“Kiềng ba chân” hết trễ hẹn với dân

Mỗi ngày, trung bình Sở Tư pháp TP.HCM nhận từ 200 đến 300 hồ sơ cấp phiếu lý lịch tư pháp (LLTP). Có những ngày cao điểm lên tới 700 hồ sơ. Trước đây con số này là một “gánh nặng” đầy mệt mỏi nhưng giờ đây... điều này đã được giải quyết một cách “nhanh, gọn, lẹ”.


Người dân đang làm thủ tục cấp phiếu LLTP tại Sở Tư pháp TP.HCM. Ảnh: KP

Hết trễ hẹn

Ông Nguyễn Văn Sáu (huyện Cần Giờ, TP.HCM) đi từ sáng sớm đã đón xe buýt, xe ôm đến Sở nộp hồ sơ cấp phiếu LLTP số 2. Cầm phiếu hẹn lấy kết quả sau 12 ngày làm việc, ông mừng húm: “Trước đây em tui cũng cấp phiếu này mà phải chờ đến gần hai tháng mới có. Nghe đâu phải xác minh ở mấy tỉnh lận. Giờ chắc họ làm bằng máy móc nên mới nhanh vậy”. Rồi ông Sáu kể: Gia đình ông trước năm 1975 ở Đà Nẵng, sau đó vào Lâm Đồng lập nghiệp. Năm 1995, cả nhà mới về TP sinh sống tới giờ…

Ông Hồng Văn Hải, Trưởng phòng LLTP (Sở Tư pháp TP.HCM), lý giải trường hợp này trước đây thuộc một trong bốn dạng hồ sơ dễ bị trễ hẹn. Đó là người được cấp phiếu LLTP đã cư trú qua nhiều tỉnh, thành; công dân Việt Nam có thời gian cư trú ở nước ngoài, người nước ngoài, người từng đi bộ đội ở các đơn vị tỉnh, thành khác. Thời gian giải quyết hồ sơ dạng này là 20 ngày. Tuy nhiên, rất ít trường hợp đúng hẹn do phải chờ kết quả xác minh từ các cơ quan khác. Quy trình xử lý hồ sơ dạng này là Sở tiếp nhận hồ sơ rồi chuyển lên Công an TP xác minh. Nếu đương sự cư trú tại nhiều tỉnh, thành khác trước khi tới TP.HCM thì Công an TP chuyển hồ sơ cho công an cùng cấp ở địa phương đó xác minh. Sau khi có kết quả họ mới chuyển lại cho Công an TP và cơ quan này chuyển trả kết quả để Sở cấp phiếu LLTP.

“Người dân bị chậm trễ hồ sơ nên bức xúc. Thậm chí cán bộ tiếp nhận hồ sơ cũng không rõ ngày nào có kết quả nên không trả lời cho dân. Điều này dẫn đến khiếu nại gây ức chế cho cả người dân lẫn cán bộ giải quyết. Dù không phải lỗi của mình nhưng chúng tôi vẫn thấy ái ngại” - ông Hải cho hay.

Để xử lý, cuối năm 2014, Sở Tư pháp đã kiến nghị trung ương cho phép thực hiện mô hình “kiềng ba chân” (Bộ Công an - Trung tâm LLTP Quốc gia - Sở Tư pháp TP.HCM). Sở Tư pháp sau khi tiếp nhận hồ sơ thuộc nhóm trên sẽ chuyển thẳng cho Bộ Công an, Trung tâm LLTP Quốc gia xác minh. Thời gian giải quyết rút xuống chỉ còn 12-15 ngày. Từ cuối năm 2014 đến nay, tại Sở Tư pháp TP tỉ lệ hồ sơ trễ hẹn từ 90% giảm xuống chỉ còn 1%.

Nhận hồ sơ từ nước ngoài gửi về

Điều 45, 46 Luật LLTP năm 2009 quy định khi cá nhân yêu cầu cấp phiếu LLTP số 1 thì họ có thể ủy quyền cho người khác làm thủ tục này. Tuy nhiên, đối với phiếu LLTP số 2 thì người yêu cầu cấp phiếu phải trực tiếp làm thủ tục mà không được ủy quyền cho người khác làm thay. Thực tế, nhiều du học sinh, người Việt Nam định cư, học tập ở nước ngoài không thể về nước để thực hiện thủ tục cấp phiếu số 2 mà cũng không thể ủy quyền được.

Ông Hải cho hay phụ huynh của du học sinh gặp tình huống này rất bức xúc vì không được ủy quyền để làm thay con. Nếu con về nước thì tốn kém tiền bạc và thời gian. Nhiều người “năn nỉ” cấp phiếu cho con vì thực tế là phiếu này do con họ viết, ký tên gửi về. Nếu giải quyết là hợp lẽ, hợp tình nhưng lại vi phạm luật.

Để tháo gỡ “rào cản” này, Sở đã mạnh dạn đề xuất cấp phiếu LLTP số 2 qua đường bưu điện cho nhóm đối tượng trên và được sự chấp thuận của UBND TP, của trung ương. Từ ngày 9-7-2013, Sở Tư pháp TP.HCM tiếp nhận hồ sơ từ nước ngoài (người yêu cầu cấp phiếu LLTP lấy mẫu đơn trên trang điện tử của Sở) ký tên rồi gửi về địa chỉ của Sở. Sau đó Sở sẽ gửi kết quả đến trực tiếp người nhận ở nước ngoài. Đây là một giải pháp đột phá, gỡ vướng cho đối tượng trên mà không cần về nước họ vẫn làm được hồ sơ. Kết quả này sau đó được áp dụng rộng rãi cho nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước.

Nhìn nhận về dịch vụ này, chị Trần Thị Hoàng Anh, du học sinh Úc, nói: “Lúc trước bạn tôi cần phiếu LLTP số 2 để bổ túc hồ sơ cho trường mà cha mẹ ở Việt Nam không làm được nên bạn ấy phải bỏ học, mua vé máy bay về nước. Vừa tốn tiền vừa tốn thời gian. Giờ có dịch vụ này nên chúng tôi khỏe re”.

 

Đúng hẹn với dân

“Kiềng ba chân” hết trễ hẹn với dân ảnh 2

Sở Tư pháp TP.HCM mạnh dạn đề xuất thí điểm mô hình “kiềng ba chân” bởi lẽ tính hiệu quả mà nó đem lại rất lớn. Người dân được nhận hồ sơ đúng hẹn, cán bộ tiếp nhận đỡ cực và cái lợi lớn hơn là rút ngắn được thời gian và quy trình giải quyết. Bên cạnh đơn giản các thủ tục hành chính thì việc giải quyết hồ sơ đúng hẹn là điều dân cần, dân muốn. Hơn nữa, cán bộ giải quyết cũng đỡ áp lực vì cứ phải “ngóng” hồ sơ mà không rõ là bao giờ mới có kết quả xác minh. Cái gì có lợi cho dân thì mạnh dạn làm, mạnh dạn thí điểm để người dân tin tưởng vào công cuộc cải cách hành chính.

Ông HUỲNH VĂN HẠNH, Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm