Theo ông Thống, con số hơn 34.000 tỉ đồng sẽ dành để chi phí cho biên soạn sách giáo khoa (SGK) khoảng 5.000 tỉ đồng, còn lại hơn 29.000 tỉ đồng cho những việc khác như bồi dưỡng, đào tạo lại hàng triệu giáo viên tại 35.000 trường trên toàn quốc. Tuy nhiên, đây chỉ là con số khái toán ban đầu của một đề án đang xin ý kiến của nhiều đơn vị có liên quan, còn trải qua khâu thẩm định của Bộ Tài chính, thẩm tra của Quốc hội (QH). Ông Thống nhấn mạnh: “Đề án đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông lần này có những đổi mới căn bản như chuyển từ cách tiếp cận nội dung sang cách dạy học hình thành năng lực và phẩm chất, không chỉ rao giảng kiến thức mà phải cho học sinh thực hành vận dụng trong thực tiễn. Vì vậy mục tiêu chúng tôi đưa ra khi soạn thảo đề án này là phải xây dựng được một bộ sách, chương trình phù hợp với hội nhập quốc tế”.
“Nghị quyết phải súc tích”!
. Phóng viên: Chính vì số tiền khủng dành cho những đổi mới đó không cụ thể mà dư luận mấy ngày nay đang rất sốc và băn khoăn vì tính khả thi của đề án. Là thành viên của đề án, ông nói sao?
. Có ý kiến cho rằng ban soạn thảo đề án mang tính ngụy biện bởi không thừa nhận khâu chuẩn bị quá sơ sài bằng vài trang giấy để báo cáo trước Thường vụ QH?
+ Đâu, tôi có bảo sơ suất đâu. Đấy là do các bạn hiểu như vậy đấy chứ. Trong quá trình chuẩn bị đề án đổi mới giáo dục toàn diện cũng như đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, chúng tôi đã tổ chức nghiên cứu hệ thống giáo dục phổ thông nằm trong hệ thống giáo dục quốc dân hiện nay như thế nào. Đặc biệt, chúng tôi đã kết hợp với Viện Khoa học giáo dục nghiên cứu, tìm hiểu những vấn đề đó khi đề xuất đề án đổi mới giáo dục toàn diện. Bộ Chính trị cũng như Chính phủ đã ra nghị quyết, trong đó có câu “trước mắt giữ nguyên hệ thống giáo dục phổ thông như hiện nay” (có nghĩa giáo dục phổ thông vẫn là 12 năm học) và đánh giá lại hiện trạng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học trong các trường học. Nhận thức được điều này, chúng tôi đã tiến hành đổi mới cơ bản bằng cách tận dụng những trang thiết bị sẵn có, chỉ bổ sung những trang thiết bị thiết thực, tránh tình trạng đầu tư quá nhiều.
Còn về câu chuyện nghị quyết để báo cáo trước Ủy ban Thường vụ QH mới đây quá mỏng, theo tôi nghị quyết phải cô đọng, súc tích nên không thể nói hết (chi tiết) toàn bộ nội dung đề án được.
Đổi mới SGK quan trọng nhất là… cách dạy!
. Vậy sau khi đề án đổi mới chương trình, SGK được áp dụng, học sinh sẽ được gì, thưa ông?
+ Chúng tôi chuyển cách tiếp cận nội dung chuyển sang cách dạy học hình thành năng lực phẩm chất. Có nghĩa thay đổi yêu cầu học sinh không chỉ biết kiến thức mà còn biết vận dụng kiến thức đó để làm gì. Do đó dẫn đến cách dạy học của giáo viên cũng phải thay đổi. Thầy cô giáo không chỉ rao giảng kiến thức mà còn phải cho các em thực hành vào từng tình huống cụ thể. Với những mục tiêu cơ bản đó, ban đổi mới bàn luận sẽ không đưa nhiều kiến thức mới quá nặng, quá cao so với yêu cầu của học sinh phổ thông mà tăng cường thời gian thực hành nhiều hơn.
Và trong đề án đổi mới chương trình, SGK lần này, quan trọng nhất không phải đổi mới nội dung mà đổi mới cách dạy (phương pháp) và cách học (tiếp thu) của học sinh.
