Sông Vàm Cỏ Đông từ Campuchia đi qua địa phận tỉnh Tây Ninh có chiều dài hơn 100 km. Những ngày cao điểm nắng nóng vừa qua, lục bình phủ kín không chừa mét vuông nào trên mặt sông, nhiều ghe thuyền đã bị kẹt cứng giữa dòng.
Một ngày chỉ đi được 20 m sông
Chiều 20-3, khi chúng tôi đến cầu Bến Sỏi (xã biên giới Thành Long, huyện Châu Thành) bắt gặp anh Đặng Quốc Trung loay hoay lấy mái chèo đẩy lục bình để tấp ghe vô bờ, dù ghe cách bờ không bao xa. Sau một hồi vật lộn với chiếc ghe nhỏ, anh Trung cũng vào được tới bờ. Anh cho biết định đi ghe thăm ruộng nhưng đẩy ghe ra một chút đã bị lục bình “bao vây” đành phải tấp vô lại.
Nhà anh Trung có ruộng ở xã Trí Bình (huyện Châu Thành). Đợt thu hoạch lúa vừa qua gia đình anh chất lúa lên ghe chở về từ sáng sớm, ra được giữa dòng thì bị lục bình vây kín. Ghe cách bờ không tới 20 m mà đành nằm im giữa dòng, đợi cuối ngày khi nước lớn, lục bình trôi bớt mới cập bờ được. Anh nói: “Có hôm bị kẹt không vô được, tui giăng mùng ngủ luôn, tới đêm thấy ghe trôi đi mới tỉnh dậy chạy về”.
Chiều 21-3, chúng tôi đến xã Cẩm Giang (huyện Gò Dầu), đoạn có nhiều bến ghe thuyền, thấy nhiều ghe thuyền im lìm nằm không, kể cả những ghe lớn đã chất đầy hàng. Bà Võ Thị Hồi (quê ở Hồng Ngự, Đồng Tháp) ngồi ngóng ra sông ngao ngán: “Tui buôn bán diêm tro ở Tây Ninh đã gần 30 năm nay rồi nhưng giờ đang tính phải bỏ nghề vì lục bình dày đặc, không chở hàng từ Đồng Tháp lên được, buôn bán thất quá trời”.
Ghe nhỏ đã phải thua lục bình nhưng ghe chở hàng của bà Hồi có trọng tải 65 tấn cũng đành phải đầu hàng. Bà Hồi kể: “Nghĩ ghe mình lớn, có lần liều cho chạy luôn, không ngờ lục bình kẹt vô máy, hư máy sửa rất tốn tiền mà chạy vẫn không được”. Lần kẹt ghe giữa dòng lâu nhất kéo dài tới hai ngày. May mà có chiếc xà lan càn lục bình chạy tới, ghe của bà Hồi lập tức bám theo mới vô được tới bờ.
Nhiều người dân sống bằng nghề giăng lưới đã phải bỏ nghề cũng vì lục bình ken đặc. Ghe cá của bà Trần Thị Thắm (Cẩm Giang, Gò Dầu) tải trọng hơn chục tấn, mấy ngày nay chịu cảnh nằm không. Anh Nguyễn Tuấn Kiệt - con trai bà Thắm tâm tư: “Tui đang đi kiếm việc khác làm, giờ lục bình đặc nghẹt vầy sao đi bủa lưới được nữa”.
Ghe nhỏ của anh Đặng Quốc Trung bị lục bình bao vây. Ảnh: N.Hoàng
Nhiều ghe thuyền đành án binh bất động vì lục bình dày đặc. Ảnh: N.Hoàng
Chưa có cách “giải vây”
Ba năm qua, tỉnh Tây Ninh đã tiến hành đấu thầu, hợp đồng với nhiều đơn vị khác nhau để trục vớt lục bình làm thông thoáng mặt sông. Tuy nhiên, chưa có doanh nghiệp nào đủ năng lực vớt lục bình hiệu quả nên cuối cùng đều bị cắt hợp đồng. Sau khi doanh nghiệp Thanh Sơn - doanh nghiệp xử lý lục bình cuối cùng bị cắt hợp đồng, lục bình tự do “bao chiếm” mặt sông. Đến nay vẫn chưa có phương án nào giải vây cho tuyến giao thông đường thủy trọng yếu này, dù mới đây tỉnh Tây Ninh đã thành lập ban chỉ đạo xử lý lục bình do ông Nguyễn Thảo - Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng ban.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở TN&MT, cho biết: Sở dĩ thời gian qua lục bình phát triển khủng khiếp như vậy là bởi nước sông đã bị ô nhiễm. Có nhiều nhà máy chế biến tinh bột mì, nhà máy chế biến mủ cao su ở gần sông xả nước thải xuống sông. Nước sinh hoạt không qua xử lý cũng đổ xuống sông. Lục bình có đặc điểm là nước càng ô nhiễm càng phát triển nhanh. Vào mùa mưa nước lớn, lục bình bị đẩy trôi xuống hạ nguồn nên ghe thuyền còn đi lại được. Mùa khô nước xuống, nhất là khi thủy triều rút, lục bình sinh sôi nhanh và bao chiếm mặt sông.
Năm 2013, các nhà máy trên địa bàn tỉnh đã đóng phí xả thải hơn 2,4 tỉ đồng. Ông Xuân đề nghị dùng hết số tiền đó cho việc trục vớt lục bình và tổ chức cho nhiều đơn vị làm (thay vì đấu thầu chọn ra một đơn vị như những năm qua), trả tiền cho các đơn vị dựa trên số lượng lục bình đã xử lý được. Bên cạnh đó, phải có biện pháp vớt lục bình sớm từ mùa mưa, phải ngăn lục bình từ các suối chảy ra sông.
Tuy nhiên, ông Xuân cũng cho rằng hiện người dân vẫn phải sống chung với lục bình vì “nếu không có lục bình, sông còn ô nhiễm hơn và tình trạng sạt lở bờ sông diễn ra mạnh hơn. Giải pháp căn cơ là các nhà máy phải xử lý nước xả đạt loại A trước khi xả ra môi trường, phải có nhà máy xử lý cả nước thải sinh hoạt nhưng chặng đường đó còn xa lắm”.
NGUYỄN HOÀNG
TP.HCM : Cắt lục bình là nhiệm vụ cấp bách Tháng 6-2014 là thời hạn mà UBND TP đề nghị Trường ĐH Công nghiệp TP chế tạo máy cắt, vớt lục bình, cỏ rong để đưa vào sử dụng. Trong năm 2013, Sở NN&PTNN TP xác định lục bình xuất hiện dày đặc trên 25 tuyến sông, kênh rạch lớn của TP. Ghi nhận của Pháp Luật TP.HCM thì tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè có lượng lục bình khá cao. Lục bình đổ dồn sâu vào tận thượng nguồn, phủ kín đoạn kênh hai bên cầu số 1 (quận Tân Bình). Tình trạng lục bình phát triển dày đặc làm cho kênh rạch của TP bị ô nhiễm, muỗi phát sinh nhiều. Phó Chủ tịch UBND TP Lê Thanh Liêm chỉ đạo trong thông báo gửi cho các đơn vị liên quan công tác cắt vớt lục bình, cỏ rong đã nhấn mạnh: “Các sở ngành, quận huyện phải xác định đây là nhiệm vụ cấp bách!” . MINH PHONG |