Trong thời gian qua, rất nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam (VN) cần tính đến phương án khởi kiện Trung Quốc (TQ) về hành vi hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981.
Để làm rõ hơn các yếu tố pháp lý liên quan đến phương án khởi kiện TQ, Pháp Luật TP.HCMđã tiếp tục có cuộc trao đổi với TS Ngô Hữu Phước, Trưởng bộ môn Công pháp quốc tế, Trường ĐH Luật TP.HCM, xoay quanh vấn đề này.
TS Phước nói: Tôi cho rằng khi các giải pháp chính trị ngoại giao mà chúng ta đã, đang và sẽ kiên trì áp dụng nhưng không hiệu quả thì giải pháp giải quyết bằng các biện pháp pháp lý là cần thiết vì đây cũng là một trong những biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp quốc tế đã được quy định tại Điều 33 của Hiến chương LHQ.
Kiện TQ vì giải thích và thực hiện sai Công ước 1982
. Phóng viên: Thưa ông, trước hành vi TQ ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981, xâm phạm chủ quyền đương nhiên của VN theo quy định Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 (Công ước 1982), phương án khả dĩ đầu tiên để VN đấu tranh pháp lý với TQ trong vụ này, theo ông là gì?
+ TS Ngô Hữu Phước: Theo tôi, trước mắt thông qua Đại hội đồng LHQ (theo Hiến chương của LHQ và quy chế của Tòa án công lý quốc tế, các quốc gia không có quyền yêu cầu tòa tư vấn trực tiếp), VN có thể yêu cầu Tòa án công lý quốc tế ra kết luận tư vấn (tòa có chức năng tư vấn pháp luật quốc tế) về vụ việc TQ hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 có phù hợp với luật pháp quốc tế không? Và tôi tin chắc rằng tòa sẽ kết luận hành vi của TQ hạ đặt giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của VN là vi phạm pháp luật quốc tế mà cụ thể là vi phạm Công ước 1982 và đây là tư vấn rất có lợi cho VN cả về phương diện chính trị, pháp lý và dư luận tiến bộ quốc tế ủng hộ VN, phản đối TQ mạnh mẽ và quyết liệt hơn nữa. Điều đó là rất cần thiết để chúng ta đấu tranh với TQ để bảo vệ quyền chủ quyền và quyền tài phán trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình theo quy định của Công ước 1982.
. Rõ ràng là TQ lập luận hoàn toàn trái ngược với Công ước 1982 khi cho rằng vị trí họ đặt giàn khoan là thuộc vùng biển của họ. Chiếu theo các quy định của Công ước 1982, VN có thể khởi kiện theo phương án nào nữa?
+ Tôi khẳng định chúng ta có thể nghiên cứu, cân nhắc, tính toán thật kỹ để lựa chọn các giải pháp giải quyết tranh chấp theo quy định của Công ước 1982. Điều 279 Công ước 1982 quy định các quốc gia có nghĩa vụ giải quyết các tranh chấp phát sinh bằng các biện pháp được quy định tại Điều 33 của Hiến chương LHQ (biện pháp đàm phán, hòa giải, trung gian, điều tra, trọng tài quốc tế, Tòa án công lý quốc tế và giải quyết trước các tổ chức quốc tế bằng các hiệp định khu vực). Tiếp đó, Điều 287 Công ước 1982 tiếp tục quy định khi ký kết hay phê chuẩn công ước hay bất kỳ thời điểm nào sau đó, một quốc gia có quyền tự do lựa chọn một trong các cơ quan tài phán sau đây để giải quyết các tranh chấp có liên quan đến giải thích hay áp dụng công ước: Tòa án quốc tế về Luật Biển (được thành lập theo Phụ lục số 6 của Công ước 1982); Tòa án công lý quốc tế (ICJ); Tòa án trọng tài quốc tế về Luật Biển (được thành lập theo Phụ lục số 7 của Công ước 1982) và Tòa án trọng tài đặc biệt (được thành lập theo Phụ lục số 8 của Công ước 1982) bằng một tuyên bố chấp nhận giải quyết theo các phương thức được quy định theo quy định của điều này. Vừa rồi Philippines đã lựa chọn Tòa án trọng tài quốc tế về Luật Biển để khởi kiện TQ nhằm phản đối yêu sách của TQ đối với các khu vực trên biển Đông và vùng đáy biển cách bờ gần nhất của TQ 870 hải lý và yêu sách về đường chữ U chín đoạn chiếm hơn 80% diện tích của biển Đông (theo điểm 1 và điểm 2 của Thông báo và Tuyên bố khởi kiện của Philippines ngày 22-1-2013).
Giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt trái phép trên vùng biển Việt Nam. Ảnh: INTERNET
Chọn Tòa án trọng tài quốc tế về luật biển
. Đối chiếu với tất cả khả năng lợi, bất lợi có thể mang lại, theo ông VN cần lựa chọn phương án khởi kiện tại tòa nào?
