Thủ tục vay tiêu dùng tại các công ty tài chính (CTTC) quá đơn giản như khi làm thủ tục vay không cần đến công ty, thất nghiệp cũng vay được cùng lúc ba CTTC cả trăm triệu đồng… là những thực trạng đang diễn ra ở một số CTTC hiện nay.
Thủ tục cho vay quá dễ dãi
Anh LDK ở quận 9, TP.HCM bỗng dưng bị rơi vào tình cảnh hồ sơ vay liên tục bị các ngân hàng từ chối vì có tên trong danh sách nợ xấu. Anh tìm hiểu thì được biết lần anh làm mất CMND hồi đầu năm 2018, kẻ gian nhặt được sau đó lấy CMND của anh đi mua điện thoại trả góp với giá hơn 5 triệu đồng bằng hình thức vay tiêu dùng tại một CTTC để thanh toán cho cửa hàng điện thoại.
Vấn đề đặt ra là quá trình thẩm định và thủ tục cho vay như thế nào mà người này cầm giấy tờ của người khác vẫn có thể đi vay được? Câu hỏi này được chúng tôi đặt ra với một CTTC trên địa bàn TP.HCM nhưng đại diện công ty cho biết thời điểm này công ty không thể cung cấp thủ tục cho vay.
Câu hỏi này được anh Lê Trung An (TP Thủ Dầu Một, Bình Dương), một khách hàng từng được cho vay, giải thích:
“Thủ tục vay của các CTTC còn dễ hơn đi mua một món hàng, không phải đến trực tiếp công ty làm thủ tục cho vay, không cần đối chiếu hình ảnh, không cần thẩm định khả năng trả nợ. Cách đây một năm, trên đường đi làm tôi thấy mẩu quảng cáo cho vay tín chấp. Tôi gọi điện thoại đến thì được hướng dẫn điền thông tin theo mẫu, kèm theo hình ảnh CMND, hộ khẩu gửi vào một địa chỉ email. Tôi vay 25 triệu đồng, trả góp mỗi tháng gần 3 triệu đồng và trả trong 12 tháng, nếu trễ sẽ phải chịu thêm tiền phạt. Vài ngày sau tôi nhận được tiền. Cứ đến ngày định kỳ trong tháng, tôi đến bưu điện đọc mã số hợp đồng và đóng tiền trả góp”.
Theo anh An, cách cho vay này tạo điều kiện cho những người thật sự cần vay tiền và có khả năng trả nợ như anh. Tuy nhiên, nó sẽ là một kẽ hở rất lớn cho kẻ gian lợi dụng, chẳng hạn cầm giấy tờ của người khác đi vay như trường hợp anh LDK nói trên.
Anh NTS đang bức xúc nhìn hóa đơn vay tiền của các công ty tài chính gửi cho anh. Ảnh: NH
Bất ngờ vướng vào nợ xấu
Chính vì thủ tục đơn giản như vậy, anh NTS (TP.HCM) phản ánh đến chúng tôi tình trạng mấy tháng nay anh phải khổ sở khi bỗng dưng bị vướng vào nợ xấu, không thể mua được nhà.
Theo anh S., anh đang công tác ở Phú Quốc và hằng tháng anh chuyển tiền về TP.HCM cho vợ con sinh sống. Đầu tháng 3, anh đăng ký mua căn hộ ở quận 9, TP.HCM để ổn định cuộc sống. Vì không đủ tiền nên anh quyết định làm thủ tục vay mua căn hộ trả góp hằng tháng. Thế nhưng sau khi ngân hàng thẩm định, hồ sơ bị trả lại vì anh đang vướng nợ xấu. Anh càng tá hỏa hơn khi biết được hiện tại vợ anh đang nợ ba CTTC với số tiền hơn 100 triệu đồng. Anh bất ngờ bởi vợ anh là một người thất nghiệp 20 năm nay và không có tài sản thế chấp.
“Họ căn cứ vào đâu để có thể cho vay một cách dễ dàng như vậy? Cho vay mà không cần chứng minh thu nhập, không cần biết người vay đang thất nghiệp, không cần biết người vay có trả được nợ hay không. Tại sao tôi là chồng mà tôi không biết việc này? Khi có chuyện thì họ kéo tôi vào chịu trách nhiệm!” - anh S. đặt câu hỏi.
Đánh giá về hoạt động cho vay tiêu dùng tín chấp hiện nay, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng, cho biết trước giờ đối với các ngân hàng thì đều có một quy trình cho vay rất chặt chẽ và luôn luôn phải đáp ứng hai điều kiện. Thứ nhất, những khách hàng vay không thể có nợ xấu được, nếu ngân hàng kiểm tra, phát hiện có nợ xấu hoặc chậm trả ngay ở nhóm 3 là ngân hàng đã chặn lại, không cho vay. Thứ hai, khách hàng vay phải có khả năng trả nợ.
Các CTTC muốn huy động nhiều khách hàng vay nên quy trình cho vay thường nới lỏng hơn, kể cả không có khả năng trả nợ vẫn được vay. Tuy nhiên, điều này lại kèm theo nhiều rủi ro là không thu hồi được nợ. Chính vì thế lãi suất của các CTTC được đưa lên cao để bù vào những rủi ro này.
Siết đối tượng giải ngân vay tín chấp Với tình trạng thực tế hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra dự thảo sửa đổi Thông tư 43/2016/TT-NHNN quy định hoạt động cho vay tiêu dùng tại CTTC và dự thảo này đang lấy ý kiến. Một trong những điểm bổ sung của dự thảo lần này là có quy định thêm về hình thức giải ngân cho vay tiêu dùng của CTTC. Cụ thể, CTTC chỉ được giải ngân (cho vay) trực tiếp đối với khách hàng được đánh giá có lịch sử trả nợ tốt theo quy định nội bộ của CTTC. Ngoài ra, khách hàng không có nợ xấu trên CIC đến thời điểm gần nhất tính từ thời điểm ký kết hợp đồng cho vay tiêu dùng. |