. Phóng viên:Gần đây nổi lên tình trạng cán bộ hành xử không đúng mực nơi công cộng như vụ thanh tra giao thông hành hung nữ nhân viên sân bay Nội Bài, cán bộ Sở Ngoại vụ đánh ông cụ 76 tuổi; cán bộ kiểm lâm đánh nhân viên trạm thu phí… Tại diễn đàn Quốc hội, cả Thủ tướng và bộ trưởng Bộ Nội vụ đã khẳng định “phải loại ngay những cán bộ đánh dân, cán bộ hư ra khỏi bộ máy”. Vậy những hành xử trên phải xử lý như thế nào?
+ Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng:
Sau khi có Nghị quyết Trung ương 4, Bộ Chính trị có giao cho Ban cán sự Đảng Chính phủ một số việc thuộc thẩm quyền. Hôm nay Chính phủ bàn đề án thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, có ba nhóm giải pháp quan trọng:
Về công tác chính trị tư tưởng phải là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, trong đó vấn đề nhận thức của cán bộ công chức, mẫu mực thực hiện cuộc vận động và làm theo tấm gương Bác Hồ. Rà soát cá nhân, tập thể, đánh giá, rà soát cán bộ công chức. Tất cả thành viên Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ, Bộ, ngành địa phương phải noi gương vì nghị quyết triển khai rộng rãi. Và cán bộ, công chức là người mẫu mực làm gương.
Thứ hai là nhóm về xây dựng cơ chế chính sách, Thủ tướng giao các bộ, ngành địa phương quan tâm xây dựng thể chế, tránh lợi ích nhóm. Hoàn thiện thể chế, các chức năng nhiệm vụ của các bộ, ngành địa phương, tránh một việc giao cho nhiều cơ quan chồng chéo, đan xen. Các nhiệm vụ của các bộ, ngành được rà soát rõ ràng, gắn trách nhiệm người đứng đầu. Đồng thời xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực.
Báo chí gần đây cũng đặt vấn đề về việc nhiều địa phương nói "bổ nhiệm đúng quy trình”, vậy quy trình ở đây thế nào, cần phải công khai để nhân dân, báo chí giám sát. Như Thủ tướng từng nói “thi tuyển tìm người tài chứ không tìm người nhà” và đây là nội dung quan trọng trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4.
Thứ ba là nhóm giải pháp về chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính công vụ. Thủ tướng ban hành chỉ thị tăng cường kỷ luật kỷ cương cán bộ công chức. Các nội dung về triển khai Nghị quyết Trung ương 4, Thủ tướng đã giao Bộ Nội vụ nghiên cứu thực hiện sớm triển khai trong năm 2017.
Liên quan đến một số vụ việc cán bộ công chức đánh người dân, có hành vi xấu nơi công cộng gần đây báo chí nêu, việc đó chúng ta hoàn toàn lên án. Không thể chấp nhận cán bộ, công chức có hành vi thiếu gương mẫu, thiếu đạo đức ở nơi công công như vậy. Hiện Thủ tướng đã giao Bộ Văn hóa giao xây dựng quy chế ứng xử cán bộ công chức.
Về lời hứa loại bỏ cán bộ hư, đánh dân trước Quốc hội, Thủ tướng cũng nhắc đi nhắc lại và hứa trước đồng bào, cử tri là phải thực hiện và phải xử lý, không được "bắn chỉ thiên".
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng.
. Phóng viên: Tại cuộc họp báo Chính phủ vào tháng 10-2016, bộ trưởng, chủ nhiệm VPCP có thông tin sẽ làm rõ, xử lý nghiêm (nếu có vi phạm), công bố công khai vụ việc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hải Dương có đến 44 lãnh đạo, tuy nhiên đến nay chưa có kết quả xử lý. Vụ việc này liệu có để "chìm xuồng"?
+ Ông Triệu Văn Cường, Thứ trưởng Bộ Nội vụ: Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã trả lời ĐBQH rất rõ rồi. Đúng như báo chí phát hiện, cơ quan hiện có 44/46 người làm lãnh đạo từ cấp phó phòng trở lên, UBND tỉnh Hải Dương cũng chưa có quy định về số lượng lãnh đạo cấp phòng nhưng thế này đã vượt so với quy định. Bộ Nội vụ yêu cầu UBND tỉnh Hải Dương báo cáo và có biện pháp chấn chỉnh. Những người thừa đã xin rút lui…
. Phóng viên: Vừa qua ở Thanh tra Chính Phủ có ông Nguyễn Minh Mẫn quyền Vụ trưởng Vụ Văn hoá xã hội khi đi thanh tra định kỳ tại ĐH quốc gia TP.HCM có phát ngôn “cấm cửa báo chí”, gây phản cảm với dư luận… Khi lấy phiếu tín nhiệm ông này có 9/10 phiếu không đồng ý nhưng vẫn được đảm nhiệm chức vụ quyền vụ trưởng, Thanh tra Chính phủ đã báo cáo vụ này với Chính phủ như thế nào?
+ Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng: Chúng ta phải nói một điều thông tin truyền thông có vị trí quan trọng, kết nối chuyển tải thông tin đến người dân. Truyền thông nêu gương người tốt việc tốt, lên án sai phạm của tổ chức, cá nhân. Thủ tướng nhấn mạnh thông tin phải minh bạch, những gì không thuộc bí mật nhà nước đều phải minh bạch công khai. Văn phòng Chính phủ liên tục họp về công khai các văn bản mật. Văn phòng Chính phủ cũng phải nhận lỗi việc này, ví dụ việc bán vốn nhà nước. Vậy kết quả thanh tra của các cơ quan được thanh tra không có gì phải giấu giếm (việc ông Mẫn phát ngôn - PV). Đây là lời nói, cách ứng xử không đúng nên chúng ta phải lên án.
Chúng tôi xin tiếp nhận ý kiến của báo chí để chuyển tải đến Tổng Thanh tra chính phủ, kiểm điểm rút kinh nghiệm không thể để tình trạng như vậy.
Tinh thần của Thủ tướng không để "chìm xuồng" bất cứ vụ việc nào, vụ “một sở có 44 lãnh đạo” ở Hải Dương đã yêu cầu Bộ Nội vụ thanh tra, kiểm tra công vụ… Dù việc nhỏ cũng không coi là nhỏ vì nó liên quan đến quyền và lợi ích của người dân, đừng ngồi đây nói việc của người khác là nhỏ…
Tinh thần của Thủ tướng tới đây sẽ có Chính phủ với người dân, từng bước minh bạch hóa, đánh giá cán bộ bằng công nghệ thông tin, không ai có thể giấu được.