Nguồn thực phẩm mới (?)
Thịt chó ở Sài Gòn giờ cũng phổ biến đến thế sao? Tôi tò mò, lấy xe máy chạy một vòng thành phố và thấy hầu như chợ nào cũng bày bán món thịt này. Chợ cóc thì vài ba con, chợ đông một chút thì vài chục. Những chợ dạng truyền thống như Thạch Đà ( quận Gò Vấp), Chợ Tân Hương ( Tân Phú) chợ Phạm Văn Hai (Tân Bình) … mỗi chợ bán đến cả trăm con.
Bày bán thịt chó như bày bán thịt heo. Ảnh: internet
Do không phải là nguồn thực phẩm “hợp pháp” nên trước giờ thịt chó không được cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát. Vì thế cũng chẳng có số liệu thống kê chính thức nào về lượng thịt chó tiêu thụ ở Sài Gòn mỗi ngày bao nhiêu. Chuyện nguồn gốc xuất xứ, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cũng bị bỏ lửng.
Những người thu mua chó cho biết, mấy tháng trước do báo chí phản ánh nhiều về những lò mổ chuyên thu mua chó bệnh nên nguồn thực phẩm này có giảm đi chút ít. Song chỉ sau một thời gian ngắn, lượng thịt chó lại tiếp tục tăng.
Một ông chủ lò mổ chó ở quận 12 quả quyết với tôi rằng, hiện nay lượng thịt chó bán ở Sài Gòn mỗi ngày không dưới… 8 tấn. Để có đủ nguồn thịt cung cứng cho thị trường TP.HCM, lò mổ phải gom hàng từ nhiều tỉnh thành khác.
Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đối với thịt chó bị bỏ lửng. Ảnh: minh họa
Tôi không chắc lắm về con số do ông chủ lò mổ chó thống kê nhưng quả thật lượng thịt chó tiêu thụ ở Sài Gòn không nhỏ. Buổi chiều mỗi ngày, chỉ cần đứng ở cầu vượt Củ Chi ( huyện Củ Chi, TP.HCM) ai cũng có thể thấy từng tốp xe máy chở những chiếc lồng sắt đựng chó sống chật cứng từ Tây Ninh, Long An hối hả chạy về hướng Sài Gòn.
Những người yêu quí chó có thể bị sẽ “sốc” khi chứng kiến cảnh tượng trên.
“Cẩu tặc” táo tợn hoành hành vì mối lợi lớn
Thông thường, với lượng thịt cung ứng cho thị trường lớn như thế phải có chuỗi trang trại, nông trại chăn nuôi… hình thành. Thế nhưng, tôi hỏi khắp nơi, chẳng thấy ở đâu có trang trại chó thịt, hay dạng nuôi chó với số lượng lớn để bán giết thit. Còn những người nuôi chó giữ nhà, họ chỉ bán khi nào chó bị bệnh, già nua hay họ túng bấn đến mức cùng đường.
Như lẽ thường tình, khi thịt chó trở thành món ăn phổ biến thì những đội quân trộm chó cũng xuất hiện khắp nơi. Hiện nay, với giá mua vào thấp nhất 50.000 đồng/kg hơi, mỗi ngày chỉ cần bắt được vài ba con, dân trộm chó đã rủng rỉnh tiền. Có lẽ vì thế, bất chấp “đồng nghiệp” bị đốt xe, bị đánh chết, kẻ trộm chó vẫn không từ bỏ công việc đang bị lên án ghê gớm này.
Thịt chó giá giá mua vào thấp nhất là 50.000 đồng/kg hơi. Ảnh: tamdiem.net
Tại TP.HCM, cách đây mấy ngày, giữa ban ngày, ngay ở khu vực nội thành đông dân cư nhưng hai thanh niên đi xe máy vẫn dám dùng súng điện bắn chết chó, mang đi tiêu thụ. Sự việc cho thấy kẻ trộm chó có thể ngày càng táo tợn hơn, nguy hiểm hơn.
Không có gì bàn cãi, dù không được thừa nhận nhưng thịt chó đã và đang là nguồn thực phẩm lớn được người dân sử dụng hàng ngày. Vì thế, tôi nghĩ đã đến lúc Nhà nước phải quyết định: Nếu không tịch thu tiêu hủy, thịt chó phải cũng cần phải được kiểm soát như thịt heo, thịt bò về nguồn gốc và an toàn vệ sinh thực phẩm