. Có thể hiểu Bộ GD&ĐT mong muốn cấu trúc lại hệ thống giáo dục Việt Nam. Vậy so với đề án đổi mới chương trình toàn diện có giá trị hơn 70.000 tỉ đồng Bộ trình năm 2011 thì đề án lần này có điểm mới mang tính đột phá không, thưa ông?
+ Nếu kể chi tiết ra ở đây thì có nhiều lắm, nói không hết. Song, bạn chỉ cần hiểu rằng chương trình giáo dục từ năm 2000 đến nay đã có rất nhiều thay đổi. 14 năm trôi qua, chương trình dù có tốt đến đâu cũng chậm, huống chi chưa kể còn nhiều bất cập đi kèm với nó. Lần này, trước khi xây dựng đề án, chúng tôi đã phải khảo sát, đánh giá lại hiện trạng chất lượng dạy học, trong đó có thiết bị, có phòng thí nghiệm. Đổi mới chương trình này cũng dựa trên tinh thần tận dụng trang thiết bị hiện có, chỉ bổ sung những thứ thật sự thiết thực, tăng cường công nghệ thông tin. Ngoài ra còn hàng loạt vấn đề, cách lựa chọn các đơn vị kiến thức phải thay đổi, không đưa nội dung quá nặng, quá cao so với yêu cầu học vấn phổ thông mà tăng cường thời gian thực hành, luyện tập, tăng cường vận dụng kiến thức. Kiểm tra, đánh giá cũng phải thay đổi và về việc này, Bộ GD&ĐT đã triển khai theo lộ trình. Điểm mới nữa là chương trình được thực hiện theo mạch xuyên suốt các môn học từ lớp 1 đến lớp 12. Đây chính là kinh nghiệm mà ban đổi mới chương trình, SGK đã học tập của nhiều nước trên thế giới. Kết quả nhằm hạn chế chuyện kiến thức trùng lặp, dẫm đạp lên nhau, thiếu liên thông mà chương trình hiện hành đang mắc phải. Rồi do yêu cầu tích hợp, cách thiết kế chương trình và tổ chức biên soạn SGK mới cũng sẽ có sự thay đổi lớn với nguyên tắc: Tích hợp cao ở lớp và cấp học dưới; tự chọn và phân hóa cao ở lớp và cấp học trên. Chương trình này cho phép lựa chọn có chủ đích trong khối kiến thức rất lớn, rất phong phú của những lĩnh vực khoa học những nội dung phù hợp với lứa tuổi (tâm lý, kỹ năng, nhận thức…) của học sinh phổ thông, gần với cuộc sống, thiết thực tham gia vào quá trình hình thành phẩm chất và năng lực của người lao động mới. Căn cứ vào tình hình thực tiễn, tiếp thu kinh nghiệm thế giới, kỳ thi tốt nghiệp cũng không còn tình trạng phân ban mà học sinh được tự chọn môn thi (3-4 môn là tối đa).
“Không có mờ ám về tài chính”
. Có ý kiến cho rằng không ai làm đề án với kinh phí trên 34.000 tỉ đồng mà không rõ hạng mục quan trọng nhất là biên soạn SGK, năm 2011 thì nói 960 tỉ đồng, cách đây ít ngày thì nói 5.000 tỉ đồng và hôm qua chỉ nói 105 tỉ đồng. Chưa bao giờ thấy một đề án mà hạng mục quan trọng nhất chỉ chiếm 0,29% kinh phí như thế này?
+ Tôi đã nói rồi, đây chỉ là vòng sơ khảo của một đề án mới có nhiều hạng mục được xây dựng, cần được đóng góp, lấy ý kiến của rất nhiều bộ, ngành liên quan. Tôi vẫn hay nói đùa với nhiều đồng nghiệp, chúng tôi đang bảo vệ thử một luận án. Theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ QH, ngày 25-4 này sẽ chính thức thẩm định lại hồ sơ đề án đó (hiện nay có thể coi là bản nháp). Sau đó dựa trên cơ sở thẩm định này, ủy ban sẽ xem xét, nếu đạt điều kiện thì mới được trình trước QH vào tháng 5 tới.
