Không ít người dân đã lên tiếng hưởng ứng Văn bản số 4170 của UBND TP Hà Nội, trong đó có nội dung đáng chú ý là các sở, ngành, địa phương của Hà Nội lưu ý tuyên truyền phổ biến cho người dân hạn chế ăn thịt chó, mèo để phòng bệnh dại. Xu hướng ủng hộ cho rằng đây là một quan điểm rất văn minh của TP. Tuy nhiên, ý kiến băn khoăn, phản đối cũng không ít.
Ủng hộ nhiều, phản đối cũng không ít
Mặc dù đầu tháng âm lịch nhưng phố thịt chó Tam Trinh (quận Hoàng Mai, Hà Nội) vẫn đông đúc không kém ngày thường. Dường như những tín đồ của món ăn dân dã này chưa biết đến văn bản mới của TP.
Trao đổi với chúng tôi, anh NHL (ngụ quận Hai Bà Trưng) cho hay: “Do thịt chó là một trong những món khoái khẩu của gia đình nên chúng tôi không có ý định loại bỏ nó khỏi thực đơn”.
Chị ĐNM, một tín đồ khác thì chia sẻ: “Món ăn ngon miệng nhưng nghe đồn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mắc bệnh thì cũng lo, sắp tới chắc sẽ hạn chế. Hơn nữa, nạn trộm chó ngày càng biến tướng khiến mình không muốn ủng hộ món ăn này nữa”.
Chị BTL, chủ một quán thịt chó trên phố Tam Trinh, cho biết lượng khách hàng những ngày này vẫn ổn định. Trong khi thị trường chưa có dấu hiệu biến chuyển thì trên các diễn đàn mạng đã diễn ra tranh luận kịch liệt về việc ủng hộ hay không việc hạn chế ăn thịt chó, mèo. Tỉ lệ giữa hai luồng ý kiến tương đương nhau. Có người bình luận: “Ăn thịt chó, mèo là văn hóa, phong tục, thói quen và quyền tự do cá nhân”. Ngược lại, nhóm ủng hộ chủ trương cho rằng không ăn thịt chó, mèo là tiến tới hành xử văn minh hơn trong đô thị, xóa đi những hình ảnh phản cảm về việc nuôi nhốt, buôn bán, chế biến chó, mèo, tiếp thu tinh thần yêu thương động vật từ các nước phương Tây.
“Có điều khuyến khích thì không đủ tác động. Phải siết chặt quản lý để việc nuôi nhốt, chế biến được an toàn, văn minh mới là cách bảo vệ sức khỏe cộng đồng” - một người dân góp ý.
Quầy hàng thịt chó trên phố Tam Trinh (Hà Nội). Ảnh: TRỌNG PHÚ
Khuyến khích không ăn vì phòng bệnh
Theo văn bản mới ban hành của UBND TP Hà Nội, TP giao các địa phương thống kê, rà soát, cập nhật thông tin và lập sổ quản lý về chó nuôi trên địa bàn, tổ chức ký cam kết thực hiện việc khai báo nuôi chó, mèo và chấp hành đúng các quy định về phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt đối với bệnh dại.
Cùng với đó, yêu cầu các cơ quan chức năng đẩy mạnh tuyên truyền dưới nhiều hình thức để phòng, chống bệnh dại, nguy cơ và tác hại mắc các bệnh truyền nhiễm như bệnh dại, bệnh xoắn khuẩn, bệnh tả... khi sử dụng thịt chó, mèo để một bộ phận người dân nhận thức được và từ bỏ thói quen sử dụng thịt chó, mèo.
UBND TP Hà Nội đã giao cho Sở NN&PTNT phối hợp với các cơ quan liên quan thành lập trạm kiểm nghiệm bệnh vật nuôi và quản lý tiếp nhận chó, mèo thả rông.
Sở TT&TT được giao nhiệm vụ chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị tăng cường tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về tính chất nguy hiểm của bệnh dại để người dân chủ động phòng, chống. Hai nguyên nhân căn bản của định hướng khuyến khích người dân không sử dụng chó, mèo như thực phẩm là để ngăn ngừa nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm và thể hiện ý nghĩa nhân văn của việc đối xử nhân đạo với súc vật.
Hiện nay, Hà Nội có khoảng 493.000 con chó, mèo. Toàn TP có hơn 1.000 điểm kinh doanh, giết mổ chó, mèo làm thương phẩm. Từ đầu năm 2018 đến nay, TP đã ghi nhận ba trường hợp tử vong vì bệnh dại tại các huyện Phúc Thọ, Phú Xuyên và Sóc Sơn. Năm tháng đầu năm có hơn 5.000 người bị súc vật cắn được điều trị dự phòng mà nguyên nhân do chó cắn chiếm đến 87%. |