+ Nghiên cứu các quy định của Công ước 1982 về giải quyết tranh chấp, tôi cho rằng chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu chứ không nên nóng vội khởi kiện tại Tòa án công lý quốc tế (vì sẽ gặp rất nhiều trở ngại nếu TQ không chấp nhận phương án giải quyết này). Tòa án trọng tài đặc biệt chỉ có chức năng điều tra và xác lập các sự kiện từ nguồn gốc vụ tranh chấp liên quan đến đánh bắt hải sản, bảo vệ và gìn giữ môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển và hàng hải, kể cả nạn ô nhiễm do các tàu thuyền hay do nhận chìm chứ không thực sự là cơ quan có chức năng “giải quyết tranh chấp” như Tòa án trọng tài quốc tế về Luật Biển. Tòa này chỉ có thể thảo ra các khuyến nghị không có tính ràng buộc các bên tranh chấp phải thực hiện mà chỉ là cơ sở để các bên tranh chấp xem xét lại những vấn đề làm phát sinh tranh chấp mà thôi. Còn Tòa án quốc tế về Luật Biển là một cơ quan thường trực có trụ sở tại Hamburg (Đức) nhưng từ trước tới nay tòa này giải quyết không nhiều các tranh chấp về giải thích và thực hiện công ước. Và thực tế rất ít quốc gia khi phê chuẩn, gia nhập Công ước 1982 lựa chọn Tòa án quốc tế về Luật Biển để giải quyết tranh chấp.
Qua nghiên cứu, tôi thấy các quốc gia trên thế giới có xu hướng chọn Tòa án trọng tài quốc tế về Luật Biển để giải quyết các tranh chấp. Nhưng xin đặc biệt lưu ý là Tòa án trọng tài quốc tế về Luật Biển không có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp về phân định lãnh hải, phân định vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa; các vụ tranh chấp liên quan đến việc hoạch định ranh giới các vùng biển đã được một thỏa thuận giữa các bên giải quyết dứt khoát, cũng như đối với các vụ tranh chấp phải được giải quyết theo đúng thỏa thuận song phương hoặc đa phương có tính chất ràng buộc các bên; các tranh chấp về hoạt động quân sự và các tranh chấp mà Hội đồng Bảo an LHQ có trách nhiệm giải quyết (được quy định tại Điều 298 của Công ước 1982). Trọng tài quốc tế về Luật Biển chỉ có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp phát sinh trong quá trình giải thích và thực hiện Công ước 1982 mà thôi. Đối với hành vi hạ đặt giàn khoan 981, TQ đã giải thích rằng vị trí mà họ hạ đặt giàn khoan là nằm trong vùng biển thuộc chủ quyền của TQ là sai với các quy định liên quan trong Công ước 1982 về xác định quy chế pháp lý của đảo, các vùng biển của đảo và quy chế của các bãi cạn (như đã đề cập trong bài “TQ lập luận rất trái ngược với luật pháp quốc tế”, Pháp Luật TP.HCM ngày 26-5). Đó là căn cứ pháp lý và căn cứ thực tiễn rất quan trọng để VN dựa vào đó để xem xét, khởi kiện TQ ra Tòa án trọng tài quốc tế về Luật Biển là vì TQ đã giải thích và thực hiện công ước không đúng.
. Trong trường hợp này, nếu TQ không chấp nhận phương án giải quyết tại tòa này thì cơ chế nào để đảm bảo vụ kiện vẫn được tiến hành?
+ Các quy định về giải quyết tranh chấp của Công ước 1982 theo thủ tục bắt buộc để ra các phán quyết bắt buộc thì gần như “dồn trách nhiệm” cho Tòa án trọng tài quốc tế về Luật Biển. Theo quy định tại Điều 287 của Công ước 1982, nếu một quốc gia thành viên tham gia vào một vụ tranh chấp mà không được một tuyên bố còn có hiệu lực bảo vệ thì được xem là đã chấp nhận thủ tục trọng tài đã trù định ở Phụ lục VII (thủ tục của Tòa án trọng tài quốc tế về Luật Biển); nếu các bên tranh chấp không chấp nhận cùng một thủ tục để giải quyết tranh chấp thì vụ tranh chấp đó chỉ có thể được đưa ra giải quyết theo thủ tục trọng tài đã được trù định ở Phụ lục VII, trừ khi các bên có thỏa thuận khác. Đối chiếu với bối cảnh hiện nay giữa VN và TQ, VN hoàn toàn có thể khởi kiện TQ ra Tòa án trọng tài quốc tế về Luật Biển. Và tôi muốn lưu ý thêm rằng nếu chúng ta chọn để khởi kiện TQ ra Tòa án trọng tài quốc tế về Luật Biển thì không cần biết TQ có đồng ý hay không. Bởi vì theo quy định của Phụ lục VII của Công ước 1982, nếu bị đơn không đồng ý tham gia vụ kiện thì Hội đồng trọng tài vẫn được thành lập và tiến hành giải quyết (như vụ kiện mà Philippines đang kiện TQ hiện nay, mặc dù TQ tuyên bố không tham gia nhưng Hội đồng trọng tài vẫn được thành lập và hiện đang tiến hành giải quyết).