. Thế nhưng công bố một con số cụ thể là hơn 34.000 tỉ đồng để lấy ý kiến nhưng nội dung lại không chi tiết, công khai. Những người muốn đóng góp cần phải hiểu như thế nào? Dư luận cho rằng Bộ GD&ĐT muốn công khai mục đích đề án nhưng lại “mờ ám” cách “tiêu tiền”?
+ Thì đề án bao giờ cũng có nhiều đề mục với từng mức kinh phí. Lần này, song song với đề án đổi mới chương trình, SGK thì Chính phủ cũng yêu cầu Bộ nghiên cứu tiếp đề án nâng cấp cơ sở vật chất và đề án đào tạo giáo viên, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo. Đây cũng chính là việc làm để đảm bảo tính khả thi cho đề án đổi mới chương trình, SGK. Tôi cũng xin nói thêm, một đề án giáo dục đưa ra một con số chính xác là rất khó trong bối cảnh hiện nay.
Chúng tôi không hề giấu diếm, không mờ ám về tài chính bởi đây mới chỉ là hạch toán sơ bộ. Sau này còn có nhiều cơ quan khác thẩm tra nữa. Tất cả sẽ được công khai, minh bạch. Tuy nhiên, trong bối cảnh này nói ra một con số chính xác là rất khó bởi chỉ cần hai năm nữa, xã hội này thay đổi như thế nào có ai hình dung được không, huống chi 10 năm sau, chương trình, SGK mới chính thức được đổi mới.
. 14 năm trước ta đã từng đổi mới chương trình, SGK và lần này tiếp tục đổi mới. Vậy số tiền hàng ngàn tỉ đồng đã được sử dụng trong lần đổi mới chương trình, SGK trước liệu có thể coi là đã bị lãng phí không, thưa ông?
+ Không hề lãng phí bởi chương trình và SGK hiện hành đã cơ bản đáp ứng được những yêu cầu của Nghị quyết 40 QH khóa X năm 2000, đáp ứng được mục tiêu của giáo dục phổ thông ghi trong Luật Giáo dục và năng lực học sinh Việt Nam. Điều này đã được quốc tế xác nhận qua kết quả đánh giá học sinh tiểu học (chương trình PASEC) và học sinh trung học (chương trình PISA) năm 2012.
Tuy nhiên, do phát triển nhanh về khoa học công nghệ nên chu kỳ đổi mới chương trình, SGK của thế giới cũng đang được rút ngắn. Trước đây thường là 10 năm, giờ đây có những quốc gia 5-7 năm đã thay chương trình, SGK. Trong khi chương trình và SGK của Việt Nam được thực hiện từ năm 2002. Nếu tính đến năm 2015 thì cũng đã là 13 năm. Chính bởi vậy việc đổi mới chương trình, SGK là cần thiết, không khác với thông lệ của quốc tế cũng như nhu cầu phát triển giáo dục-đào tạo của nước nhà.
. Xin cảm ơn ông.
