Sự việc chiếc máy bay ném bom Su-24 của Nga bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ chính là hệ quả của tình hình an ninh quá phức tạp tại Syria. Vùng trời của quốc gia Trung Đông này giờ đây như một thùng thuốc súng đầy rủi ro va chạm quân sự, cả vì các lý do kỹ thuật lẫn vì các động cơ lợi ích chính trị. Vụ việc như một tín hiệu báo động về cục diện can thiệp quân sự tại Syria.
Sự “không dung thứ” của Nga và nguy cơ xung đột
Ngày 24-11, chiếc máy bay ném bom Su-24 của không quân Nga đã bị một máy bay F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ bằng tên lửa không đối không. Vụ việc đã khiến Tổng thống Nga Vladimir Putin vô cùng phẫn nộ. Ông cáo buộc đây là một hành động “đâm sau lưng, thực hiện bởi đồng lõa của bọn khủng bố” và cảnh báo sẽ có nhiều “hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt là trong quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ”.
Chính quyền Nga đã nhanh chóng có những bước đi mang tính trừng phạt, răn đe cả trực tiếp và gián tiếp. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã lập tức hủy bỏ chuyến công du đến Thổ Nhĩ Kỳ. Lấy lý do có mối đe dọa khủng bố, Bộ Ngoại giao Nga cũng đã phát thông báo khuyến cáo công dân Nga không nên đặt chân đến Thổ Nhĩ Kỳ. Một số nghị sĩ Nga còn đề xuất nên cắt đứt mọi quan hệ quân sự với Thổ Nhĩ Kỳ như một cách thức trừng phạt ngoại giao.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga cũng đã cho cử thêm tuần dương hạm Moskva tiến vào vùng biển Syria, sở hữu hệ thống tên lửa phòng không “Fort”, hỗ trợ các chiến dịch không kích của Nga với chỉ thị là bắn hạ bất kỳ mục tiêu nào có dấu hiệu thù địch. Bộ trưởng Quốc phòng Nga - ông Sergey Soygu ngày 25-11 cũng tuyên bố sẽ triển khai hệ thống tên lửa phòng không tối tân nhất của Nga là S-400 đến doanh trại không quân Hmeymim ở Syria. Đồng thời, căn cứ không quân của Nga tại vùng Latakia ở Syria cũng sẽ được triển khai hệ thống S-300.
Ở chiều ngược lại, Thổ Nhĩ Kỳ cũng nhanh chóng đề xuất họp khẩn với các thành viên Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) về vụ việc. Chính quyền Ankara cáo buộc máy bay Nga xâm phạm không phận. Cả NATO và Nhà Trắng đều đã lên tiếng cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ có quyền bảo vệ không phận của mình. Quan hệ Nga và phương Tây tưởng chừng như đang dần tìm thấy tiếng nói chung trong chiến dịch chống khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Syria, nay lại bị đặt dưới cái nhìn đầy lo ngại.
Với những động thái triển khai của Nga, rủi ro máy bay của một quốc gia NATO bị bắn hạ lại càng gia tăng. Cần lưu ý rằng theo Điều 5 của NATO, một khi một quốc gia thành viên bị tấn công thì quốc gia đó sẽ có quyền kêu gọi phòng vệ tập thể. Mỹ và phương Tây sẽ bị đặt trước nguy cơ bị lôi vào một cuộc xung đột quân sự không mong muốn với lực lượng quân sự mạnh thứ hai thế giới.
Tổng thống Putin (trái) lên án hành động của chính quyền ông Erdoğan (phải) là cú “đâm sau lưng” nước Nga, “thực hiện bởi đồng lõa của bọn khủng bố”. Ảnh minh họa: REUTERS
Ngày 24-11, một máy bay F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn hạ chiếc Su-24 của Nga gần biên giới Syria. Ảnh minh họa
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Soygu đã ra lệnh triển khai tên lửa S-400 và S-300 đến các căn cứ không quân tại Syria. Ảnh: SPUTNIK
Có còn hy vọng hòa bình cho Syria?
Nguy cơ va chạm Đông-Tây với ngòi nổ là “thùng thuốc súng” Syria, dù khó tin nhưng vẫn có rủi ro xảy ra rất cao, đặc biệt khi vùng trời Syria hiện nay đã trở nên vô cùng phức tạp với quá nhiều bên tham gia không kích. Hồi tháng 10-2015, kênh truyền hình CNN cho biết các máy bay của Mỹ đã nhiều lần phải thay đổi đường bay, bỏ mục tiêu và chuyển hướng gấp để tránh không va chạm với máy bay chiến đấu của Nga trên vùng trời Syria.
Cũng trong tháng 10, một máy bay Nga đã từng chủ động tiếp cận máy bay ném bom Mỹ để buộc phi công xác minh thông tin. Trung tá Charles Brown, chỉ huy chiến dịch không kích của Mỹ tại Syria, cho biết có lúc máy bay Nga và Mỹ chỉ cách nhau có 30 giây là sẽ xảy ra va chạm chết người.
Đây cũng không phải là lần đầu tiên Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ “máy bay Nga”. Giữa tháng 10 vừa qua, Ankara đã cho bắn hạ một máy bay không ngươi lái xâm phạm vùng trời. Dù Moscow không lên tiếng thừa nhận, các quan chức tình báo Mỹ vẫn nghi ngờ chiếc máy bay không người lái đó là của Nga.
