Chủ dự án bất động sản cầm cự…

Phòng xúc tiến đầu tư Công ty VietRees - một công ty chuyên nghiên cứu, tư vấn tiếp thị bất động sản ở TP.HCM - cho biết: "Đã nhận được nhiều yêu cầu từ các chủ dự án là các nhà đầu tư trong nước đang có dự án cần tìm kiếm nguồn vốn đầu tư hoặc chuyển nhượng". Tuy nhiên, lúc này khó tìm được doanh nghiệp trong nước mua lại dự án do nguồn vốn từ ngân hàng đã bị thắt chặt. Vì vậy, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ là đối tượng mà các chủ dự án đang muốn nhắm tới để "gả bán dự án" vì có khả năng tài chính và sẵn sàng mua lại dự án.

Tuy nhiên, "các nhà đầu tư nước ngoài sàng lọc kỹ, đặt ra nhiều điều kiện và mức giá mua luôn ép người bán" - giám đốc một công ty đầu tư và xây dựng ở TP.HCM cho biết. Không phải chủ dự án nào cũng chấp nhận các điều kiện này nên trên thực tế trong thời gian qua, chỉ có một số ít dự án tìm được đối tác để liên kết đầu tư, còn lại chỉ dừng ở đàm phán. Vẫn chưa ghi nhận được vụ chuyển nhượng dự án nào thành công.

Theo ông Dương Chí Thiện - phó tổng giám đốc Neoland - khi tham gia thị trường các nhà đầu tư nước ngoài luôn cân nhắc rất kỹ về phân khúc sản phẩm và thị trường trước khi đầu tư, do đó sẽ không thể có chuyện tất cả các nhà đầu tư nước ngoài đều nhắm đến thị trường sản phẩm cao cấp hay có giá trị cao trong khi tiềm năng thật sự của thị trường bất động sản VN lại là thị trường nhà ở cho người có thu nhập trung bình thấp.

Theo các chuyên gia, các nhà đầu tư nước ngoài chỉ chú ý đến những dự án có qui mô lớn, đất sạch, đầy đủ tính pháp lý, có tiềm năng kinh doanh và khả năng gia tăng giá trị của bất động sản. Mua lại các dự án này, nhà đầu tư nước ngoài không còn phải vất vả với việc giải tỏa đền bù vốn mất nhiều thời gian, lại có thể triển khai ngay dự án để đưa vào kinh doanh. Trong khi đó, các nhà đầu tư trong nước phải "vật vã” và mất nhiều công sức để hoàn chỉnh pháp lý của dự án cũng như đền bù giải tỏa.

Vì vậy, họ hiểu được giá trị thật của dự án nên không dễ bán bằng mọi giá. Một số công ty bất động sản cho rằng tình hình không quá xấu như những năm 1995-1997. Kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ dần ổn định, chứng khoán có dấu hiệu khởi sắc. Xu hướng chung của các dự án là làm chậm lại, chờ cho qua khó khăn thay vì... đổi chủ.

Theo các chuyên gia, các dự án chuyển nhượng, nếu có, chỉ xảy ra với các chủ đầu tư mà thời gian qua dù không có năng lực nhưng bằng nhiều "lợi thế" đã cố gắng lấy nhiều dự án.

Theo BẢO CHƯƠNG ( TT)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm