NHỮNG “ÔNG NGHỊ” CỦA DÂN - BÀI 6

Không muốn làm “nghị gật”

Mới 40 tuổi, ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Vườn quốc gia Lò Gò, huyện Xa Mát, Tây Ninh, đã trải qua hai nhiệm kỳ đại biểu Quốc hội (ĐBQH), một nhiệm kỳ đại biểu HĐND tỉnh Tây Ninh. Tại các phiên thảo luận và chất vấn tại hội trường QH, đại biểu Xuân được giới báo chí “săn” nhiều nhất. Là thạc sĩ về lĩnh vực môi trường, ông luôn xộc vào các điểm “nóng” về lĩnh vực tài nguyên-môi trường mà cử tri quan tâm như dự án bauxite Tây Nguyên, các dự án thủy điện, vấn đề cho người nước ngoài thuê rừng.

Quan tâm đến người yếu thế

Khi gia đình phạm nhân Nguyễn Tiến Tùng (ngụ Tây Ninh) kêu oan rằng Tùng mua bán thuốc hướng thần nhưng lại bị xử tù chung thân về tội mua bán trái phép chất ma túy, đại biểu Xuân đã thận trọng lắng nghe, tìm hiểu. Ông tham khảo ý kiến nhiều chuyên gia pháp luật và họ nhận định quá trình giải quyết xét xử có dấu hiệu oan sai. Ông đã nhiều lần kiến nghị, chất vấn chánh án TAND Tối cao, VKSND Tối cao xem xét giám đốc thẩm vụ án trên. Cuối cùng, sau ba năm ông đeo đuổi, phạm nhân Tùng đã được trả tự do.

“Đây là lời cam kết với cử tri, tôi sẽ dành nhiều thời gian, công sức để quan tâm đến các đối tượng yếu thế trong xã hội, bao gồm những người nghèo, những người bị oan sai, anh Tùng là một trường hợp cụ thể. Qua trường hợp anh Tùng, tôi được biết còn nhiều phạm nhân tương tự đang thụ án vẫn chưa được giải quyết, đó là một trong những trăn trở của tôi trong hai nhiệm kỳ vừa qua. Đây không chỉ là vụ án cụ thể mà vấn đề rút ra từ vụ án là vận dụng pháp luật không đúng, gây oan sai cho nhiều người và cơ chế sửa sai. Tôi đã có nhiều kiến nghị gửi TAND Tối cao, VKSND Tối cao giải quyết, trả tự do cho các phạm nhân mua bán thuốc hướng thần nhưng bị xử tội mua bán trái phép chất ma túy (như vụ án bà Trần Thị Nhàn ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM vẫn đang phải thụ án 10 năm tù giam). Vấn đề này các cơ quan có thẩm quyền cam kết giải quyết nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết mà lẽ ra chỉ cần vài tháng là xong vì tương tự vụ anh Tùng. Tất cả kiến nghị của tôi về vấn đề này đều được lưu trữ ở QH, tôi hy vọng các ĐBQH khóa XIII sẽ tiếp tục kiến nghị để cơ quan có thẩm quyền giải quyết, trả lại sự công bằng cho người dân.

Không muốn làm “nghị gật” ảnh 1

Đại biểu Nguyễn Đình Xuân phát biểu tại hội trường Quốc hội.

Tôi không cực đoan

Ở các kỳ họp QH, ông thường kiến nghị, chất vấn lĩnh vực tài nguyên-môi trường. Trong dự án bauxite Tây Nguyên, cách tiếp cận của ông nhẹ nhàng nhưng vẫn thể hiện quan điểm đây là dự án tầm quốc gia.