Vụ việc cũng phản ánh rõ sự khác biệt về lợi ích rất lớn giữa các bên liên quan đến cuộc chiến chống IS trên lãnh thổ Syria. Theo thống kê của tờ The Guardian, dù nhiều lần tuyên bố triệt hạ hàng trăm cứ điểm và các phần tử khủng bố IS, đa số các chiến dịch không kích của Nga tại Syria lại nhắm vào các vùng lãnh thổ kiểm soát bởi lực lượng chống chính phủ Bashar al-Assad.
Trước ngày 24-11, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoğlu cũng nhiều lần lên tiếng đòi Nga chấm dứt các chiến dịch không kích vào lực lượng phiến quân sát biên giới Syria. Đây là lực lượng chống chính phủ Assad, đồng thời cũng là những “người anh em” gốc Thổ sinh sống tại Syria, nhận được sự ủng hộ từ chính quyền Ankara. Trùng hợp thay chiếc Su-24 bị bắn hạ cũng đang thực hiện một chuyến bay gần khu vực này.
Hy vọng hòa bình cho Syria vẫn vô cùng xa vời khi trên vùng trời ngột ngạt của nước này, mỗi bên tham gia không kích đều chăm chăm một mục tiêu chính trị khác nhau. Và sự hỗn loạn an ninh chính là môi trường hoàn hảo cho những tổ chức cực đoan như IS tiếp tục sinh sôi.
Giơ cao nhưng sẽ đánh khẽ?
Trong cuộc “thi gan” lần này, có thể thấy cả hai nhà lãnh đạo của Thổ Nhĩ Kỳ và Nga là Tổng thống Recep Tayyip Erdoğan và ông Vladimir Putin đều cố gắng duy trì cho mình hình ảnh “mạnh mẽ” trước truyền thông trong nước và quốc tế. Trong khi ông Erdoğan buộc phải “nói cứng” trước áp lực bảo vệ cộng đồng người Thổ ở Syria, Tổng thống Nga Putin cũng không thể nào đi ngược lại được sự căm phẫn của công dân Nga trước vụ việc. Tuy nhiên, vẫn có những lý do để tin rằng cả hai nước thật ra chỉ đang “giơ cao đánh khẽ”.
Ông Sam Greene, Giám đốc Học viện Nga tại ĐH King’s College London, đánh giá: “Mục tiêu chính của ông Putin vẫn là để giữ thể diện ở sân nhà”. Ông cũng cho rằng đối với ông Putin, sự phản ứng của những phần tử cực đoan trong nước sẽ còn tồi tệ hơn những phản ứng chính trị ngoài nước. Theo phân tích của tờ The Guardian, bài phát biểu của ông Putin mặc dù có những từ ngữ cứng rắn, vẫn để mở lối cho các bước “hạ nhiệt” xung đột trong tương lai. Cụ thể, mặc dù vụ việc chính xác là hành vi tấn công quân sự, nhà lãnh đạo Nga đã không lập tức đưa ra một lộ trình đáp trả quân sự nào và cũng tuyên bố sẽ tiến hành phân tích vụ việc.
Phía Thổ Nhĩ Kỳ cũng phản ứng rất dè dặt. Dù Ankara đã đề nghị họp khẩn với các thành viên NATO tại Brussels, buổi họp chỉ mang tính chất thông tin rõ ràng cho các đồng minh chứ không phải là một phiên tham vấn lên kế hoạch đối phó quân sự. NATO cũng đang tìm cách hạ nhiệt vụ việc, giữ vấn đề ở góc độ song phương chứ không phải đa phương. Có thể thấy Ankara đang cố phát đi tín hiệu họ sẵn sàng giảm bớt căng thẳng.
Aaron Stein, một chuyên gia nghiên cứu về chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ, dự đoán nước này sẽ sử dụng các nhân tố thấp hơn quốc gia, như những tổ chức dân sự, để nối lại quan hệ. Trong khi đó, Ian Kearns, Giám đốc Tổ chức Mạng lưới lãnh đạo châu Âu, cũng đánh giá sự căng thẳng sẽ chỉ được giới hạn trong lĩnh vực ngoại giao. “Tôi không nghĩ sẽ có leo thang quân sự giữa hai nước” - ông Ian Kearns nhận định.
Chiến lược bị bẻ hướng Theo tờ Wall Street Journal, những toan tính chiến lược của ông Putin cho khu vực Trung Đông sẽ bị bẻ hướng. Sau vụ khủng bố đẫm máu tại Paris ngày 13-11, Tổng thống Pháp François Hollande đã lên kế hoạch viếng thăm Nga và bàn bạc với Tổng thống Putin về phối hợp quân sự chống IS. Chuyến thăm được kỳ vọng làm tiền đề cho việc xóa đi sự “cách ly” về chính trị mà Moscow sau khi sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ, hình thành một chiến dịch hiệp đồng quân sự giữa Nga và phương Tây và tận diệt tổ chức khủng bố IS. Thế nhưng giờ đây theo Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ Chính trị Alexei Makarkin, chuyến đi của ông Hollande sẽ phải giảm từ tham vọng xây dựng “hiệp đồng quân sự với Nga” xuống còn “tránh bắn nhầm” vào máy bay của nhau. |