Doanh thu của IBM tại thị trường Trung Quốc đang sụt giảm mạnh. (Ảnh: BI) |
Bắt đầu từ khoảng hơn 3 thập kỷ trước đây, khi Trung Quốc bắt đầu tiến hành cuộc cải cách kinh tế, các tập đoàn nước ngoài luôn luôn được chào đón một cách nồng nhiệt nhất. Trong nhiều bữa tiệc, các nhà lãnh đạo cấp cao của chính quyền Bắc Kinh đã luôn miệng khẳng định các tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài đến Bắc Kinh đều là “những người bạn của Trung Quốc”.
Nhưng những gì đã và đang xảy ra gần đây ở Trung Quốc khiến các CEO của các công ty đa quốc gia nhận ra một điều rằng, họ không còn là “bạn của Trung Quốc” mà đã phần nào trở thành kẻ thù, đặc biệt là ban lãnh đạo mới của Trung Nam Hải đã cho thông qua một chính sách “rất ít thân thiện” với các doanh nghiệp nước ngoài.
Theo tạp chí Fortune (Mỹ), những chiến dịch “chống độc quyền” mà Bắc Kinh thực thi gần đây đã được mở rộng và tăng cường hơn rất nhiều. Mục tiêu của họ là ai? Đó là những gã khổng lồ của phương Tây như Microsoft, Daimler, BMW, Volkswagen, Chrysler, Qualcomm… Đa số những công ty này đang chuẩn bị phải nộp phạt những khoản tiền lớn nếu Bắc Kinh chứng minh rằng họ đã vi phạm pháp luật Trung Quốc.
Cũng theo Fortune, phong trào này đã được khởi xướng cách đây hơn một năm và bắt đầu bằng việc các nhà quản lý Trung Quốc mở chiến dịch điều tra “chống độc quyền” nhằm vào các hãng sữa bột cho trẻ em của phương Tây, cáo buộc họ định giá quá cao. Mặc dù các cáo buộc của Trung Quốc chẳng có căn cứ gì nhưng người ta ngầm hiểu rằng đã đến lúc Trung Quốc muốn hất cẳng các tập đoàn nước ngoài để hỗ trợ các công ty nội địa. Dẫu vậy, trước sự đe dọa của các cơ quan chức năng Trung Quốc, Mead Johnson và Abbott đã phải giảm giá để xoa dịu tình hình.
Các thương nhân nước ngoài có thể ngạc nhiên về sự thay đổi thái độ đột ngột của Trung Quốc nhưng giới bình luận quốc tế lại cho rằng, điều này thực sự là một sự “bổ sung hợp lý” vào chính sách đối ngoại quyết đoán do ông Tập Cận Bình và chính phủ mới ở Bắc Kinh tạo ra. Kể từ khi lên nắm quyền (tháng 11/2012), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tỏ rõ thái độ kém thân thiện với phương Tây và sẵn sàng leo thang trong tranh chấp lãnh hải với Nhật Bản, Việt Nam và Philippines.
Chiến lược kinh doanh của Trung Quốc cũng đang thay đổi với biểu hiện là chủ nghĩa dân tộc trong kinh tế đang trên đà phát triển. Công bằng mà nói, không có quốc gia nào trên thế giới được hưởng lợi nhiều từ quá trình toàn cầu hóa như Trung Quốc nhưng Bắc Kinh lại luôn tỏ ra nghi ngờ hệ thống thương mại tự do. Giới lãnh đạo Trung Quốc thương công khai bày tỏ sự lo ngại rằng ảnh hưởng kinh tế và sự thống trị công nghệ của “ngoại bang” đang gây hại cho an ninh của Trung Quốc.
Một số trong những nỗi lo sợ này đã được chuyển hóa thành các chính sách khá kỳ cục. Ví dụ, mới đây chính phủ Trung Quốc đã thẳng tay loại cái tên Apple ra khỏi danh sách mua sắm chính thức của mình (với lý do Apple không nộp hồ sơ đúng hạn). Doanh số bán hàng của Cisco tại Trung Quốc cũng đang giảm mạnh do những lo ngại về an ninh. Các hãng CNTT lớn của nước ngoài như IBM, Oracle, EMC cũng bị “tống cổ” khỏi các dự án ở Trung Quốc để thay vào đó là thiết bị và dịch vụ của các công ty trong nước.
Theo ông Scott Kennedy, chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu Chính trị và Thương mại Trung Quốc (ĐH Indiana-Mỹ), Trung Quốc không đi về phía thị trường mở và công bằng mà họ đang tạo ra một môi trường cạnh tranh theo hướng có lợi cho một số doanh nghiệp của họ. Nói một cách khác, Trung Quốc đang làm sống dậy chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch dưới hình thức tinh vi hơn và “hiểm” hơn.
Còn theo ông Minxin Pei – chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế Keck (ĐH Claremont McKenna) thì tất cả các hành động này của Trung Quốc thực ra chỉ nhằm bóp chết các doanh nghiệp nước ngoài và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc nổi lên thống trị thị trường nội địa. Theo ông Pei, trong bối cảnh này, các công ty phương Tây nên có những bước đi nhằm chống lại sự trấn áp của Bắc Kinh như yêu cầu sự minh bạch, đề nghị các cơ quan đại diện thương mại (Phong thương mại Mỹ, Phòng thương mại châu Âu…) để làm sáng tỏ sự thật.