Học kém để “chọc tức” cha mẹ
Là học sinh chăm ngoan, học giỏi tại Trường tiểu học K.Đ (TPHCM), em T. còn là thành viên trong câu lạc bộ viết chữ đẹp của trường. Có thời gian, T. bỏ bê hoàn toàn việc học và luôn cố tình viết chữ nguệch ngoạc trong vở nên kết quả học sụt đi nhanh chóng.
Thấy sự thay đổi khác lạ ở em, cô giáo chủ nhiệm hỏi han nhưng lúc đầu T. nhất quyết không chia sẻ. Bố mẹ em T. lại phản ánh, giáo viên dạy ra sao mà con mình học yếu đi, điểm kém hơn. Cả tháng sau, cô học trò lớp 5 mới nói với cô giáo với vẻ bất cần: “Bố mẹ ở nhà uýnh nhau hoài, học vậy cho ông bà tức chơi”.
Thì ra hơn nửa năm nay, T. thường xuyên chứng kiến cảnh bố mẹ cãi vã. Có hôm học bài xong, em còn tận mắt thấy bố mẹ đánh mẹ và mẹ cũng lấy đồ đạc ném lại với nhiều lời chửi bới. Em sợ hãi, nhiều đêm vào giường ngủ nằm khóc, ảnh hưởng đến việc việc, sau đó em nảy sinh suy nghĩ cố tình học sút nhằm “chọc tức” bố mẹ.
Nhiều vấn đề tâm lý của học sinh có nguyên nhân từ chính bố mẹ. (Ảnh minh họa).
Chị Huỳnh Thị Thanh, tư vấn viên tâm lý tại một trường học ở Q. Tân Phú, TPHCM cho hay, trong quá trình công tác tư vấn trường học, chị gặp rất nhiều trường hợp học trò chán đời có nguyên nhân xuất phát từ trong gia đình. Đặc biệt nhiều ca nặng khi các em vô tình phát hiện hoặc chứng kiến “mặt trái” của bố mẹ. Chị Thanh nhớ nhất trường hợp một nữ sinh từ từ sốc chuyển sang trầm cảm khi thấy clip “nóng” của bố - người mà em rất tôn thờ - với người phụ nữ khác trong điện thoại. Em không dám nói với mẹ, những hình ảnh đó ám ảnh cô học trò mọi lúc mọi nơi, đến lớp không trò chuyên với ai. Cô bé còn tự hành xác và nghĩ đến chuyện tự vẫn. Gia đình tác động đến trẻ rất lớnRất nhiều phụ huynh có suy nghĩ, khi con đã đi học thì mọi vấn đề của con nhà trường mới liên quan, ảnh hưởng nhiều nhất. Vậy nhưng, theo các chuyên viên tư vấn ở trường học cho hay, các vấn đề trong gia đình tác động đến các em ghê gớm nhất. Bà Bùi Thanh Kiều, tư vấn viên Trường THPT Marie Curie (TPHCM) cho biết, nhiều người nhầm tưởng tuổi HS thường chỉ gặp rắc rối về bạn bè, tình yêu. Thật ra, các trường hợp tìm đến phòng tư vấn tâm lý thì phần lớn các em gặp vấn đề xuất phát từ gia đình và đây cũng là nguyên nhân gây hậu quả nặng nề nhất đến tâm lý của các em như bố mẹ ngoại tình, ly hôn, hoặc bị bố mẹ đối xử quá hà khắc... Bác sĩ, chuyên gia tâm lý Lan Hải chia sẻ, trong quá trình làm việc của mình, bà gặp rất nhiều trường hợp các em HS gặp các cú sốc xuất phát từ bố mẹ. Từ những sự việc như thiếu sự quan tâm, đối xử sai cách hoặc nhìn thấy “mặt trái” của bố mẹ, nhiều đứa trẻ sớm đã có suy nghĩ “hận đấng sinh thành” rất đáng lo ngại. “Trẻ thiếu lòng yêu thương, chúng ta có thể bù đắp cho các em bằng chính tình yêu thương. Nhưng khi đã có lòng hận thù thì việc giúp các em cân bằng lại, chấp nhận bỏ qua là cả một vấn đề cực kỳ khó giải quyết”, bà Hải chia sẻ. Phụ huynh thường nghĩ rằng, con còn nhỏ chỉ biết học, chẳng biết gì về việc của người lớn nên bố mẹ ra sao sẽ không ảnh hưởng nhiều đến con. Họ ít ngờ được rằng trẻ rất nhạy cảm trước những việc quanh mình, còn nếu không biết rõ thì các em rơi vào trạng thái suy đoán, hoang mang... Từ đây, các em rất dễ sa ngã, rượt dài nếu không được quan tâm kịp thời. Nhiều vấn đề của HS xuất phát từ trong gia đình nhưng điều đáng ngại hơn bố mẹ lại là người ít biết về tình trạng của con do hiện nay nhiều người rất bận rộn, kham hiếm thời gian cho con cũng như bố mẹ chưa thật sự là tấm gương cho con cái. Trong khi, các chuyên gia tâm lý khẳng định, mọi vấn đề của con cái thì không ai khác, chính bố mẹ là người giải quyết tốt nhất - nhất là với những trường hợp các em gặp sự cố xuất phát từ chính trong gia đình. Chị Huỳnh Thị Thanh cho hay, với những ca nghiêm trọng, tư vấn viên không thể xử lý buộc phải phối hợp với gia đình để chuyển HS nhập viện. Nhưng không phải lúc nào họ cũng nhận được sự hợp tác từ phụ huynh bởi ít ai chấp nhận "con mình có vấn đề" nên tình trạng của đứa trẻ càng đáng ngại. Theo Hoài Nam (DT)