Chiều 20-4, Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (Vifores) tổ chức hội nghị Kiểm soát tính hợp pháp của gỗ nhiệt đới nhập khẩu.
Thông tin tại hội nghị, Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam cho biết bình quân mỗi năm nước ta nhập khẩu khoảng 2-2,5 triệu m3 gỗ quy tròn là gỗ nhiệt đới. Đây là con số rất lớn, tương đương 40-50% trong tổng lượng gỗ tròn và xẻ nhập khẩu.
Theo tiêu chí phân loại gỗ nhập khẩu của Nghị định 102/2020 về Hệ thống đảm bảo tính hợp pháp của gỗ thì đây là nguồn gỗ rủi ro cao. Nguồn gỗ này nhập khẩu vào Việt Nam chủ yếu sử dụng phục vụ tiêu dùng nội địa.
Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, cho biết nếu không kiểm soát tốt nguồn gốc gỗ nhập khẩu sẽ không tránh khỏi bị tranh chấp thương mại, bị áp thuế. Ảnh: AH
Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Vifores cho biết nếu không kiểm soát tốt nguồn gốc gỗ nhập khẩu sẽ không tránh khỏi bị tranh chấp thương mại, bị áp thuế.
Đáng lưu ý khi hiện nay Chính phủ Mỹ đang điều tra ngành gỗ của Việt Nam dựa trên cáo buộc Việt Nam nhập khẩu gỗ nhiệt đới bất hợp pháp sử dụng cho tiêu dùng nội địa, một phần được đưa vào xuất khẩu. Trong khi đó, thị trường Mỹ hiện chiếm trên 60% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành.
"Nếu Chính phủ Mỹ ra lệnh trừng phạt ngành gỗ của Việt Nam, toàn ngành sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Mục tiêu xuất khẩu mà Chính phủ đề ra chắc chắn không thể đạt được'" - ông Lập nhấn mạnh.
Do đó, mục tiêu đặt ra tại hội thảo là tạo ra hành lang pháp lý để việc nhập khẩu gỗ về Việt Nam, đặc biệt là gỗ rừng nhiệt đới phải là gỗ hợp pháp.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: AH
Trao đổi thêm với báo chí về vấn đề này, ông Đỗ Xuân Lập cho biết các hiệp hội gỗ tại Việt Nam đã gửi công văn cho các nước, vùng địa lý rủi ro cao như Lào, Campuchia, châu Phi, đặc biệt là Cameroom - nơi có lượng gỗ nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Sau đó, phía Cameroom đã đưa ra thông điệp về tiêu chí thế nào là gỗ xuất khẩu hợp pháp đến các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
"Dựa trên những tiêu chuẩn về gỗ hợp pháp của châu Phi, Cameroom, Lào, Campuchia và bộ tiêu chí xuất khẩu của Việt Nam, chúng tôi sẽ xây dựng lên bộ tiêu chí để gỗ nhập khẩu vào Việt Nam chỉ là gỗ hợp pháp. Thời gian trình muộn nhất là vào đầu Quý III-2021" - ông Lập thông tin.
Các ý kiến tại hội nghị cũng cho rằng, để phát triển ngành gỗ bền vững thì ngoài việc xây dựng bộ tiêu chí về gỗ nhập khẩu hợp pháp cũng cần phải giải quyết thói quen sử dụng sản phẩm gỗ rừng tự nhiên của người dân.
Theo đó, Nhà nước nên đi tiên phong trong việc thay đổi thói quen sử dụng gỗ tự nhiên. Chính phủ cũng cần ban hành chính sách mua sắm công về các sản phẩm gỗ.
"Các chính sách này cần phát triển theo hướng loại bỏ hoàn toàn gỗ tự nhiên nhập khẩu từ các nguồn rủi ro ra, ưu tiên sử dụng các loài gỗ rừng trồng trong nước..." - nhóm tác giả Trần Lê Huy, Tô Xuân Phúc, Cao Thị Cẩm kiến nghị.