Chưa từng thực hiện thủ tục đăng ký mở tài khoản và cũng chưa từng sử dụng thẻ tín dụng tại ngân hàng (NH) nhưng khách hàng lại bị vướng vào nợ xấu trên hệ thống Trung tâm Thông tin tín dụng của NH Nhà nước Việt Nam (CIC).
Không vay lại bị vướng nợ
Phản ánh đến Pháp Luật TP.HCM, anh ĐĐTh (ở đường Hồ Đắc Di, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, TP.HCM) vô cùng bức xúc vì hơn một tháng nay bỗng nhiên bị rơi vào tình trạng nợ xấu dù bản thân anh và gia đình chưa từng vay ở NH nào.
Theo anh Th., tháng 9-2015, do đang cần một khoản tiền để mua nhà ở nên anh đã liên hệ với một NH có chi nhánh tại TP.HCM làm thủ tục vay vốn. Hồ sơ vay đã nộp đầy đủ nhưng lại bị NH này trả về vì anh đang nợ thẻ tín dụng tại NH N. số tiền hơn 80 triệu đồng. Theo thông tin trên CIC thì khoản nợ của anh phát sinh từ năm 2012. Quá bất ngờ với món nợ từ trên trời rơi xuống nên anh Thiện đã tìm đến NH N. để làm rõ món nợ trên.
Sau một thời gian khiếu nại, NH N. có cung cấp cho anh một bộ hồ sơ mà ai đó đã mạo danh anh mở thẻ tín dụng. Trong bộ hồ sơ, tất cả giấy tờ vay, chữ ký đều là giả, chỉ có CMND phôtô là thật.
Sau đó, ngày 18-11-2015, NH N. Chi nhánh TP.HCM đã có công văn trả lời cho anh Th. và xác nhận anh chưa hề phát sinh vay thẻ tín dụng tại NH N., cũng như chưa hề phát sinh nợ xấu tại NH N.
Tuy NH N. chưa làm rõ ai là người giả danh anh Thiện đứng ra mở và sử dụng thẻ tín dụng đang nợ nhưng vì đã có công văn xác nhận của NH N. nên anh không khiếu nại nữa.
Dù việc đã được giải quyết nhưng do không còn nhu cầu nên anh Thiện cũng không có ý định vay NH như dự tính.
Mới đây, vợ anh Th. làm thủ tục vay kinh doanh tại một NH khác và lần này cũng bị trả hồ sơ vì nợ xấu ở NH N. từ năm 2012 với số tiền nợ lên hơn 180 triệu đồng. Vợ chồng anh Thiện tiếp tục nộp đơn khiếu nại tại NH N.
Ngày 23-4, NH N. trả lời rằng NH này đang tiến hành rà roát toàn bộ chứng từ hồ sơ mở thẻ của khách hàng để có hướng xử lý.
Thế nhưng hơn một tháng trôi qua, phía NH N. vẫn chưa có hướng giải quyết cụ thể để bảo vệ quyền lợi cho anh Thiện.
Chị Hương, vợ anh ĐĐTh, bức xúc vì bị vướng nợ xấu dù không hề vay. Ảnh: VÕ HÀ
Cách giải quyết của ngân hàng
“Đầu năm 2012, có một người gọi điện thoại cho tôi xưng là nhân viên NH và hỏi tôi có nhu cầu mở thẻ tín dụng không. Do lúc đó tôi cũng đang quan tâm đến thẻ tín dụng nên đồng ý. Sau khi được người này tư vấn để mở thẻ, tôi đồng ý và đưa CMND bản gốc cho người này. Hôm sau, người này trả lại CMND cho tôi và trả lời tôi không thuộc đối tượng mở thẻ. Có lẽ người xưng là nhân viên NH này đã lấy CMND của tôi để giả mạo tôi mở thẻ nhằm chiếm đoạt tiền của NH. Thế nhưng tôi nghĩ chỉ một CMND phôtô thì người bình thường không thể lập cả một hồ sơ mở thẻ được. Ở đây, cần phải xem lại quá trình xét duyệt hồ sơ của NH N. trước đây để làm rõ trách nhiệm của từng người. Cần thiết nên chuyển cho cơ quan điều tra để điều tra hành vi làm giả giấy tờ chiếm đoạt tài sản. Tôi nghĩ NH N. nên minh bạch trong quá trình xử lý để khách hàng an tâm và tin tưởng” - anh Th. bức xúc.
Trao đổi với chúng tôi sau rất nhiều lần liên lạc, đại diện NH N. cho biết NH đã làm việc với các đơn vị liên quan để tìm hiểu, xác minh làm rõ sự việc. Bên cạnh đó, đại diện NH N. cũng đã gặp khách hàng ĐĐTh để xin lỗi và cam kết sẽ giải quyết thỏa đáng cho khách hàng trong thời gian sớm nhất.
Sự việc xảy ra lúc NH thay đổi pháp nhân từ NH khác sang NH N., trong quá trình nâng cấp hệ thống phần mềm nên nhiều thông tin không khớp, cần xác minh từ đầu. Đây là một trong những khó khăn khi giải quyết vụ việc của khách hàng. Hiện nay, NH N. đã làm thủ tục để khoản nợ xấu mang tên anh ĐĐTh hoàn toàn được xóa trên CIC.
Muốn gỡ nợ xấu phải làm sao? Nếu khách hàng chứng minh được mình không phải là người vay khoản nợ xấu mà bị ai đó giả mạo thì khách hàng có thể đề nghị NH gửi công văn yêu cầu CIC gỡ thông tin của khách hàng xuống. Thông thường, khi có công văn của NH thì CIC sẽ tiến hành gỡ xuống và chỉ trong một thời gian là khách hàng có thể tiếp tục vay được. TS NGUYỄN TRÍ HIẾU, chuyên gia tài chính ngân hàng |