Chính vì vậy, trong tương lai, VN cần nghiên cứu, cân nhắc, tính toán để chọn một giải pháp pháp lý hiệu quả để giải quyết tranh chấp. Và theo tôi, giải pháp khởi kiện TQ ra Tòa án trọng tài quốc tế được thành lập theo Công ước 1982 là một giải pháp hiệu quả, cần ưu tiên xem xét.
Phương án khởi kiện đòi chủ quyền với Hoàng Sa
. Có một số ý kiến cho rằng trong bối cảnh này VN cần khởi kiện luôn TQ để đòi lại chủ quyền của VN đối với quần đảo Hoàng Sa? Ý kiến của ông thế nào và có thể kiện ra ra Tòa án trọng tài quốc tế về Luật Biển được không?
+ Với vấn đề khởi kiện để đòi lại chủ quyền của VN đối với Hoàng Sa, chúng ta cần phải cân nhắc, tính toán thật kỹ lưỡng, thận trọng trên mọi phương diện cả pháp luật, chính trị và quan hệ quốc tế để quyết định.
Như tôi đã nói ở trên, nếu đưa vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa để yêu cầu Tòa án trọng tài quốc tế về Luật Biển giải quyết thì tòa này không giải quyết được. Bởi vì theo công ước, Tòa án trọng tài quốc tế về Luật Biển chỉ có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp phát sinh trong quá trình giải thích và thực hiện công ước.
. Vậy theo ông, nếu khởi kiện thì ta nên đưa sự việc này ra tòa án cụ thể nào?
+ Đó là Tòa án công lý quốc tế. Tòa án này là một trong sáu cơ quan chính của LHQ, có chức năng giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia khi được yêu cầu. Tuy nhiên, cơ chế giải quyết tại Tòa án công lý quốc tế thì không đơn giản. Điều kiện để tòa án này giải quyết các tranh chấp giữa các quốc gia là rất phức tạp, chứ không như một số người vẫn nghĩ lâu nay là ta thích thì ta cứ kiện, tòa án sẽ thụ lý và giải quyết.
. Cụ thể sự phức tạp này như thế nào, thưa TS?
+ Theo quy chế của Tòa án công lý quốc tế, trong bối cảnh hiện nay giữa VN và TQ thì tòa này chỉ có thể giải quyết tranh chấp nếu VN khởi kiện và TQ cũng chấp nhận giải quyết tại tòa án hoặc VN và TQ thỏa thuận đồng yêu cầu tòa án giải quyết tranh chấp thì tòa án mới có thẩm quyền giải quyết. Đây là khả năng rất khó xảy ra trong bối cảnh hiện nay. Bởi vì hơn ai hết TQ hiểu rằng nếu giải quyết tại Tòa án công lý thì họ sẽ thua vì họ không có chứng cứ pháp lý và lịch sử nào để có thể chứng minh Hoàng Sa là của họ cả. Còn VN, chúng ta có đầy đủ chứng cứ pháp lý và lịch sử để khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của mình đối với quần đảo Hoàng Sa. Do vậy, theo quan điểm của tôi, không bao giờ TQ chấp nhận giải quyết vụ kiện này tài Tòa án công lý quốc tế.
. Xin cảm ơn ông.
THANH MẬN thực hiện
. Giả sử vụ kiện đòi chủ quyền Hoàng Sa diễn ra trên thực tế, theo ông, khả năng thắng kiện của VN trong trường hợp này thế nào? Và hiệu lực pháp lý của phán quyết Tòa án công lý quốc tế ra sao? + Bằng niềm tin nội tâm của tôi và như tôi đã nói ở trên, với những chứng cứ lịch sử và pháp lý của mình, nếu giải quyết tại Tòa án công lý quốc tế thì khả năng thắng của VN là rất cao. Về hiệu lực pháp lý, phán quyết của Tòa án công lý quốc tế có giá trị chung thẩm, bắt buộc phải thực hiện. Tuy nhiên, không phải mọi chuyện suôn sẻ như logic thông thường - khi thắng rồi thì sao nữa, TQ có chấp nhận không, có tuân thủ và thực hiện phán quyết của tòa không lại là chuyện khác. TQ là một cường quốc chính trị, kinh tế, quân sự, họ có tầm ảnh hưởng với thế giới lớn hơn ta. Đương nhiên, không phải cứ nước lớn là thắng nước nhỏ, nước giàu là thắng nước nghèo nhưng thực tế cho thấy luật pháp cũng có thể chịu ảnh hưởng bởi yếu tố chính trị. Nếu ta thắng mà TQ không thực hiện thì ta có quyền yêu cầu Hội đồng Bảo an can thiệp để buộc TQ thực hiện nhưng hiệu quả đến đâu? TQ có tuân thủ phán quyết hay chống lại là một câu chuyện nữa. Tất nhiên, nếu thắng kiện thì điều đó sẽ mang lại ý nghĩa rất to lớn về phương diện chính trị và pháp lý quốc tế để VN vững chắc hơn nữa trong việc khẳng định và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của chúng ta và vạch rõ sự sai trái của TQ trước cộng đồng quốc tế. |