Người đàn ông tóc tai bù xù, mặt vẫn còn lấm lem khói than từ đám cháy xảy ra vào ngày 26-2-2017 tại một ngôi nhà trong hẻm đường 14, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, kể chuyện: “Lúc thấy 5, 6 xe chữa cháy tới (tui và người nhà không gọi, là hàng xóm gọi) mà tui hết hồn. Nghe bảo mỗi xe tới là mấy triệu, tính đầu xe để trả tiền”.
Không có chuyện đếm xe chữa cháy thu tiền của dân! (Ảnh minh họa: Phi Hùng/PLO)
Ở vụ cháy này, ngay khi phát hiện cháy, mọi người đã dùng đá phá cửa sổ tạt nước, dùng bình chữa cháy tại chỗ dập được lửa. Do hẻm nhỏ nên khi lực lượng PCCC chuyên nghiệp phun nước vào đám cháy thì lửa đã gần tàn.
Chưa kịp mừng vì may mắn vì dập kịp lửa không để cháy lan, người chủ nhà lại méo xệch khi thấy có 5, 6 xe chữa cháy tới dập lửa bởi ông nghe người ta bảo mỗi xe tới là mấy triệu đồng, phải tính đầu xe chữa cháy để trả tiền.
Đó không chỉ là câu chuyện của chủ nhà này mà rất nhiều người dân khi nhà mình không may xảy ra hỏa hoạn cũng thắc mắc về việc liệu họ có phải chi trả chi phí chữa cháy của cơ quan chức năng hay không.
Trung tá Lê Mạnh Hà - Phó Trưởng phòng Pháp chế điều tra xử lý cháy nổ (Cảnh sát PC&CC TP.HCM)
Trao đổi với Trung tá Lê Mạnh Hà - Phó Trưởng phòng Pháp chế điều tra xử lý cháy, nổ (Cảnh sát PC&CC TP.HCM) về câu chuyện này, ông Hà khẳng định không có chuyện đếm xe chữa cháy bắt dân trả tiền.
“Chi phí chữa cháy hiện nay do nguồn ngân sách nhà nước chi trả. Mỗi lần xuất xe rất tốn kém: xăng dầu, nhân lực… nhưng không thể vì vậy mà đè cổ bắt dân trả. Không có chuyện đếm xe chữa cháy thu tiền của dân. Trường hợp lợi dụng lúc người nhà hoang mang, giả danh tới vòi vĩnh, đòi tiền, người dân nên gọi báo ngay 114 hoặc gọi công an, cảnh sát khu vực. Nếu thu tiền phải có hóa đơn chứng từ, có quyết định chứ không thể tới không được”.
Có cháy nổ gọi ngay 114
“Cái quan trọng là lực lượng chữa cháy tại chỗ khi mới phát hiện có cháy thì chữa cháy mới có hiệu quả. Khi có cháy xảy ra phải gọi ngay 114 đồng thời báo cho mọi người biết, sử dụng phương tiện tại chỗ dập tắt đám cháy ngay từ ban đầu. Việc chữa cháy không được mới gọi cho chúng tôi là rất nguy hiểm. Một bộ phận không nhỏ người dân có tư tưởng: báo cho lực lượng chữa cháy sẽ bị gây khó khăn, phiền hà, hiểu vậy là sai. Chúng tôi đến nơi, thấy đám cháy đã được lực lượng chữa cháy tại chỗ dập tắt thì đó là niềm vui, hạnh phúc vô cùng vì phong trào toàn dân phòng cháy đã có hiệu quả thiết thực. Đâu phải cháy xảy ra là phạt, phải làm theo quy định pháp luật, cháy đâu ai muốn xảy ra!”. (Đại tá Vũ Văn Bổn, Trưởng phòng pháp chế điều tra - xử lý về cháy, nổ). |