Tôi giật mình, những từ cháu tôi nói thường vợ chồng anh T. hàng xóm của con dâu tôi hay dùng. Gia đình này hay cãi nhau, mỗi lần như thế họ hay mạt sát nhau.
Lần khác, cháu tôi xin ra quán net và tôi bắt gặp cháu đang xem phim bạo lực đánh đấm, chửi nhau theo kiểu xã hội đen. Tôi có người bà con ở Gia Lai, vợ chồng chú ấy không biết bất đồng với hàng xóm chuyện gì mà hai nhà chửi nhau không chừa một ngôn từ nào, cả xóm kéo nhau đứng xem, trẻ em càng tò mò hiếu kỳ.
Tôi nghiệm ra nhiều điều. Người lớn chúng ta hay la cà quán xá ăn nhậu, gây nhau bằng những ngôn từ nặng nề, hoặc tán phét cũng mào đầu bằng tiếng chửi, trẻ nghe được và bắt chước ngay, chưa nói đến là do phim ảnh bạo lực lan truyền, game tiêu cực mà chúng ta đang dễ dãi cho con cháu tiếp xúc, làm sao ta giáo dục trẻ tốt lên được! Nếu sự giáo dục của gia đình lơ là, đại khái thì trẻ nhiễm thói xấu ở ngoài xã hội là điều không thể tránh khỏi. Nếu người lớn hành xử thiếu trách nhiệm, thiếu văn hóa thì đó là mầm mống gây tính cách xấu cho lớp trẻ.
Chúng ta phải có trách nhiệm thì lớp trẻ mới noi theo, bắt đầu từ cách giao tiếp, ăn nói. Không thể muốn nói gì nói, muốn làm gì làm, bởi ta không thể nào dạy con cháu mình lễ phép, dạ thưa trong khi bản thân mình cục súc, thô tục.
VIẾT TUẤN (Ngô Tất Tố, quận Bình Thạnh, TP.HCM)
Trước đây những lời nói thô tục, văng bậy hầu như chỉ xuất hiện ở những người được cho là “ít học” nhưng giờ đây nó đã tràn lan ở khắp nơi. Mỗi buổi chiều khi đón đứa con trai đang học lớp 7 tan trường về, tôi đều nghe thấy những tiếng chửi của các vị phụ huynh, phần nhiều là các ông bố mỗi khi họ vô tình va chạm nhau. Những lời lẽ ấy đôi khi còn được phát ra từ các quý ông chân đi giày tây, quần tây, áo sơ mi đóng thùng rất lịch sự. Họ văng tục mà không quan tâm là mình đang ở cổng trường và có nhiều học sinh, kể cả con cái mình nghe thấy.
Cả khi dừng chờ đèn đỏ ở các ngã tư, ngồi trong quán cà phê, nhà chờ xe buýt hay ngồi trên xe buýt, tôi đều dễ dàng nghe thấy tiếng chửi. Hôm nọ tôi đang ngồi uống cà phê với đồng nghiệp, một thanh niên ăn mặc bảnh bao bước xuống từ chiếc xế hộp đi vào quán, vừa ngồi xuống, câu đầu tiên anh ta nói với bạn là một từ khá thô lỗ. Có bữa phải đi làm bằng xe buýt, tôi nghe hàng loạt câu nói tục của một nhóm học sinh cả nam lẫn nữ mặc đồng phục học sinh THCS, đang bàn luận về một bộ phim nào đó sắp ra rạp. Tôi cảm thấy lo lắng cho đứa con trai 13 tuổi của mình, biết đâu ra ngoài con cũng như thế dù tôi vẫn rất quan tâm nhắc nhở.
THÚY VI (Nguyễn Thị Thập, quận 7, TP.HCM)