ĐỨC HIỆP
GS TRẦN HỒNG QUÂN, Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập, nguyên bộ trưởng Bộ GD&ĐT: Bộ đang đi “ngược” tôi thực sự băn khoăn, e ngại bởi Bộ GD&ĐT đang xây dựng chương trình “ngược”: Đó là chưa xây dựng chương trình đào tạo nhân cách thì đã tính đến đổi mới chương trình, SGK. Có nghĩa dù có bao phương pháp giảng dạy, bao chương trình, SGK thì cũng đi đến một đích cuối cùng: Tạo ra được một công dân có ích cho xã hội. Lẽ ra phải bàn lại hệ thống cơ cấu giáo dục kèm lẫn mô hình đào tạo nhân cách con người và chương trình, SGK phải là đối tượng được tính đến nghiên cứu sau cùng. Đây chính là nội dung yêu cầu của nghị quyết Trung ương và Chính phủ vừa ban hành. Đề án tổng thể chưa làm mà đã thực hiện đề án chi tiết. Tôi e ngại về tính khả thi của đề án này lắm. Bạn ví tôi như bác sĩ có thể nhìn thấy 80% bệnh nhân mắc bệnh, cũng đúng trong trường hợp này. Nghe và tìm hiểu đề án đổi mới chương trình, SGK trị giá hơn 34.000 tỉ đồng này là số tiền quá lớn trong thời buổi kinh tế đang có nhiều khó khăn như thế này. Bởi đây chưa phải là điểm rơi thích hợp để chúng ta tiến hành đổi mới một vấn đề lớn, có tác động không nhỏ đến đời sống của mỗi gia đình đang có con em ở tuổi đến trường. Liên quan đến con số mà mới đây Bộ LĐ-TB&XH đưa ra là hơn 72.000 cử nhân ra trường chưa tìm được việc làm, có thể vì đúng thời điểm nền kinh tế rơi vào tình cảnh khó khăn, hàng ngàn doanh nghiệp phá sản. Nhưng tôi cho rằng nguyên nhân cơ bản vẫn do chương trình đào tạo hiện nay của chúng ta không phù hợp với cơ cấu lao động. GS VĂN NHƯ CƯƠNG, Hiệu trưởng Trường THPT dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội): Đề án “đắt” quá Nhiều năm tham gia chương trình biên soạn SGK nên tôi hiểu khá rõ mức phí dành cho việc viết sách này. Cụ thể hơn, môn toán lớp 12 có 100 tiết, nếu trả 2 triệu đồng mỗi tiết thì hết 200 triệu đồng. Từ lớp 1 đến lớp 12 môn này tốn hơn 2 tỉ đồng. Con số này đem nhân với 12 môn học là gần 30 tỉ đồng. GS PHẠM MINH HẠC, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT: “Khái toán” là từ mù mờ Theo tôi, trước khi đổi mới hay đưa ra một đề án nào, Bộ GD&ĐT cũng phải biết tổng kết tóm tắt cái ưu điểm, khuyết điểm của chương trình theo từng quãng thời gian: Từ năm 1981 đến 2000, từ năm 2001 đến 2012 trước khi đặt vấn đề đổi mới chương trình, SGK sau 2015. Bên cạnh đó, Bộ cần xem lại cơ cấu của bậc học phổ thông nhất là THPT, xem tự chọn nghĩa là thế nào? Mục tiêu cấp học THCS là gì? Các trường ĐH sư phạm, CĐ sư phạm phải đổi mới đào tạo ra sao? Cũng theo dõi buổi họp báo mới đây, tôi thấy Bộ GD&ĐT đưa ra từ “khái toán”, đấy là từ mù mờ. Một việc quan trọng với tương lai dân tộc, với thế hệ trẻ, từ tiền thuế của nhân dân mà “khái toán” thì không thể chấp nhận được. ĐỨC HIỆP ghi |
Trên 30.000 tỉ đồng tiêu gì? Theo Bộ GD&ĐT là để thực hiện năm hạng mục nằm trong đề án đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông sau năm 2015: - 105 tỉ đồng: Biên soạn chương trình, SGK và sách giáo viên. - 910 tỉ đồng: Dạy thử nghiệm từ năm học 2016-2017 tại 600 trường (chiếm 20% tổng số trường) với 340.000 học sinh và 20.000 giáo viên (gồm tập huấn bồi dưỡng; đánh giá hoàn thiện SGK, sách giáo viên và cấp SGK thử nghiệm miễn phí cho học sinh, giáo viên). - 8.150 tỉ đồng: Dạy học đại trà theo chương trình, SGK mới từ năm học 2018-2019 đối với các lớp đầu cấp, gồm triển khai dạy đại trà trên 30.000 trường, 15 triệu học sinh; tập huấn bồi dưỡng dạy học đại trà chương trình, SGK mới cho khoảng 900.000 cán bộ, giáo viên… - 20.000 tỉ đồng: Đầu tư trang thiết bị dạy học để thực hiện dạy học đại trà theo chương trình, SGK mới gồm bổ sung thay thế 50% thiết bị dạy học tối thiểu đã có; trang bị mới thiết bị do chương trình, SGK mới yêu cầu... - 5.010 tỉ đồng: Ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng kênh truyền thông giáo dục phục vụ đổi mới chương trình, SGK mới gắn với xây dựng xã hội học tập; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học, kiểm tra đánh giá. |