Khi nào cắt thắng môi, thắng lưỡi cho trẻ?

(PLO)- Nhiều phụ huynh vẫn đưa con đi cắt thắng môi, thắng lưỡi dù con không dính hay dính ít, không được bác sĩ chỉ định cắt.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Gần đây trên mạng xã hội xuất hiện trào lưu cắt thắng môi, thắng lưỡi để trẻ nhanh nói, bú giỏi hơn mà không cần biết bé dính thắng môi, thắng lưỡi ở mức độ nào.

Bác sĩ khuyên không cắt, mẹ đưa con sang chỗ khác cắt

Ngày 22-7, bác sĩ (BS) chuyên khoa 1 Nguyễn Thanh Sang, cho biết trào lưu này phổ biến đến mức thời gian qua có nhiều phụ huynh đưa con đến phòng khám và yêu cầu BS Sang cắt thắng môi, thắng lưỡi dù con không dính hay dính ít.

“Phần lớn trường hợp tôi khám thấy các bé không dính thắng lưỡi hoặc dính rất ít. Tôi khuyên không cần cắt và cũng khuyên họ nếu bé cần cắt thì phải vào bệnh viện vì tôi không có chuyên môn về vấn đề này.

Tuy nhiên, sau khi được khuyên không nên cắt thì phụ huynh lại đem con qua chỗ khác để cắt thắng lưỡi cho con” - BS Sang kể.

BS Sang cho hay, vừa có đồng nghiệp là BS chuyên khoa tai-mũi-họng chia sẻ về một ca bệnh nhi 6 tháng tuổi bị tổn thương sâu, đứt hãm môi và rách lợi do cắt thắng môi tại BS không phải chuyên khoa răng hay tai-mũi-họng nhi.

Trẻ bị tổn thương sâu, đứt hãm môi và rách lợi do cắt thắng môi. Ảnh: NVCC

Trẻ bị tổn thương sâu, đứt hãm môi và rách lợi do cắt thắng môi. Ảnh: NVCC

BS Sang từng tiếp nhận nhiều trẻ chậm nói nhưng không phải do dính thắng môi, thắng lưỡi mà do vấn đề tâm lý, cần can thiệp tâm lý lâu dài của chuyên gia, bác sĩ.

“5 năm qua, có lẽ tôi đã khuyên chưa tới 10 trẻ vào bệnh viện để cắt thắng lưỡi. Cắt thắng lưỡi để bé nhanh nói hay phát âm chuẩn, điều này không đúng.

Phát âm của một đứa trẻ còn tùy vào phát âm của bố mẹ để bé học theo, tùy vào sự tập luyện của bé. Khi bé phát âm sai, gia đình hay giáo viên cần chỉnh sửa cho bé. Không phải cắt thắng lưỡi là sẽ phát âm chuẩn” - BS Sang nhận định.

Theo BS Sang, trẻ dính thắng lưỡi nhiều (lè lưỡi thấy lưỡi tạo hình trái tim), ảnh hưởng khả năng bú ở trẻ nhỏ hoặc ảnh hưởng phát âm ở trẻ lớn, khi đó mới quyết định can thiệp cắt thắng lưỡi.

Cắt thắng môi, thắng lưỡi chỉ là tiểu phẫu, nguy cơ không nhiều, chủ yếu chảy máu khó cầm. Tuy nhiên nếu cắt quá sâu, cắt sai sẽ gây tổn thương sâu, đứt hãm môi và rách lợi.

“Khi trẻ không dính thắng môi thắng lưỡi, dính ít hoặc không được BS chuyên khoa chỉ định mà phụ huynh vẫn cho con đi cắt thì rất tội cho bé. Nếu không may trẻ bị tổn thương sau cắt, vết thương này sẽ đi theo trẻ suốt cuộc đời” - BS Sang bày tỏ.

Chỉ định cắt (nếu có) là khi trẻ tầm 9 tuổi

Để lại bình luận dưới một bài đăng về trường hợp trẻ tổn thương sau cắt thắng lưỡi, một BS chuyên khoa răng hàm mặt cho rằng, thắng môi ở trẻ nhỏ không ảnh hưởng đến ăn uống, bú sữa của trẻ. Chỉ định cắt thắng môi (nếu có) là khi trẻ tầm 9 tuổi (đã mọc răng nanh vĩnh viễn hàm trên).

Trẻ nhỏ khi mới chỉ có các răng cửa vĩnh viễn, lúc này răng trẻ sẽ hơi xoè và thưa, đây là sinh lý bình thường. Răng nanh mọc thì các khe thưa sẽ tự đóng lại. Nếu sau đó răng vẫn thưa và xác định là do thắng môi gây ra thì mới cắt thắng môi.

BS này khuyên phụ huynh nên tìm hiểu thông tin một cách có chọn lọc. Chỉ khi trẻ dính thắng lưỡi gây ra vấn đề bú kém hoặc nói ngọng thì mới cắt. Nhiều trường hợp hơi dính nhưng không ảnh hưởng chức năng thì không cần can thiệp.

Theo BS này, trẻ nói chậm không phải do dính thắng lưỡi. “Hiện nay tôi gặp rất nhiều cha mẹ đưa con nhỏ vài tháng tuổi đến phòng khám đòi cắt thắng lưỡi cho con dù chỉ hơi dính, không ảnh hưởng đến vấn đề bú của trẻ.

Nhiều cha mẹ cho biết xem trên mạng nên đưa con đi cắt. Các cha mẹ phải tỉnh táo, không để những video trên mạng xã hội định hướng. Bất kỳ một can thiệp gì trên trẻ đều phải cân nhắc kỹ mới làm” - BS khuyên.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm