Kinh hoàng vàng SJC 'phi thẳng' lên mốc 68 triệu đồng/lượng

Đầu phiên giao dịch sáng 4-3, tại hệ thống cửa hàng kinh doanh vàng Mi Hồng đã đẩy giá bán vàng lên 67,9 triệu đồng/lượng, tăng 350.000 đồng/lượng so với chốt phiên chiều qua.

Trong khi đó, ở chiều mua vào, giá vàng SJC lại được doanh nghiệp này điều chỉnh giảm nhẹ 50.000 đồng/lượng xuống mức 66,7 triệu đồng/lượng, khiến chênh lệch giá mua và bán giãn rộng lên 1,2 triệu đồng/lượng.

Tương tự, Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận cũng niêm yết giá mua vào - bán ra đối với vàng miếng hiện ở mức 66,7 - 67,9 triệu đồng/lượng, tăng 450.000 đồng/lượng ở chiều mua và tăng 650.000 đồng/lượng ở chiều bán so với giá đóng cửa phiên giao dịch chiều qua. Đây được xem là những mức giá giao dịch cao nhất của vàng miếng SJC từ trước đến nay.

Còn tại Công ty vàng bạc đá quý Phú Quý, giá vàng miếng SJC niêm yết ở mức 66,55 triệu đồng/lượng (mua vào), tăng 250.000 đồng/lượng so với chốt phiên hôm qua. Ở chiều bán ra, doanh nghiệp này tăng 350.000 đồng/lượng kéo giá vàng SJC lên mức 67,55 triệu đồng/lượng.

Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận cũng niêm yết giá mua vào - bán ra đối với vàng miếng hiện ở mức 66,7 - 67,9 triệu đồng/lượng.

Trên thị trường thế giới, giá vàng giao ngay hiện dao động ở mức 1.946 USD/ounce, tăng 25 USD/ounce so với một ngày trước. Quy đổi theo tỉ giá tại các ngân hàng thương mại, hiện giá vàng thế giới tương đương khoảng 53,9 triệu đồng/lượng, tăng khoảng 700.000 đồng/lượng so với phiên trước.

Như vậy, giá vàng SJC đang đắt hơn giá vàng thế giới tới 14 triệu đồng/lượng và tiếp tục xác lập kỷ lục mới về độ chênh lệch giữa thị trường vàng trong nước và quốc tế.

Giá vàng thế giới tăng mạnh sau khi vòng đàm phán thứ hai Nga và Ukraine kết thúc nhưng phía Ukraine vẫn chưa đạt được các kết quả ngoài việc tổ chức các hành lang nhân đạo.

Bên cạnh đó, mức lạm phát của Mỹ đang ở mức cao nhất trong 40 năm. Chủ tịch Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), ông Jerome Powell, cho biết ưu tiên lớn nhất của Fed vào thời điểm này là cần thực hiện các giải pháp làm sao để tránh lạm phát cao ở mức "cố định" và "kéo dài". Thế nhưng cuộc tấn công của Nga vào Ukraine và các lệnh trừng phạt mới, có thể gây ra "những hậu quả không mong muốn".

Ông Jerome Powell cho biết thêm: "Hiện mọi thứ đều quá bấp bênh, và vào những thời điểm như thế này, chúng tôi đưa ra các quyết định một cách cẩn thận".

Powell xác nhận rằng ông ủng hộ mức tăng 25 điểm cơ bản tại cuộc họp FOMC ngày 15 và 16 - 3 sắp tới. Đồng thời, các quan chức Fed cũng sẽ đưa ra kế hoạch giảm bảng cân đối kế toán gần 9.000 tỉ USD của ngân hàng trung ương.

Tuy nhiên, một mối lo ngại lớn sắp bước vào mùa xuân là "hậu quả khôn lường" của các lệnh trừng phạt đối với Nga và cuộc chiến ở Ukraine.

Ông Powell nhấn mạnh: Cuộc chiến quân sự của Nga ở Ukraine đã đẩy giá cả hàng hóa tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm, điển hình là giá dầu tăng vượt 110 USD/thùng. Điều này có thể có tác động đến kỳ vọng lạm phát và tăng trưởng kinh tế.

"Những gì chúng tôi biết cho đến nay là giá hàng hóa đã tăng lên đáng kể, đặc biệt là giá năng lượng. Điều đó sẽ tác động đến nền kinh tế Mỹ và gây áp lực lên lạm phát, ít nhất là trong một thời gian nhất định nhưng không biết điều đó sẽ kéo dài trong bao lâu. Bởi bất kỳ cú sốc dầu dài hạn nào cũng có thể tạo thành lạm phát và tác động đến tăng trưởng kinh tế.

Bất chấp những lo lắng này, điều quan trọng là Fed phải tiến hành thắt chặt chính sách tiền tệ vì lạm phát nóng và hiện Fed đang tiến hành tăng lãi suất"- ông Jerome Powell nói lại

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm