Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hơn 2.200 văn bản, xử lý trên 740.000 tỉ đồng

(PLO)- Kiểm toán Nhà nước đã đề xuất nhiều ý kiến có giá trị để hoàn thiện một số văn bản quy phạm pháp luật quan trọng như Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đất đai, Luật Phòng chống tham nhũng…

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 11-7, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) kỷ niệm 30 năm thành lập. Dự lễ kỷ niệm có Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn; các nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Nguyễn Thị Kim Ngân, Vương Đình Huệ... cùng nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và ngành kiểm toán.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch nước Tô Lâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã gửi thư và hoa chúc mừng ngành kiểm toán nhân dịp này.

Nâng cao trách nhiệm giải trình

Đọc diễn văn kỷ niệm, Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn lược lại lịch sử và các dấu mốc phát triển của ngành kiểm toán.

“Từ một cơ quan chưa có tiền thân về tổ chức và tiền lệ về hoạt động ở nước ta, trong suốt chặng đường 30 năm xây dựng và trưởng thành, với phương châm “Chuyên nghiệp - Liêm chính - Hội nhập”, hoạt động kiểm toán, của KTNN đã có nhiều đổi mới và ngày càng đi vào chiều sâu” - Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn khẳng định.

Theo ông, KTNN luôn bám sát các định hướng lớn của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, với các nội dung kiểm toán, tập trung vào những vấn đề được dư luận, cử tri cả nước quan tâm, các lĩnh vực dễ xảy ra thất thoát, lãng phí tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.

Qua đó, góp phần siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao trách nhiệm giải trình và đảm bảo tính công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.

ktnn-lanh-dao.jpg
Các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước dự lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Kiểm toán Nhà nước. Ảnh: KTNN

Trải qua 30 năm phát triển, KTNN đã từng bước khẳng định vị trí, vai trò là công cụ hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Ông Ngô Văn Tuấn cho hay qua tổng hợp kết quả kiểm toán từ khi thành lập đến nay, KTNN đã phát hiện và kiến nghị xử lý về tài chính trên 740.000 tỉ đồng.

Đồng thời, KTNN cũng kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ hơn 2.200 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý có nội dung không phù hợp quy định của Nhà nước và thực tiễn, kịp thời khắc phục “lỗ hổng” về cơ chế, chính sách, ngăn ngừa thất thoát, lãng phí.

Kiến nghị xử lý trách nhiệm nhiều cá nhân, tập thể sai phạm

Cũng theo Tổng KTNN, cơ quan này đã đề xuất nhiều ý kiến có giá trị để hoàn thiện một số văn bản quy phạm pháp luật quan trọng như Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đất đai, Luật Quản lý thuế, Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu, Luật Phòng chống tham nhũng, Luật Bảo hiểm xã hội...

“KTNN còn kiến nghị chuyển cơ quan điều tra và các cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo, xử lý trách nhiệm đối với nhiều tập thể, cá nhân có sai phạm theo quy định” - Tổng KTNN cho hay.

Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hơn 2.200 văn bản, xử lý trên 740.000 tỉ đồng
Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn khẳng định từng thành viên của Kiểm toán Nhà nước sẽ không ngừng rèn luyện để có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng. Ảnh: KTNN

Nhắc lại những điểm chính yếu mà Đại hội XIII của Đảng đã vạch ra trong chiến lược phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 cũng như Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030, Tổng KTNN nhấn mạnh: Mục tiêu phát triển KTNN là công cụ trọng yếu, hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng, nâng cao trách nhiệm giải trình và bảo đảm tính công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.

“Từng thành viên của KTNN sẽ không ngừng rèn luyện để có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, chuyên nghiệp, tinh thông nghiệp vụ chuyên môn, “nghệ tinh - tâm sáng”, tương xứng với chuẩn mực quốc tế và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới” - ông Ngô Văn Tuấn khẳng định.

Theo Tổng KTNN, trong thời gian tới, toàn ngành KTNN sẽ tiếp tục kiên định với phương châm hành động “Chất lượng và đạo đức công vụ” nhằm đạt mục tiêu “Chất lượng, chất lượng hơn và chất lượng hơn nữa”, đảm bảo thực hiện trách nhiệm “vì nền tài chính quốc gia minh bạch, bền vững”.

Trong tương lai xa hơn, tầm nhìn phát triển KTNN phải gắn chặt với các yêu cầu mới của Đảng và Nhà nước, với mục tiêu đưa nước ta đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

KTNN mong muốn và kỳ vọng sẽ có sự phát triển đột phá để phấn đấu trở thành cơ quan kiểm toán tối cao việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. Đồng thời là công cụ trọng yếu, hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và kiểm soát quyền lực.

Từ đó, nâng cao trách nhiệm giải trình và đảm bảo tính công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, phục vụ hiệu quả hoạt động của Quốc hội, Chính phủ trong thực hiện chức năng lập pháp, giám sát, quản lý điều hành và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Tổng Kiểm toán Nhà nước NGÔ VĂN TUẤN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm