Nhiều bài báo sai sự thật của Trung Quốc đã bị chính độc giả nước này mỉa mai, châm biếm, thậm chí họ phản đối thái độ, cách hành xử của Trung Quốc với các nước xung quanh, trong đó có Việt Nam.
Trang web đã đăng bài báo và phần bình luận của bạn đọc họ Trần. |
Trung Quốc quá tham lam
Một độc giả họ Trần bình luận trên một trang báo điện tử: Về vấn đề Nam Hải (Biển Đông), chúng ta (Trung Quốc -PV) quá tham lam. Tôi (họ Trần-PV) biết là người Trung Quốc mà nói vậy sẽ bị người trong nước xỉ vả, nhưng sự thực là như vậy. “Chúng ta trỗi dậy, nhưng tuyệt đối không phải bằng cách giẫm đạp lên các nước nhỏ hơn”, độc giả họ Trần viết.
Không chỉ có bạn đọc họ Trần, mà thời gian qua, nhiều bạn đọc Trung Quốc bức xúc vì cách giải thích vòng vo của nhà chức trách và các học giả Trung Quốc về Biển Đông, về “đường 9 đoạn”. Hầu hết những bạn đọc này yêu cầu Trung Quốc cần công bố những tư liệu rõ ràng hơn về “đường 9 đoạn” (một hình vẽ trên bản đồ hết sức mù mờ, không hề có tọa độ-PV). Một bạn đọc viết: Bên nào đưa ra được bằng chứng lịch sử, bên đó sẽ đúng. Nếu không, bên đó là dối trá.
Chia sẻ thêm về những phi lý mà phía Trung Quốc vẫn thường rao giảng, bạn đọc họ Trần nhấn mạnh: Chúng ta (Trung Quốc-PV) chẳng phải vẫn nói bị nước nhỏ hơn ức hiếp sao? Họ biết không phải là đối thủ của Trung Quốc, tại sao vẫn chống đối lại. Tôi nghĩ, có một số vị trí thuộc chủ quyền của người ta, bởi vì vị trí này cách bờ biển người ta 80, 90km, vậy mà cứ nói là của mình thì thật vô lý.
Có thể thấy rõ, đây là một bạn đọc rất am hiểu tình hình tại Việt Nam và đương nhiên là cả Trung Quốc. Bạn đọc họ Trần cũng là người thông tỏ địa lý và hiểu rõ chính nghĩa của Việt Nam, hiểu rõ Trung Quốc sai trái khi hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trong vùng thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam.
Từ sự hiểu biết này, bạn đọc trên đã chỉ ra những toan tính sai lầm từ phía Trung Quốc là muốn biến vùng chủ quyền của nước khác thành cái của mình.
Toan tính không trong sáng
Theo lý giải của bạn đọc họ Trần, những sai lầm có hệ thống đang khiến Trung Quốc dần thay đổi cách hành xử trong quan hệ với các nước láng giềng. Được xem là nước lớn, trong khoảng vài chục năm trở lại đây, Trung Quốc đối với Đông Nam Á và thế giới có vai trò như một đối tác đầu tư, hợp tác kinh tế... Sau khi trở thành nước lớn, nắm được nhiều lợi thế, khẳng định được ảnh hưởng và vị thế kinh tế, Trung Quốc lại chuyển sang một bộ mặt khác: Muốn chơi những con bài để đạt được sự thống trị về ảnh hưởng và gây áp lực cho các nước nhỏ hơn nhằm đạt được các mục đích trong chiến lược của mình.
Bạn đọc họ Trần chỉ rõ sự nguy hiểm khi nhà chức trách Trung Quốc chỉ muốn “vơ vào”. Bạn đọc này nhận định: Rõ ràng những toan tính không trong sáng của nhà chức trách Trung Quốc làm nóng khu vực Biển Đông. Đương nhiên, điều này rất nguy hiểm khi Trung Quốc nghĩ rằng không có sự phản ứng tương ứng nào, rồi tiếp đó Trung Quốc sẽ lấn tới và sẽ có nhiều hành động khác. Thế nhưng, thực tế đã trả lời. Chính nghĩa thuộc về Việt Nam và Việt Nam đang nhận được sự ủng hộ của bạn bè quốc tế. Trung Quốc phi nghĩa, vì vậy Trung Quốc đang dần bị cô lập.
Một ý cuối cùng trong phần bình luận mà bạn đọc họ Trần chỉ ra là muốn giải quyết vấn đề, cần phải tính đến các lợi ích của nhau, làm gì cũng phải có lý, có tình và mang tính xây dựng: “Xét dưới góc độ thực tiễn, lịch sử và tương lai, tôi cho rằng chúng ta (Trung Quốc-PV) hãy đàm phán với họ (Việt Nam-PV) để giải quyết". Ước nguyện chính đáng của mọi người dân Trung Quốc cũng là ước nguyện chính đáng của nhân dân Việt Nam”.
Theo NGUYỄN HÒA/QĐND