Cụ thể ông nói: tôi không phản biện một cách “cực đoan” là không triển khai mà tôi chỉ yêu cầu thận trọng trước khi tiến hành, về mặt chủ trương thì tôi không phản đối, chúng ta có tài nguyên thì có quyền khai thác. Điều tôi quan tâm là khai thác như thế nào, lúc nào khai thác, công nghệ ra sao, những biện pháp bảo vệ môi trường tiếp theo và vấn đề pháp lý của nó thì xin được bàn bạc thật kỹ. Tôi đồng tình với ý kiến của nhiều đại biểu là dự án này là công trình quan trọng quốc gia, cần phải đưa ra QH bàn bạc. Không phải QH bàn bạc tốt hơn Chính phủ bàn bạc mà việc đưa ra QH có nghĩa là đưa ra nhân dân và khi QH quyết thì đạt được sự đồng thuận cao. Các dự án Dung Quất, thủy điện Sơn La, khi QH đã quyết, có những giải pháp đặc biệt thì công trình sẽ đẩy nhanh được tiến độ và tiến hành thuận lợi.

Một vấn đề khác, ngày 11-6-2010, tại kỳ họp thứ 7, QH khóa 12, liên quan vấn đề cho người nước ngoài thuê rừng, ông đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm Bộ trưởng Cao Đức Phát. Có ý kiến cho rằng đó là phát biểu gây “sốc” và “cực đoan” khác với cách phát biểu thường thấy ở ông.

Ông tâm sự: Qua phát biểu của bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh, tôi thấy bộ trưởng Bộ NN&PTNT là tư lệnh lĩnh vực này nhưng hoàn toàn bị động và đưa ra những con số không chính xác. Nếu dư luận không phát hiện kịp thời, đương nhiên việc cho thuê sẽ diễn ra suôn sẻ. Đấy là do dư luận lên tiếng, do QH lên tiếng thì Chính phủ mới đình chỉ lại hoạt động này. Các tỉnh dự kiến cho công ty nước ngoài thuê gần 400.000 ha, bằng diện tích một tỉnh mà ở trên vẫn chưa biết thì trách nhiệm trong quản lý ngành, lĩnh vực của bộ trưởng tới đâu? Hơn nữa, các thông tư hướng dẫn chuyển đổi đất rừng nghèo sang trồng cao su và một số văn bản khác vẫn còn hiệu lực cho đến ngày nay đã tạo điều kiện cho việc phá rừng tự nhiên, thu hồi rừng đã giao cho các tổ chức, cá nhân để giao cho các công ty trồng cao su mà không cần bồi thường. Việc này tôi đã gửi đến cả Bộ Tư pháp và nhận được văn bản trả lời rằng việc thu hồi rừng đã giao mà không bồi thường là sai nhưng lúc đấy vẫn chưa được khắc phục…

Không muốn làm “nghị gật” ảnh 2

PV (trái) trao đổi với cha phạm nhân Nguyễn Tiến Tùng (giữa) và đại biểu Xuân.

Việc đề nghị xem xét tín nhiệm bộ trưởng Bộ NN&PTNT tuy có hơi gay gắt nhưng cũng tương xứng với sự bất bình của dư luận và cử tri. Tôi luôn đề cao trách nhiệm cá nhân trong bất kỳ hoạt động nào của Nhà nước. Không riêng trường hợp bộ trưởng, nhiều lần tôi đề nghị xem xét trách nhiệm các “quan chức” ở địa phương để xảy ra mất rừng hay làm thất thoát tài nguyên của đất nước.

Không thể không bày tỏ quan điểm

Khi chúng tôi đặt câu hỏi: Thường xộc vào các vấn đề nóng, có nhiều kiến nghị, phát biểu gay gắt, truy xét trách nhiệm quan chức, ông nói thật là có bao giờ bị ai đó “tuýt còi” chưa?

Ông cười đáp: Việc “tuýt còi” một cách chính thức thì chưa có. Nhưng về mặt cá nhân, tình cảm, trong các cuộc “trà dư tửu hậu” thì cũng có nhiều người lo ngại cho tôi là có phải bị trả giá không, có bị trù dập không? Có người thì khuyên tôi nên khéo léo, thận trọng và tránh gây mất lòng người khác.

Có thể thấy, là ĐBQH, thay mặt cử tri, Nguyễn Đình Xuân luôn bày tỏ quan điểm vì ông cho rằng: Cử tri không bỏ phiếu cho những ĐBQH đến kỳ họp chỉ im lặng, gật gù, cần phải làm sao để xứng với lòng tin mà hàng trăm ngàn cử tri đã dành cho.

TRUNG DUNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm