Tháng 10-2001, hai năm sau khi UBND tỉnh Bình Thuận có quyết định chấm dứt việc thăm dò, khai thác “kho báu” trên núi Tàu, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Lê Văn Hiền một lần thuyết phục được giấy phép gia hạn và ông Trần Văn Tiệp lại lên đường, trở về núi Tàu.
Quới nhân xuất hiện
Hàng chục mũi khoan, hàng trăm lượt nhân công lại được huy động nhưng cửa vào kho báu vẫn bặt vô âm tín.
Chỉ có một sự thật rõ ràng là núi Tàu cứ rung lên từng đợt vì bị đào, thảm thực vật vốn khô cằn nay gần như bị tận diệt. Sau gần mười năm đeo đuổi, cuối cùng ông Tiệp cũng nhường phần đầu tư cho ông Hiền. Như con bạc khát nước, ông Hiền tiếp tục đổ tiền vào canh bạc rủi nhiều hơn may mang tên Yamashita.
Cuối năm 2002, trên núi Tàu xuất hiện một người đàn ông trung niên tên là Hoàng Thanh Trường sinh năm 1959 ngụ ở xã Thanh Cù, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ. Ông Trường giới thiệu mình là nhà khảo cổ học kiêm nhà ngọai cảm có thể giúp ông Tiệp và ông Hiền mở cửa kho báu. Cùng đi với ông Trường là một người đàn ông khác tên Sĩ, tự giới thiệu là đại úy quân đội, chuyên viên cao cấp về hóa chất sinh học.
Hai vị trí được cho là “khe dị thường” và đường dẫn vào kho báu
Như người chết đuối vớ phải cọc, hy vọng lại bùng lên. Hơn nữa, đại úy quân đội tên Sĩ này có tên trùng với Tỉnh phó Nội an tỉnh Bình Tuy Lê Văn Sĩ mà tháng 11-1963 khi chế độ Ngô Đình Diệm bị đảo chính đã cướp tấm bản đồ kho báu.
Thanh kiếm nạm đầu rồng
Không hiểu “nhà ngọai cảm” Trường có phép “truyền âm nhập mật’ với tướng Yamashita hay không nhưng từ khi ông này có mặt trên đỉnh núi Tàu thì hàng lọat cổ vật có hình dạng kỳ dị được tìm thấy.
Đầu tiên là một phiến đá hình gan gà nhỏ xíu được đào lên với nhiều đường cong, uốn éo kỳ lạ, trông như đồ trưng cúng trên bàn thờ vua chúa ngày xưa. Đặc biệt ông Trường còn tự tìm thấy một thanh kiếm mà theo ông đó là thanh kiếm của Nhật Hoàng, chứng minh chắc chắn sự có mặt của quân đội Nhật Hoàng trên đỉnh núi này.
Theo mô tả, cây kiếm được tìm thấy lưỡi đã rỉ sét nhưng cán kiếm bằng đồng có nạm đầu rồng vẫn nguyên vẹn. Quá phấn khởi trước nhiều phát hiện, ông Tiệp và ông Hiền dồn hết lòng tin cho nhà ngoại cảm, đáp ứng mọi yêu cầu của ông ta.
Đây là thanh kiếm của tướng Yamashita được trưng bày ở Nhật Bản. Thanh kiếm nhà ngoại cảm Trường tìm được cũng có hình dáng tương tự
Đổ tiền vào hang núi
Theo chỉ dẫn của nhà ngọai cảm, có ba con đường dẫn đến cửa hầm kho báu. Ba con đường này sẽ dẫn đến “hầm chui”, “cửa thông hơi” và gặp nhau tại ngã ba đó chính là cửa hầm.
Hàng chục nhân công trần lưng đục đá không kể ngày đêm vì thời hạn cho phép đã gần hết. Thế nhưng cái gọi là “cửa thông hơi”, “hầm chui” của “nhà ngọai cảm” chẳng thấy đâu mà gặp toàn đá tảng chắn lối.
Không chịu thua, theo hiến kế của đại úy Sĩ, do UBND tỉnh Bình Thuận không cho phép dùng chất nổ nên phải chuyển qua dùng hóa chất để làm đá…mềm nhũn ra. Ông Tiệp phải chi 50 triệu đồng cho họ về TP.HCM mua hóa chất. Sau đó lại chi thêm gần 4 triệu đồng để mua một loại hóa chất khác mà theo ông Sĩ, khi phát hiện “cửa hầm” sẽ phun vào để tránh khí độc của vàng bốc ra sau hơn 60 năm bị chôn dưới lòng đất.
Ông Hiền và ông Tiệp còn phải thuê xe, đưa nhà ngoại cảm và ông Sĩ về thành phố thuê thuê máy định vị. Chuyến đi bị thất bại vì theo ông Trường cả Quân khu 7 lẫn Ủy ban Khoa học Kỹ thuật TPHCM đều không chịu hợp tác.
Tháng 1-2003, mượn cớ đi thuê máy ở Hà Nội, đại úy Sĩ “moi” của ông Hiền 10 triệu đồng tiền vé và tiền cọc thuê máy. Ngay khi viên đại úy lên đường thì nhà ngoại cảm cũng tìm cớ phải bàn giao hơn 60 bộ hài cốt liệt sỹ mà nhờ “ngọai cảm” ông ta đã tìm thấy để về Hà Nội, lấy thêm của ông Hiền một món tiền nữa. Hai người này đều hứa chắc chắn sẽ quay lại để “triển khai mở nắp hầm”.
Ông Tiệp và ông Hiền lại tiếp tục hy vọng. Theo tính tóan của họ, nếu khai thông được nắp hầm số 01 thì họ chỉ cần ủy ban tỉnh gia hạn thêm vài tháng nữa là có thể mở toang “kho báu Yamashita”, góp số tài sản cực lớn vào ngân sách để xây dựng đất nước…
(Còn tiếp)