Khi học sinh mê soi hàng hiệu của nhau

(PLO)- Các em cần được giáo dục về giá trị đích thực mà một người cần đạt được đến từ tâm hồn, tri thức, cách sống văn minh, tử tế với cộng đồng thay vì mặc một chiếc áo hiệu, sử dụng một chiếc ba lô có giá vài chục triệu.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong câu chuyện đang ồn ào trên mạng xã hội hiện nay, trái với nhiều người, điều tôi quan tâm nhất chính là chi tiết chị T.H.T, mẹ của em học sinh, chia sẻ việc con gái bị nhóm học sinh để ý chiếc ba lô, tỏ vẻ cười cợt và cho đó là hàng nhái. Chia sẻ của chị T dù chưa rõ sự thật thế nào nhưng việc học sinh thích sử dụng hàng hiệu, soi nhòm và cạnh tranh từng món đồ dùng cho đến cách sử dụng trang phục, giày dép, túi xách…là có thật trong giới trẻ, đặc biệt với những em xuất thân từ điều kiện gia đình khá giả.

Có dịp dạo qua những nơi mua sắm sang trọng bậc nhất TP.HCM như Vincom Center, Saigon Center…đều dễ dàng bắt gặp các bạn học sinh, sinh viên tung tăng cười nói, tay xách nách mang những giỏ hàng hiệu vừa mua. Điều đáng lưu tâm là hóa đơn thanh toán tiền mua sắm của các bạn trẻ “sành điệu” có thể lên đến vài triệu đồng. Tôi từng nghe một học sinh nói: “Đã chơi hàng hiệu thì phải chơi cho tới. Quần jean em thường chuộng Zara, Mango, Uniqlo…áo thì mua của CK, Dior…Những món này chỉ có giá trung bình từ 1-2 triệu một món”.

Khi được hỏi tiền đâu để mua sắm nhiều như thế khi đang trong độ tuổi đến trường, em học sinh này thản nhiên bảo đó là tiền của cha mẹ em cho, vì không muốn con mình thua kém bạn bè khi đến trường. Vì lo sợ mình sẽ kém nổi bật, tầm thường so với bạn bè đồng trang lứa trong trường, em luôn trăn trở, thậm chí ghen ghét nếu phát hiện bạn nào đó sử dụng đồ hơn mình. Đáng lưu tâm là nhiều bạn bè của em học sinh này cũng đang chạy theo trào lưu dùng đồ hiệu, soi mói nhau vì những món hàng hiệu.

Cá nhân tôi có con gái đang trong độ tuổi đến trường. Vài năm nay, do thay đổi tâm lý tuổi dậy thì và ảnh hưởng bạn bè trong trường nên con bé bắt đầu mê sử dụng hàng hiệu. Con bé ra sức tìm hiểu và rất rành rọt các thương hiệu thời trang từ giày dép, quần áo, túi xách. Nếu tôi mua cho các sản phẩm hàng Việt Nam, bé thường nhăn mặt chê vì sợ mất mặt với bạn bè. Thậm chí, có lần con bé đòi mua quần jean chính hãng CK Levi’s với giá bằng cả tháng lương của tôi, khiến bản thân tôi cũng phải giật mình. Nhận ra con mình có dấu hiệu đua đòi, tôi đã nhiều lần giáo dục, khuyên răn con rằng giá trị của con người không đến từ vẻ bề ngoài hoặc vài món đồ dùng đắt tiền. Tuy nhiên, những lời giáo dục của vợ chồng tôi không mấy tác dụng. Mãi cho đến khi vợ chồng tôi quyết định chuyển trường và cắt hẳn thói quen đến trung tâm thương mại thì con gái tôi mới dần thay đổi.

Từ câu chuyện của con gái mình, cá nhân tôi cho rằng các bậc cha mẹ vốn nghĩ rằng việc ưu tiên, dành mọi điều kiện tốt nhất cho con mình là hợp lý, nên thường cố gắng đi làm kiếm tiền và cho trẻ tiêu dùng theo ý thích. Bên cạnh đó, nhiều bậc phụ huynh do quá bận rộn, không có thời gian chăm sóc con nên đã bù đắp tình thương yêu bằng rất nhiều tiền. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến sự ganh đua, đố kị và các hiện tượng bạo lực học đường đáng tiếc như vụ việc ồn ào giữa một nhóm học sinh tại trường quốc tế trong thời gian vừa qua. Các em đang trong độ tuổi mới lớn, hay có thói quen thích so kè, tị nạnh, nếu không có định hướng đúng đắn từ gia đình và nhà trường sẽ gây ra những tác hại rất lớn đến việc học tập và phát triển tính cách của trẻ.

Nhìn xa hơn, nếu sống quá thoải mái và sung sướng từ khi còn nhỏ, trẻ sẽ gặp phải nhiều khó khăn khi trưởng thành. Cũng bởi, những đứa trẻ được bao bọc, chăm lo quá mức từ lúc còn bé sẽ không đủ khả năng kháng cự với nghịch cảnh khi lớn lên. Và đương nhiên, khi gặp phải hoàn cảnh khó khăn, trẻ sẽ dễ dàng chấp nhận thất bại, không có ý chí vươn lên và vượt qua. Thậm chí, nó khiến các em dễ hành xử tiêu cực, hay oán trách và bất mãn.

Vốn dĩ, ăn ngon mặc đẹp là một trong những nhu cầu cần thiết của con người. Tuy nhiên, điều này phải hợp lý và vừa sức với lứa tuổi cũng như khả năng chi trả. Việc cha mẹ cho con tiếp cận quá sớm với những thứ thuộc về thế giới người có tiền sẽ khiến trẻ nhìn nhận sai lệch về đồng tiền và giá trị con người, dẫn đến nhiều hành xử lệch lạc.

Hơn như thế, học sinh đang trong độ tuổi đến trường cần được giáo dục về ý thức tiết kiệm, tránh đua đòi, ganh ghét nhau chỉ vì một vài món vật dụng xa xỉ. Có lẽ đã đến lúc thầy cô, phụ huynh và những người lớn chung quanh dành thời gian giáo dục các em về kỹ năng sống, về giá trị đích thực mà một người cần đạt được đến từ tâm hồn, tri thức, cách sống văn minh, tử tế với cộng đồng thay vì mặc một chiếc áo hiệu, sử dụng một chiếc ba lô có giá vài chục triệu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm