Cụ thể, dự thảo bổ sung vào Điều 86 BLHS 2015 quy định về việc tổng hợp hình phạt đình chỉ hoạt động vĩnh viễn trong trường hợp pháp nhân thương mại phạm nhiều tội. Theo đó, nếu các hình phạt đã tuyên gồm đình chỉ hoạt động có thời hạn và đình chỉ hoạt động vĩnh viễn trong cùng lĩnh vực thì hình phạt chung là đình chỉ hoạt động vĩnh viễn đối với lĩnh vực. Nếu các hình phạt đã tuyên cùng là đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc cùng là đình chỉ hoạt động vĩnh viễn đối với từng lĩnh vực thì không tổng hợp.
Nên phân loại tội phạm với pháp nhân
Cạnh đó, dự thảo bổ sung Điều 89 BLHS 2015 về xóa án tích cho pháp nhân thương mại bị phạt đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Theo đó, pháp nhân thương mại bị kết án đương nhiên được xóa án tích nếu không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn năm năm kể từ khi chấp hành xong hình phạt bổ sung và các quyết định khác của bản án hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án. Ngoài ra, dự thảo cũng cụ thể hóa thêm nhiều tình tiết tăng nặng trong các tội danh áp dụng với pháp nhân thương mại phạm tội.
Tại phiên họp của hội đồng thẩm định diễn ra cuối tuần qua, ông Hoàng Anh Tuyên (Trưởng phòng Pháp luật hình sự, Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học, VKSND Tối cao) nhận xét việc bổ sung như trên là chưa đầy đủ.
Theo ông Tuyên, việc phân loại tội phạm đối với pháp nhân đặc biệt cần thiết bởi nó liên quan chặt chẽ tới việc xác định thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS), liên quan đến thẩm quyền xét xử của tòa nào, tòa cấp huyện hay cấp tỉnh. Thêm vào đó, nếu không phân loại tội phạm sẽ không xác định được có tái phạm, tái phạm nguy hiểm hay không, xóa án tích như thế nào. “Nếu không có tái phạm, tái phạm nguy hiểm thì việc xóa án tích không có ý nghĩa gì cả” - ông Tuyên nói thêm.
Trước đó, trong quá trình rà soát BLHS 2015, nhiều ý kiến trong tổ rà soát liên ngành cho rằng vấn đề truy cứu TNHS pháp nhân “không thể không sửa” bởi nếu không nó sẽ chỉ là một “chế định treo”, không thể áp dụng trên thực tế.
Nhiều ý kiến đề nghị sửa chế định truy cứu TNHS của pháp nhân để dễ xử lý pháp nhân phạm tội. Trong ảnh: Bốc dỡ chất thải của Formosa tại trang trại gia đình giám đốc công ty môi trường đô thị thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Ảnh: TTXVN
Vướng khi xử lý buôn bán pháo, thuốc lá nhập lậu
Cũng tại cuộc họp trên, Đại tá Đoàn Tất Kỉnh (Phó Cục trưởng Cục C44 - Văn phòng Cơ quan CSĐT, Bộ Công an) đề nghị điều chỉnh mức định lượng làm căn cứ truy cứu TNHS tại Điều 189 (tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới), Điều 190 (tội sản xuất, buôn bán hàng cấm) và Điều 191 (tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm).
Theo ông Kỉnh, đối với pháo nổ, thuốc pháo, trước đây liên ngành quy định cứ bắt được 10 kg pháo nổ, thuốc pháo là xử lý hình sự. “Hiện nay quy định giá trị hàng hóa vi phạm 100 triệu đồng trở lên thì phải vài chục tấn hàng hóa mới xử lý hình sự được. Khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS 2015 có hiệu lực sẽ không xử lý hình sự được vụ buôn bán pháo nổ nào. Gần tết Bính Thân, Quảng Ninh bắt vụ lớn nhất cũng chỉ có 1,5 tấn với giá trị hơn 10 triệu đồng” - ông Kỉnh nói.
Ông Kỉnh cũng cho biết thêm các quy định về xử lý thuốc lá lậu hiện nay cũng đang có xung đột. Cụ thể, nghị định của Chính phủ quy định số lượng 500 bao thuốc lá lậu là chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự, trong khi thông tư liên tịch của ba ngành tố tụng lại xác định con số này là 1.500 bao.
Theo đại diện Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học, TAND Tối cao, cuối năm 2015, qua hoạt động xét xử của tòa án các cấp, ngành tòa án phát hiện ra hai Luật Đầu tư, Luật Thương mại và các văn bản dưới luật có mâu thuẫn về quy định xử lý pháo nổ và thuốc lá nhập lậu. Cụ thể, Luật Thương mại và nghị định quy định chi tiết liệt kê hai loại hàng hóa này nằm trong danh mục hàng cấm. Trong khi Luật Đầu tư lại xếp pháo, thuốc lá các loại nằm trong danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
“Chúng tôi giật mình và báo cáo lãnh đạo, sau đó TAND Tối cao có hai văn bản để hướng dẫn trong ngành và gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giải thích hai luật này. Sau tám tháng gửi tờ trình và đề xuất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn không có hướng dẫn” - vị này cho biết. Cũng theo ông, theo hướng dẫn của TAND Tối cao, với hành vi tàng trữ, sản xuất, buôn bán, vận chuyển pháo và thuốc lá nhập lậu, chỉ xử lý hình sự nếu có yếu tố biên giới, còn thì “phanh lại” và “thả hết”.
Bỏ bớt tội danh Nên bỏ Điều 292 BLHS 2015 (tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông) bởi chúng ta không giải thích được tại sao trong danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện có đến 267 ngành nghề nhưng Điều 292 lại chỉ quy định xử lý hình sự một số ngành nghề trong số đó. Hơn nữa, chúng ta cấm dân mình nhưng nước ngoài vẫn làm mà chúng ta không kiểm soát được. Ông HOÀNG THẾ LIÊN, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp |