Ngày 18-11, trong phiên chất vấn Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã đặt nhiều câu hỏi về tình trạng trả hồ sơ điều tra bổ sung trong án hình sự còn nhiều (đặc biệt đối với án kinh tế, tham nhũng). Ngoài ra là vấn đề vì sao tỉ lệ giải quyết án hành chính thấp, các giải pháp nâng cao chất lượng xét xử...
Trả hồ sơ 2.000 vụ án
ĐBQH Nguyễn Văn Chiến (Đoàn TP Hà Nội), Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư (LS) Việt Nam, nêu thực trạng trả hồ sơ điều tra bổ sung trong hình sự hay hủy án trong dân sự không ít. “Điều này phản ánh hiện trạng vi phạm tố tụng, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân cũng như sai lầm về nghiệp vụ trong xét xử không mấy thay đổi. Xin Chánh án cho biết trách nhiệm của ngành và biện pháp giải cứu” - LS Chiến hỏi.
Trả lời, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết năm 2017, ngành tòa án đã trả điều tra bổ sung hơn 2.000 vụ án. “Việc trả điều tra bổ sung là cần thiết, khi thấy không đủ chứng cứ chứng minh tội phạm và xét thấy bỏ lọt tội phạm, có dấu hiệu làm oan. Đây là một chế định luật cho phép” - ông Bình nói. Trong năm 2017 có 145 vụ trả điều tra bổ sung nhiều lần, trong đó trả từ hai lần trở lên là hơn 100 vụ, bốn lần là 20 vụ, năm lần là chín vụ.
Theo ông Bình, nguyên nhân đầu tiên do chất lượng điều tra của vụ án có vấn đề và cũng có những thẩm phán không tuân thủ pháp luật, có việc nể nang, thiếu bản lĩnh trong tuyên án. Về giải pháp, theo Chánh án, không có cách nào khác là các cơ quan điều tra, truy tố phải nâng cao chất lượng của vụ án ở giai đoạn điều tra, truy tố. “Đối với tòa án, một mặt chúng tôi quán triệt cho các thẩm phán phải tuân thủ các quy định của pháp luật, không được trả quá nhiều lần theo quy định của luật. Trong điều kiện không đủ yếu tố kết tội thì buộc phải tuyên là không đủ yếu tố kết tội” - Chánh án khẳng định.
Ông Nguyễn Hòa Bình và ông Lê Minh Trí đang trả lời trước Quốc hội. Ảnh: ĐM
Sẽ biệt phái kiểm sát viên ở cấp tối cao, cấp cao
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu ra bốn hạn chế lớn khi xử lý các vụ án tham nhũng kinh tế. Việc xử lý kéo dài, vi phạm thời hạn điều tra, truy tố, xét xử, có vụ khởi tố từ năm 2014 đến nay chưa kết thúc. Đối với hạn chế về chất lượng, tỉ lệ án trả hồ sơ điều tra bổ sung rất cao (cao nhất trong tất cả loại án), đặc biệt là những vụ án do CQĐT cấp trung ương điều tra và VKSND Tối cao kiểm sát điều tra. Bà Nga dẫn chứng năm 2017, tỉ lệ này là 71,1%.
Cạnh đó, có những vụ mà kết quả xét xử sơ thẩm chưa nhận được sự đồng tình cao của dư luận. Việc xác định tội danh và chuyển tội danh chưa ổn, cụ thể là từ tội tham nhũng sang tội kinh tế ngay từ giai đoạn điều tra, nhất là chuyển từ tội tham ô sang tội cố ý làm trái. Bà Nga đề nghị lãnh đạo các cơ quan tố tụng cho biết nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp khắc phục.
Trước thực trạng án tham nhũng - chức vụ hiện nay bị kéo dài, trả hồ sơ nhiều lần, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí thừa nhận có phần do “trách nhiệm của các cơ quan tố tụng, trong đó có ngành kiểm sát”.
Xét về nguyên nhân chủ quan, ông Trí cho rằng có tâm lý sợ oan sai, đặc biệt là trách nhiệm bồi thường nên có tâm lý cầu toàn trong điều tra, đánh giá chứng cứ. Từ đó dẫn đến việc trả hồ sơ nhiều lần để yêu cầu điều tra bổ sung với quan niệm trả hồ sơ để yêu cầu giải quyết triệt để vụ án nhằm an toàn về trách nhiệm của mình.
Cũng theo ông Trí, sự phối hợp chưa tốt của các cơ quan tiến hành tố tụng ở từng cấp tố tụng cũng là một nguyên nhân, đặc biệt là các vụ án do VKSND Tối cao ủy quyền công tố. “Chúng tôi đang nghiên cứu phương án biệt phái kiểm sát viên ở cấp tối cao, cấp cao về để tham gia các vụ án được phân công về địa phương xét xử, để nắm chắc nội dung vụ án, đảm bảo được tranh tụng ở phiên tòa thuyết phục và đảm bảo chất lượng xét xử. Bởi vì có những hồ sơ hàng chục ngàn trang, kiểm sát viên ở địa phương trong vòng hai tháng không tài nào tiếp cận nổi...” - ông Trí cho hay.
Thẩm phán “né” chính quyền
Trong phiên chất vấn, nhiều ĐBQH đã nêu ra những hạn chế lớn của án hành chính hiện nay. Đáng chú ý là thẩm phán còn nể nang, ngại va chạm với chính quyền cho nên có những trường hợp thiếu khách quan và chưa công minh khi đánh giá chứng cứ; tỉ lệ án hủy, cải, sửa cao và án xử không thi hành được.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho hay án hành chính có tỉ lệ giải quyết thấp (mặt bằng chung giải quyết án là 91%, riêng án hành chính là 70%); tỉ lệ hủy, sửa cao, hủy, sửa do lỗi chủ quan của án hành chính là 3,3%.
Ông Bình nêu ra nguyên nhân khách quan: “Đã đến lúc chúng ta cũng phải xem xét lại quy định. Khi các chủ tịch UBND không có mặt, tòa buộc phải hoãn phiên tòa và hoãn hoài như thế là hình ảnh rất xấu. Nếu né hoài thì rất dở, nhưng có mặt hoài thì sẽ không có thời gian để giải quyết công việc khác”. Về nguyên nhân chủ quan, Chánh án cho rằng thông thường các thẩm phán “né, ngại va chạm chính quyền nên xử cũng né, bản lĩnh chưa cao”.
Xử lý nghiêm việc không thi hành án hành chính Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị Thủ tướng cho biết hướng xử lý đối với các UBND, chủ tịch UBND không thi hành 85 vụ việc trong bản án hành chính của tòa án đã có hiệu lực pháp luật trong năm 2017. Trả lời chất vấn chiều 18-11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định quan điểm của Chính phủ là lời nói đi liền với hành động, nói đi đôi với việc làm, bảo đảm kỷ cương phép nước. “Trên tinh thần đó, tôi đã yêu cầu chủ tịch UBND các cấp chấp hành nghiêm các bản án hành chính có hiệu lực pháp luật. Tôi đề nghị phải thực hiện ngay, cấp nào không thực hiện phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ. Tôi đã giao cho bộ trưởng Bộ Tư pháp là cơ quan được giao quản lý nhà nước về việc này, báo cáo Chính phủ trước 20-12-2017 về 85 vụ việc này, sau đó chúng tôi sẽ xử lý nghiêm” - Thủ tướng nói. |