Từ câu chuyện trên cũng cho thấy trong công cuộc cải cách đang diễn ra từ đầu nhiệm kỳ, việc các bộ ngành từ bỏ quyền hành của mình là không dễ dàng. Đơn cử như việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh mà Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam vừa tổng kết mới đây, không phải bộ nào cũng sẵn sàng từ bỏ. Một chuyên gia nhận định rằng: “Có điều kiện kinh doanh bộ này bỏ, còn bộ kia thì lại lấy vào”.
Thậm chí ngay cả việc cắt bỏ các điều kiện kinh doanh cũng phải bắt đầu từ áp lực của Chính phủ và Thủ tướng, chứ ít khi nào thấy các bộ chủ động đề xuất.
Bởi vậy, có lẽ tinh thần “lấy đá ghè chân mình” phải được tiếp tục và coi như kim chỉ nam trong công cuộc cải cách. Năng lực cạnh tranh quốc gia có được nâng lên hay không, môi trường kinh doanh có được cải thiện hay không là tùy thuộc vào sự dũng cảm “ghè chân mình” của các bộ trưởng.