Lúc đó, khi liên hệ với chánh văn phòng kiêm người phát ngôn UBND tỉnh Hậu Giang để hỏi thông tin cùng hướng xử lý ra sao, vị này nói lãnh đạo UBND tỉnh chưa cho thông tin về vấn đề này. Dù ông không giải thích lý do tại sao “chưa cho trả lời” song báo chí tôn trọng ý kiến của ông. Bởi lẽ báo chí sẵn sàng chia sẻ với công việc của chính quyền vì cho rằng thời điểm đó, cơ quan chức năng cần có thời gian để thanh tra, kiểm tra, rà soát cụ thể cũng như thống kê chính xác số liệu, tình hình nên chưa thích hợp để thông tin.
Tuy nhiên, gần một tháng sau, báo chí sau khi nắm số liệu từ Ban Quản lý các KCN tỉnh Hậu Giang và có con số lao động Trung Quốc làm việc chui ở tỉnh hỏi về quan điểm chỉ đạo, hướng xử lý thì người phát ngôn của UBND tỉnh Hậu Giang vẫn trả lời như cũ: “Lãnh đạo tỉnh đã nắm nhưng tôi chưa được phép trả lời”?! (Tuổi Trẻ ngày 26-8). Câu nói gọn lỏn ấy làm cho báo chí vừa thấy hụt hẫng vừa cảm giác sự chia sẻ, chờ đợi của mình với chính quyền đã không được đáp lại một cách sòng phẳng.
Tình trạng lao động người Trung Quốc làm việc chui ở nước ta là không mới. Gần đây nhất là tình trạng người Trung Quốc làm hướng dẫn viên du lịch chui xuyên tạc lịch sử văn hóa Việt Nam diễn ra ở Khánh Hòa, Đà Nẵng gây bức xúc trong dư luận. Tuy nhiên, khác với Hậu Giang, các địa phương này vào cuộc xử lý quyết liệt và có những thông tin kịp thời cho công luận. Điều này không đơn thuần thể hiện sự nhanh nhạy trong xử lý của chính quyền mà nó còn cho thấy sự tôn trọng đối với các vấn đề mà công luận lưu tâm, nhân dân bức xúc.
Chính phủ ban hành quy chế phát ngôn với mục tiêu là muốn báo chí có tiếng nói chính thức từ chính quyền, cơ quan hữu trách, tránh những thông tin suy diễn, thiếu chính xác. Để làm được điều đó, chính quyền cần phải phản xạ tích cực hơn nữa trước các vấn đề báo chí phản ánh, nếu không quy chế phát ngôn sẽ trở thành tấm bình phong đỡ đòn công luận cho người phát ngôn.