Khi ‘chỉ số’ chịu đựng tham nhũng của dân gia tăng

Theo đó, tỉ lệ người cho biết họ sẽ tố giác tham nhũng khi bị vòi vĩnh, hối lộ đã giảm đi hơn phân nửa so với năm 2011. Trong khi đó, “mức kịch trần” số tiền bị đòi hối lộ để đến mức người dân tố giác tham nhũng lại tăng lên hết sức đáng kể - từ 5 triệu đồng (năm 2011) đã lên hơn 24, 6 triệu đồng (năm 2015).

Vậy là về mặt lượng lẫn chất của mức độ chịu đựng tham nhũng trong dân đều tăng. Nói một cách chua chát là dân đã biết chấp nhận “sống chung với lũ”.

Sẽ rất lo lắng nếu người dân quá “lờn thuốc” với tình trạng tham nhũng hiện nay mà làm lơ luôn với thực trạng tham nhũng, mặc mọi thứ đang diễn ra.

Nhưng sẽ đáng sợ hơn nếu nguyên nhân dẫn đến sức chịu đựng trên gia tăng là do người dân đã chọn cách im lặng. Họ im lặng có thể vì nhận thấy các đấu tranh chống tham nhũng không hiệu quả hoặc bị triệt tiêu, hoặc mang lại các kết quả bất lợi cho chính mình và họ học cách “dần thích ứng” với nó. Còn gì nguy hiểm hơn khi cái được xem là quốc nạn này tạo nên thứ phản xạ như thế trong dân chúng.

Tại kỳ họp cuối Quốc hội khóa XIII, đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến đã cảnh báo một nguy cơ “sóng thần” mà tham nhũng có thể gây ra. ông nói: “Đại biểu Quốc hội đầy lo âu rằng quốc nạn có nguy cơ hạ đo ván quốc sách”. Hiểu một cách nôm na tham nhũng đang thách thức thực sự đối với những chính sách phát triển của quốc gia. Nếu tham nhũng không tìm được đất sống trong chính sách thì nó sẽ tìm cách phá hoại trong quá trình thực thi chính sách, khi các thiết chế và công cụ kiểm soát của chúng ta chưa thể giám sát đến tận cùng các giao dịch giữa người dân và cán bộ, công chức”.

 Tân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong phát biểu nhậm chức đã truyền đi hai thông điệp mạnh mẽ về việc tăng kỷ luật kỷ cương và nâng cao hiệu quả chống tham nhũng. Và trước ông Phúc, không ít lãnh đạo nhà nước đã có những phát ngôn quyết liệt về chống tham nhũng. Thực tế là dù Đảng và Nhà nước đã có những chỉ đạo và hình thức xử lý rất nặng đối với tội phạm tham nhũng nhưng tình hình này vẫn rất phức tạp và hiệu quả chưa như mong muốn.

Chắc chắn cuộc chiến chống tham nhũng cần nhiều hơn những gì chúng ta đã làm. Và trong cuộc chiến khốc liệt không kém gì chống giặc ngoại xâm ấy, sức mạnh dân chúng vẫn là thứ vũ khí đáng sợ nhất.

Muốn thế, phải làm sao để dân dám đương đầu với tham nhũng chứ không chịu đựng và “ sống chung với lũ”.

MẠNH LÊ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm