Bộ Y tế nói về 18.000 chai tương ớt Chin-su bị Nhật thu hồi

Thông tin từ Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế ngày 6-4 cho biết, cơ quan này đang nhanh chóng làm rõ vụ trên 18.000 chai tương ớt Chin-su bị thu hồi tại Nhật Bản.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, cho hay đến nay vẫn chưa có thông tin về việc thu hồi sản phẩm tương ớt Chin-su NK từ Việt Nam từ cơ quan chức năng Nhật Bản. Tuy nhiên cục cũng đang cho làm rõ vụ việc, tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến việc thu hồi và nguồn gốc hàng hóa.

Theo Cục An toàn thực phẩm, acid benzoic có trong danh mục phụ gia bảo quản của Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế Codex. Hiện trên thế giới có 186 nước dùng theo tiêu chuẩn chung của Codex, trong đó có Việt Nam.

Cũng theo Cục An toàn thực phẩm, Codex đưa ra tiêu chuẩn chung, nhưng mỗi nước áp dụng vào quốc gia mình phù hợp, có nước cho phép sử dụng, có nước cấm. Cơ quan này đang tiến hành xác minh thông tin.

Lý giải vì sao Nhật Bản lại thu hồi tương ớt chứa chất này, với cương vị là chuyên gia thực phẩm PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết benzoic là axit nằm trong nhóm phụ gia thực phẩm, có tác dụng chống lại vi sinh vật, đặc biệt là nấm mốc. Việc cấm ở nước này và cho sử dụng ở nước khác tùy thuộc vào quy định của mỗi nước, ví dụ Việt Nam cho phép sử dụng axit benzoic trong thực phẩm nhưng Nhật Bản lại không.

“Việc dùng axit benzoic tùy từng nước có cho phép hay không, liên quan nhiều vấn đề khác nhau. Không thể nói luật pháp Việt Nam cho phép mà nước khác phải công nhận”, PGS Thịnh nêu quan điểm.

Về phía DN có sản phẩm thu hồi, trả lời báo chí, đại diện Công ty cổ phần hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer) cho rằng, DN này chưa từng xuất khẩu trực tiếp hoặc gián tiếp tương ớt Chin- sucho Công ty Javis Co., Ltd hoặc Công ty ISC Industrial Co., Ltd.

"Do Masan chỉ xuất khẩu trực tiếp sản phẩm tương ớt Chin-su sang các thị trường Mỹ, Canada, Úc, Nga, Cộng hòa Czech, Trung Quốc, Đài Loan, nên nếu có xuất khẩu trực tiếp sang thị trường Nhật, công ty phải tuân thủ quy định ghi nhãn của Nhật Bản", vị này nói.

Masan cho biết hiện công ty không có mẫu sản phẩm nên "chưa thể có kết luận chính thức về nguồn gốc xuất xứ của lô hàng này, nhưng nhiều khả năng đây là sản phẩm dành riêng cho thị trường Việt Nam, trên đó có ghi rõ "Dành riêng cho thị trường Việt Nam. Không dành cho xuất khẩu. Exclusively for sale in Vietnam. Exports are not authorised", hoặc là sản phẩm không rõ xuất xứ".

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm