Con nghỉ hè sớm vì dịch COVID-19 khiến nhiều phụ huynh phải đưa con đến nơi làm việc, gửi con ở cô trông trẻ, thậm chí gửi con về quê. Với những phụ huynh không phải đi làm do đặc thù công việc, việc trông con cũng gặp nhiều khó khăn khi dịch bùng phát trở lại.
Đôn đáo tìm chỗ gửi con
Chị Nguyễn Minh Thư (37 tuổi, quận Gò Vấp) có con đang học mầm non. Năm ngoái, khi dịch COVID-19 bùng lên ở TP.HCM, chị Thư đã phải đưa con đến nơi làm việc để tiện trông con.
"Nhưng việc chăm con tại cơ quan đã ảnh hưởng đến năng suất làm việc. Rồi con cũng không có không gian chơi, ăn uống cũng không đầy đủ, lại phải nghỉ ngơi theo giờ làm việc của mẹ nên cũng không ổn cho bé. Mẹ cũng đau đầu theo vì phải loay hoay vừa làm việc vừa để mắt đến con. Nên năm nay, tôi phải tìm cô giữ trẻ để gửi bé", chị Thư tâm sự.
Chị Thư cho biết mỗi tháng, chị mất 4 triệu đồng tiền trông con, trong khi đi học ở trường chỉ tốn tầm 1,7 triệu. Chị chia sẻ: "Với đồng lương một tháng chỉ 5,7 triệu mà gửi con 4 triệu thì đúng khóc ròng. Tình hình dịch đã khó khăn đủ bề, mà xoay sở gửi con nữa thì đúng là khó chồng thêm khó".
Mất nhiều tiền hơn nhưng con không được phát triển toàn diện vì trông trẻ tại nhà, không có những bài học phát triển trí tuệ, năng khiếu như ở trường mẫu giáo. Thấy con giảm năng động hơn so với đi học ở trường, chị Thư đã phải mua đồ chơi, sách kỹ năng sống cho trẻ và dạy cho con khi ở nhà. Mỗi buổi tối và ngày cuối tuần, chị đều dành thời gian để dạy con.
Chị Nguyễn Thị Huyền (30 tuổi, Gò Vấp) có con học mẫu giáo, cũng phải "lao đao" vì không tìm được nơi gửi con. Chị đưa con đến cơ quan, để con ngồi chơi ở bên cạnh, vừa trông con vừa làm việc.
Mẹ đưa con đến cơ quan, vừa trông con vừa làm việc. Ảnh: KHÁNH CHI
Giống như chị Thư, chị Huyền cũng gặp nhiều khó khăn khi luôn để mắt đến con trong lúc làm việc vì sợ con làm ồn ảnh hưởng đến đồng nghiệp. Tranh thủ thời gian nghỉ trưa, chị phải dỗ để con ăn và cho con ngủ. Con vừa ngủ xong, mẹ chưa kịp chợp mắt thì thời gian làm việc buổi chiều đã bắt đầu.
Chị Nguyễn Thị Lành (30 tuổi, quận Tân Bình) chọn cách xin nghỉ phép ở nơi làm việc để đưa con về quê nghỉ hè để tránh dịch. Sau khi hết ngày phép, chị sẽ trở lại làm việc và gửi con cho ông bà ở quê chăm bé. Trong đợt dịch trước, chị cũng phải gửi con về quê vì không tìm được người trông trẻ ở thành phố.
Mẹ học cùng con
Dịch COVID-19 bùng phát trở lại khiến nhiều trung tâm dạy thêm phải chuyển sang dạy trực tuyến, nhiều phụ huynh đã học cùng con ở nhà.
Vì có thể làm việc tại nhà nên chị Nguyễn Thị Hoài Nam (36 tuổi, TP Thủ Đức) không phải gửi con. Thay vào đó, chị có thể dành thời gian nhiều hơn cho con mỗi ngày. Tuy nhiên, điều này cũng ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của hai mẹ con. Thay vì đi bơi ở hồ bơi chung cư, thư viện để đọc sách, mẹ con chị đã lựa chọn đi bộ ở công viên và đọc sách tại nhà.
Mặc dù gặp rắc rối trong việc cài đặt và sử dụng phần mềm học tập cho con, nhưng chị Nam vẫn học cùng con như một người bạn. "Bé còn nhỏ nên việc học trực tuyến không hiệu quả lắm, chủ yếu là để bé tiếp cận làm quen với hình thức này", chị cho biết.
Vợ chồng chị Nguyễn Thị Dịu (33 tuổi, Tân Bình) cũng học bài cùng con vào buổi tối để bé không bỡ ngỡ khi vào lớp 1. Chị chia sẻ: "Trường mẫu giáo cho học sinh nghỉ học ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt của gia đình tôi. Vợ chồng tôi đều phải đi làm nên hai con nhỏ đều do ông bà nội chăm sóc. Ông bà đã lớn tuổi nên khá vất vả. Với bé nhỏ đang học lớp mầm, năm đầu tiên đi học cũng là năm bùng dịch nên khá khó khăn với bé".
Gia đình chị hạn chế tối đa việc đi ăn ở ngoài hoặc đi chơi ở khu vui chơi giải trí để đảm bảo sức khỏe. Tuy nhiên, để các bé có không gian vận động, chị vẫn đưa các con đến chơi ở công viên gần nhà với điều kiện đảm bảo nguyên tắc 5K của Bộ Y tế.