Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương hôm 26/5 trắng trợn tuyên bố Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi với quần đảo Hoàng Sa.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương
Tần Cương chối bỏ thực tế Bắc Kinh dùng vũ lực đánh chiếm Hoàng Sa năm 1974 và nói rằng Trung Quốc đã sở hữu Hoàng Sa từ nhiều thế kỷ trước.
Lập luận duy nhất mà Tần Cương đưa ra là Công thư của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng năm 1958, bất chấp thực tế Việt Nam đã nêu rõ đây không phải là văn bản ngoại giao này không hề nhắc tới Hoàng Sa, Trường Sa. Trong khi đó, tại cuộc họp báo quốc tế ngày 23-5, ông Trần Duy Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban biên giới quốc gia, khẳng định Công thư của cố thủ tướng Phạm Văn Đồng là văn bản ngoại giao, nó có giá trị pháp lý về những vấn đề được nêu trong nội dung, đó là Việt Nam tôn trọng 12 hải lý mà Trung Quốc tuyên bố.
Công thư gửi cho Trung Quốc trong bối cảnh Hoàng Sa, Trường Sa đang thuộc quyền quản lý của Việt Nam cộng hòa theo Hiệp định Geneve 1954 mà Trung Quốc có tham gia. "Do đó, theo logic thông thường là bạn không thể cho người khác cái gì khi bạn chưa có được”, ông Trần Duy Hải khẳng định.
Trong cuộc họp báo được tổ chức ở Bắc Kinh, ông Tần Cương lập luận hàm hồ rằng Trung Quốc sở hữu quần đảo Hoàng Sa vào thời Hán, khoảng thế kỷ thứ hai trước Công nguyên
Tần Cương thậm chí trâng tráo nói rằng "uy tín Việt Nam đang xuống rất thấp, bởi nước này thường hành động đi ngược lời nói".
Trong khi trên thực tế, các học giả Mỹ, Pháp, Australia và nhiều nước châu Á đồng loạt chỉ trích: Đừng nghe những gì Trung Quốc nói, hãy xem những gì Trung Quốc làm. Đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc cố ý bôi nhọ Việt Nam. Trong các sự việc liên quan ở giàn khoan trái phép Hải Dương 981, nước này còn vu khống Việt Nam đưa tàu quân sự ra gây hấn với các tàu dân sự của Bắc Kinh. Tuy nhiên, hàng loạt các hãng thông tấn uy tín thế giới đều cho biết, Trung Quốc hành xử ngang ngược, dùng tàu quân sự đe dọa, xua tàu công vụ bắn súng phun nước, xịt vòi rồng uy hiếp tàu chấp pháp Việt Nam. Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam cho biết, máu "đại Hán" hung hăng của Trung Quốc đang lao vào tranh chấp lãnh thổ với một loạt các quốc gia Đông Nam Á tại Biển Đông.
Tuy nhiên, trong phiên khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh về phối hợp hành động và củng cố lòng tin ở châu Á (CICA) tại Thượng Hải ngày 21/5, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vẫn bình thản tuyên bố Trung Quốc đang lớn mạnh cần các biện pháp “hòa bình” để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ. Nói vậy nhưng không phải vậy, Trung Quốc bao giờ cũng "nói một đằng, làm một nẻo!" Các hoạt động của Trung Quốc gần đây ở Biển Đông gặp phải sự chỉ trích gay gắt từ nhiều nước. Thậm chí, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, có trụ sở tại Hong Kong nhận định: Bắc Kinh không nhỉ nhe nanh thể hiện chủ nghĩa bành trướng với Việt Nam và Philippines. Trung Quốc đã thành công trong việc đẩy Indonesia từ vị trí cố gắng đóng vai trò trung gian hòa giải giữa quốc gia đông dân nhất thế giới và các nước Đông Nam Á, tới chỗ đối đầu.
Hai lần trong mấy tháng gần đây, Indonesia lên tiếng cáo buộc Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền với một phần quần đảo Natuna của nước này.
"Quá đủ cho cái gọi là "sự trỗi dậy hòa bình", khi anh chọc giận các hàng xóm với quy mô dân số hơn 400 triệu người, những kẻ bị anh xem là yếu ớt", tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, viết.
Tất cả các tuyên bố chủ quyền biển đảo của Trung Quốc hiện gói gọn quanh đường 9 đoạn (đường lưỡi bò), mở rộng ra hơn 1.000 hải lý, bắt đầu từ các bờ biển của Quảng Đông và đảo Hải Nam, kéo dài tới gần Borneo, quần đảo chung của Malaysia, Indonesia và Brunei; bao gồm gần như toàn bộ vùng biển nằm giữa Việt Nam và Philippines. Tuyên bố chủ quyền này chiếm hơn 90% diện tích biển, dù Trung Quốc (gồm cả hòn đảo Đài Loan) chỉ chiếm có hơn 20% đường bờ biển.
Chính vì đòi hỏi vô lý này, Trung Quốc luôn khăng khăng đòi đàm phán song phương chứ không đàm phán đa phương về vấn đề Biển Đông.
Mặc dù mạnh miệng tuyên bố chủ quyền, nhưng Bắc Kinh vội vã chối từ khi Philippines đề nghị đưa vấn đề bãi cạn Scarborough (Trung Quốc gọi là Hoàng Nham) ra trước tòa án quốc tế.